Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao giá dầu đột ngột lao dốc?

Giá dầu chịu sức ép lớn từ những biện pháp chống dịch gắt gao của Trung Quốc và tâm lý e ngại rủi ro trên các thị trường tài chính toàn cầu.

Theo dữ liệu của Trading Economics hôm 25/4 (theo giờ Việt Nam), giá dầu WTI lao dốc 3,95 USD/thùng, tương đương 3,88% so với 24 giờ trước đó xuống còn 98,13 USD/thùng. Đây là mức thấp nhất trong vòng gần 2 tuần qua.

Còn giá dầu Brent giảm 4,27 USD/thùng, tương đương hơn 4% so với một ngày trước đó xuống còn 102,64 USD/thùng, đánh dấu mức thấp nhất kể từ khi giá dầu bật tăng trở lại vào ngày 12/4.

Nói với Zing, chuyên gia quốc tế nhận định giá dầu chịu sức ép lớn từ các biện pháp chống dịch gắt gao của Trung Quốc và tâm lý e ngại rủi ro trên thị trường tài chính nói chung.

Gia dau giam anh 1

Giá dầu đột ngột lao dốc hôm 25/4. Ảnh: Trading Economics.

Lao dốc mạnh

"Thị trường dầu lao dốc mạnh bởi tâm lý e ngại rủi ro của các nhà đầu tư. Cùng với đó, nguy cơ nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc tăng trưởng cũng đè nặng lên giá dầu", ông Jeffrey Halley - nhà phân tích thị trường cấp cao ở Asia Pacific OANDA (có trụ sở tại Singapore) - giải thích với Zing.

"Việc Thượng Hải thắt chặt các hạn chế nhằm đối phó với dịch bệnh, và lo ngại rằng làn sóng Omicron lan rộng sang Bắc Kinh đã tạo sức ép lên nhu cầu, khiến giá lao dốc", vị chuyên gia nói thêm.

"Trung Quốc là một thị trường lớn. Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc lao dốc sẽ ảnh hưởng đáng kể tới cung - cầu trên thị trường quốc tế", ông Halley giải thích.

"Ngay cả khi nguồn cung dầu trên toàn cầu đang bị thu hẹp, chiến lược 'Zero-Covid' (đưa số ca nhiễm mới về 0) của Trung Quốc vẫn là một lực cản lớn đối với đà tăng của giá dầu", vị chuyên gia nói thêm.

Kể từ tháng 3, Trung Quốc đã áp đặt lệnh phong tỏa đối với nhiều trung tâm kinh tế, từ thành phố Thâm Quyến, tỉnh Cát Lâm đến thành phố Thượng Hải. Nhưng Thượng Hải là nơi chịu tác động mạnh mẽ nhất. Đáng nói, thành phố này chiếm 3,8% GDP của Trung Quốc và có cảng container đông đúc nhất thế giới.

Nhiều nhà nhà máy tại Thượng Hải và các khu vực lận cận lo ngại rằng sẽ mất nhiều tháng để hoạt động sản xuất được trở về mức bình thường. Cùng với đó, hoạt động di chuyển và vận tải cũng bị gián đoạn nghiêm trọng. Điều này sẽ đè nặng lên nhu cầu dầu.

Gia dau giam anh 2

Giá dầu Brent rơi xuống mức thấp nhất kể từ khi bật tăng trở lại vào ngày 12/4. Ảnh: Trading Economics.

Theo nguồn tin của Nikkei Asian Review, hoạt động hậu cần ở đồng bằng sông Dương Tử (bao gồm Thượng Hải, Tô Châu, Côn Sơn, Thái Thương và Vô Tích) nhìn chung đã bị đình trệ.

Theo dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu máy bay của Trung Quốc sẽ giảm 25.000 thùng/ngày so với một năm trước đó, tương đương mức giảm 3,5%.

Trước đó, IEA dự báo mức giảm là 10.000 thùng mỗi ngày. Số chuyến bay hàng ngày ở Trung Quốc đã giảm xuống thấp hơn đáy hồi năm 2020.

Mới đây, IEA cũng cắt giảm dự báo nhu cầu dầu toàn cầu trong năm nay vì các lệnh phong tỏa ở Trung Quốc.

Không kéo dài lâu

Thêm vào đó, khả năng các ngân hàng trung ương lớn mạnh tay thắt chặt chính sách tiền tệ cũng tạo tác động tiêu cực lên thị trường hàng hóa, trong đó có dầu.

Tháng trước, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã nâng lãi suất lần đầu kể từ tháng 12/2018. Tại một sự kiện hồi đầu tuần, ông James Bullard - Chủ tịch FED chi nhánh St. Louis - nhấn mạnh rằng FED cần "khẩn trương" nâng lãi suất nhằm đối phó với lạm phát.

Ông Bullard đề xuất tăng tới 75 điểm cơ bản, tức 0,75 điểm phần trăm. Trong những tuần qua, Chủ tịch FED Jerome Powell cũng liên tục phát đi tín hiệu rằng cơ quan này sẽ đẩy mạnh việc tăng lãi suất.

Việc nâng lãi suất sẽ làm tăng chi phí cơ hội của các khoản đầu tư, từ đó tác động tiêu cực đến những thị trường hàng hóa.

Tôi không rõ các biện pháp thông minh là gì, nhưng chỉ cần nó liên quan tới dầu Nga, thị trường sẽ phản ứng mạnh mẽ

Ông Jeffrey Halley - nhà phân tích thị trường cấp cao ở Asia Pacific OANDA (có trụ sở tại Singapore)

Nhưng theo ông Halley, thị trường dầu sẽ sớm bật tăng trở lại. Bởi các nhà giao dịch đã bỏ qua một số thông tin quan trọng trong bối cảnh nguồn cung dầu thô thế giới vẫn còn eo hẹp.

"Thứ nhất, Reuters đưa tin châu Âu có thể đang chuẩn bị 'những biện pháp trừng phạt thông minh' với nhập khẩu năng lượng Nga. Tôi không rõ các biện pháp thông minh là gì, nhưng chỉ cần nó liên quan tới dầu Nga, thị trường sẽ phản ứng mạnh mẽ", ông bình luận.

"Cùng với đó, một cảng dầu lớn của Libya đã bị thiệt hại nặng nề trong các cuộc đụng độ gần đây", ông nói thêm.

Theo giới quan sát, rất khó để Liên minh châu Âu (EU) đưa ra lệnh cấm vận đối với khí đốt Nga, nhưng chặn nguồn cung dầu Nga là hoàn toàn khả thi.

Bởi Mỹ, Anh, Canada và Australia đều đã cấm vận dầu Nga. Trên thực tế, những hạn chế nhắm vào các ngân hàng, tổ chức tài chính và giới nhà giàu Nga vốn cũng tạo ra lệnh cấm ngầm đối với ngành công nghiệp năng lượng nước này.

Các công ty dầu khí châu Âu như Shell, TotalEnergies và Neste đã ngừng mua dầu thô của Nga, hoặc sẽ ngừng mua dầu thô của Nga vào cuối năm nay.

Ông Helley vẫn giữ nguyên dự báo rằng giá dầu Brent sẽ duy trì ở mức 100-120 USD/thùng trong thời gian tới. Còn dầu WTI có thể được giao dịch quanh vùng 95-115 USD/thùng.

Gánh nặng chi phí toàn cầu vì xung đột ở Ukraine

Ukraine cần hỗ trợ ngân sách khoảng 5 tỷ USD/tháng trong 5 tháng và 600 tỷ USD để tái thiết. Trong khi đó, các quốc gia như Mỹ cũng đang lao đao vì những vấn đề của riêng mình.

Mạnh tay nâng lãi suất, Mỹ có thể đối mặt nguy cơ suy thoái kinh tế

Theo giới quan sát, FED đã quá chậm chạp trong việc nâng lãi suất. Điều đó khiến cơ quan này phải vội vã chặn đà tăng giá và đối mặt với nguy cơ suy thoái kinh tế.

Thảo Phương

Bạn có thể quan tâm