Thị trường không những không khả quan mà còn lao dốc phi mã khi bước vào phiên giao dịch chiều.
Đà bán tháo lan rộng đi kèm tình trạng thiếu vắng dòng tiền bắt đáy khiến sắc đỏ phủ kín các bảng điện tử. VN-Index có thời điểm rơi hơn 78 điểm xuống sát mốc 1.300 điểm. Đây là mức giảm sâu nhất của VN-Index từ trước đến nay. Phiên giảm mạnh nhất diễn ra vào 29/1/2021, khi mất 73,23 điểm.
Toàn thị trường có 136 mã tăng, 23 mã trần trong khi có tới 652 mã đứng giá, 648 mã giảm và 175 mã sàn. Trái với phiên sáng, dòng cổ phiếu ngân hàng và các bluechips khác đang là nguyên nhân kéo tụt chỉ số. Trong đó, VCB, VHM, GAS, VIC, VPB, BID, TCB, HPG, MSN đang là những mã ảnh hưởng tiêu cực nhất.
Ở chiều ngược lại, bất ngờ xảy ra khi chính các cổ phiếu “họ FLC” như FLC, ROS và một số mã khác như BCM, TMP, VRC đang là danh mục kìm hãm đà lao dốc của thị trường. Trái với xu hướng chung của thị trường, “họ FLC” vẫn giữ nguyên sắc xanh song đã thu hẹp đà tăng.
Cổ phiếu giảm điểm trên sàn HoSE. |
Rổ VN30 bị bán tháo ồ ạt với trọn vẹn 30 mã giảm. Rổ này cũng ghi nhận hàng loạt mã giảm kịch biên độ như CTG, BVH, FPT, GAS, GVR, MWG, TCB, TPB, SSI, STB…
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 25/4, VN-Index giảm 68,31 điểm (-4,95%), HNX giảm 21,61 điểm (-6,02%), UPCoM giảm 4,87 điểm (-4,68%). Thanh khoản toàn thị trường đạt 25.300 tỷ đồng. Lượng mã nằm sàn lên tới 242 đơn vị, phân bố khắp nhóm ngành. Đáng nói, rổ VN30 đóng góp 16 mã.
Chỉ riêng sàn HOSE, mức giảm của VN-Index phiên này khiến vốn hóa bốc hơi hơn 270.000 tỷ đồng, tương đương 11,7 tỷ USD.
Ngay từ đầu phiên, chứng khoán Việt Nam đã ghi nhận tình trạng rung lắc dữ dội. Việc không có nhóm ngành nào thật sự đóng vai trò dẫn dắt xu hướng thị trường phản ánh rõ sự giằng co giữa bên bán và bên mua cũng như tâm lý của nhà đầu tư.
Dù có khởi đầu tích cực, VN-Index nhanh chóng đảo chiều và giảm hơn 18 điểm chỉ sau một giờ mở cửa. Kết thúc phiên sáng, VN-Index giảm 33,03 điểm (-2,39%) xuống mốc 1.346,2 điểm, HNX giảm 5,29 điểm (-1,47 %) xuống 353,83 điểm, UPCoM-Index giảm 1,51 điểm (-1,45%) xuống 102,64 điểm.
VN-Index có 362 mã giảm, 44 mã giữ tham chiếu và 82 mã tăng. Thanh khoản toàn thị trường gần tiệm cận 13.500 tỷ đồng. Áp lực bán mạnh mẽ thậm chí khiến rổ VN30 giảm hơn 36 điểm (-2,55%) với 29 mã giảm và không có mã tăng. Trong đó, MWG, SAB, PNJ, FPT, GAS đang là những mã sụt giảm nhiều nhất, dao động từ 3-6%. Đây cũng chính là những cổ phiếu tác động tiêu cực nhất đến chỉ số.
VN-Index lao dốc ngay phiên giao dịch đầu tuần. Ảnh: DNSE. |
Khác với phiên cuối tuần trước, cổ phiếu ngân hàng hôm nay chìm trong sắc đỏ. Chỉ có một số mã hiếm hoi như VCB, MSB, SHB còn giữ được đà tăng nhẹ.
Cổ phiếu bất động sản tuy phân hóa nhẹ nhưng nhìn chung vẫn khả quan do được các bluechip như VIC, NVL, BCM, VRE vực dậy. Một số mã lớn khác như DXG, NLG, KDH cũng chỉ điều chỉnh nhẹ.
Song, cổ phiếu “họ FLC” một lần nữa thu hút sự chú ý khi nhận được dòng tiền bắt đáy ồ ạt. Các mã như FLC, AMD, ROS, HAI đều có mức tăng trên 4% trong khi KLF, ART tím trần ngay từ thời điểm mở phiên.
Gần đến giờ nghỉ trưa, cổ phiếu của các công ty chứng khoán bắt đầu lao dốc, đơn cử như VND (-3,32%), SSI (-2,36%), VCI (-2,91%), FTS (-3,59%)…
Tương tự phiên hôm 22/4, dòng cổ phiếu thủy hải sản và phân bón như DCM, DPM, ACL, ANV, IDI, VHC, AAM… có phiên thứ 2 liên tiếp nằm sàn.
Tình trạng này cũng diễn ra với cổ phiếu "họ Louis" và liên quan đến công ty chứng khoán Trí Việt. Duy có một số mã như APG, TVB, TVC bắt đầu xanh trở lại hoặc tím trần. Tuy nhiên, thanh khoản của nhóm này vẫn ở mức tương đối thấp.