Quan chức cấp cao của WHO hôm 22/12 cho biết gần một tháng sau khi Nam Phi lần đầu tiên cảnh báo về sự xuất hiện của Omicron, các dữ liệu vẫn chưa đủ để xác định mức độ nghiêm trọng của chủng mới so với Delta, Reuters đưa tin.
"Chúng tôi có một số dữ liệu cho thấy tỷ lệ nhập viện thấp hơn", Trưởng nhóm chuyên gia kỹ thuật về Covid-19 của WHO Maria van Kerkhove nói.
Tuy nhiên, bà cảnh báo không thể đưa ra kết luận từ dữ liệu ban đầu vì "chúng ta vẫn chưa chứng kiến biến chủng này lan truyền đủ lâu trong các quần thể trên khắp thế giới, đặc biệt là ở những nhóm dễ bị tổn thương".
Trưởng nhóm chuyên gia kỹ thuật về Covid-19 của WHO Maria van Kerkhove. Ảnh: AFP. |
Bà cho hay dữ liệu về biến chủng Omicron, lần đầu tiên được xác định ở miền Nam châu Phi và Hong Kong vào tháng 11, vẫn còn "lộn xộn" khi các quốc gia báo cáo sự xuất hiện và lan rộng của nó.
"Chúng tôi yêu cầu các quốc gia thận trọng và thực sự cân nhắc kỹ lưỡng, đặc biệt là khi những ngày lễ đang đến gần", bà nói.
Một nghiên cứu ở Nam Phi được công bố trước đó cho thấy những bệnh nhân nhiễm Omicron ít có khả năng phải nhập viện hơn người nhiễm Delta, mặc dù các tác giả lưu ý mức độ miễn dịch cao trong dân số ở khu vực này có thể là nguyên nhân.
WHO cho biết biến chủng Omicron đang phát tán nhanh hơn biến chủng Delta và lây bệnh cho cả người đã tiêm chủng hoặc người từng khỏi bệnh Covid-19.
Bà Soumya Swaminathan, nhà khoa học trưởng của WHO, từng nhận định rằng thật “không khôn ngoan” nếu kết luận Omicron là chủng nhẹ hơn các chủng trước.
Đồng quan điểm, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus chỉ ra rằng dù biến chủng Omicron gây bệnh nặng ra sao, “chỉ cần số lượng ca nhiễm cao cũng có thể làm hệ thống y tế quá tải”, khiến thêm nhiều người tử vong.
Ông Tedros đã kêu gọi các quốc gia rút ra bài học sau hai năm đại dịch và một lần nữa tăng cường tính công bằng vaccine. Ông hy vọng năm tới đại dịch đã giết chết hơn 5,6 triệu người trên thế giới có thể chấm dứt.
"2022 phải là năm chúng ta chấm dứt đại dịch", ông Tedros nhấn mạnh.