Quyết định cho phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp đối với Nuvaxovid - tên gọi của loại vaccine do hãng Novavax phát triển - được WHO đưa ra ngày 21/12, chỉ một ngày sau khi Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) có động thái tương tự, AFP đưa tin.
Nuvaxovid được phát triển bằng công nghệ protein - phương pháp có tuổi đời lâu hơn so với các loại vaccine được WHO phê duyệt trước đó. Công nghệ này từng được dùng trong hàng chục năm để chủng ngừa bệnh viêm gan B và ho gà.
Vì thế, Nuvaxovid được cho là sẽ giúp xua tan tâm lý e ngại của những người còn do dự tiêm chủng.
Vaccine do hãng Novavax sản xuất có tên gọi Nuvaxovid. Ảnh: Reuters. |
Nuvaxovid có hiệu quả khoảng 90% trong giảm thiểu nguy cơ mắc Covid-19 có triệu chứng, theo kết quả của hai nghiên cứu lâm sàng lớn tại Anh, Mỹ và Mexico. Số lượng tình nguyện viên tham gia hai nghiên cứu lên tới hơn 45.000 người.
Trong một tài liệu, Nhóm chuyên gia Tư vấn Chiến lược về tiêm chủng của WHO đề xuất tiêm Nuvaxovid cho người trên 18 tuổi, với khoảng thời gian chờ giữa hai mũi là 3-4 tuần.
Loại vaccine này có thể được giữ lạnh ở mức 2-8 độ C, đem lại cho Nuvaxovid lợi thế về mặt logistic trong công tác tiêm chủng cho những khu vực khó tiếp cận. Các loại vaccine mRNA hiện hành đều phải được bảo quản ở nhiệt độ siêu lạnh trong tủ chuyên biệt.
Đồ họa: Nature. |
Quyết định phê duyệt sử dụng khẩn cấp của WHO sẽ mở đường cho các nước trên thế giới nhanh chóng phê duyệt và nhập khẩu Nuvaxovid. Động thái này cũng có nghĩa Nuvaxovid có thể tham gia vào cơ chế chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX.
Trước đó, một phiên bản khác của Nuvaxovid có tên Covavax cũng đã được WHO phê duyệt sử dụng khẩn cấp vào ngày 17/12. Covavax được Viện Huyết thanh Ấn Độ sản xuất tại Ấn Độ theo giấy phép từ hãng Novavax.