Những người Afghanistan được Taliban hộ tống tới sân bay đã chia sẻ với AFP cảnh tượng đau lòng khi đoàn xe đi ngang qua đám đông hôm 22/8.
Một nhà báo trên đoàn xe cho biết nhiều người đã tập trung dựng trại ở ngã tư gần sân bay. Giữa cái nóng gay gắt, họ vẫn lựa chọn ngủ ngoài trời và chờ đợi vì không muốn đối mặt với tương lai khắc nghiệt khi Taliban lên nắm quyền.
Với hy vọng về một cuộc “trốn thoát kỳ diệu", các gia đình chen chúc nhau tại một khu đất trống giữa ranh giới hàng rào dây thép gai, ngăn cách các tay súng Taliban với quân đội Mỹ.
“Ngay khi nhìn thấy đoàn xe của chúng tôi, họ đã đứng dậy và chạy về phía xe buýt”, Haji Hamid nói.
"Họ cho chúng tôi xem hộ chiếu hoặc các giấy tờ khác. Một người đàn ông đến cửa sổ cạnh nơi gia đình tôi ngồi, vẫy hộ chiếu và nói rằng: 'Tôi có visa Anh, nhưng không thể vào được. Làm ơn hãy cho chúng tôi lên xe buýt'", anh kể lại.
Sự tiếp quản của Taliban đã buộc hàng nghìn người dân phải tìm cách di tản khỏi Afghanistan vì sợ bị trả thù. Vụ việc gây nên tình trạng hỗn loạn tại sân bay Kabul trong những ngày qua, thu hút nhiều sự chú ý từ cộng đồng quốc tế.
Đám đông tập trung bên ngoài sân bay Kabul, hy vọng được rời khỏi Afghanistan. Ảnh: New York Times. |
Trong bối cảnh đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh “sơ tán người khỏi Kabul là cuộc không vận phức tạp lớn nhất và khó khăn nhất lịch sử”.
“Không có cách nào để sơ tán nhiều người như vậy mà không chịu mất mát, tổn thương, hay chứng kiến (những) hình ảnh đau lòng trên truyền hình. Trái tim tôi đau đớn vì điều này”, Guardian dẫn lời Tổng thống Biden.
"Xin hãy đưa con tôi tới nơi an toàn"
Mỹ và các quốc gia khác đã lên kế hoạch cung cấp nơi trú ẩn trong năm nay cho hàng chục nghìn người Afghanistan sau quyết định rút quân khỏi Afghanistan.
Những đối tượng này hầu hết là người dân Afghanistan làm việc cho cơ quan nước ngoài. Tuy nhiên, kế hoạch này bị xáo trộn bởi cuộc tiến công và giành quyền kiểm soát chóng vánh của Taliban trong thời gian gần đây.
Nỗi tuyệt vọng và hoảng loạn của người dân Afghanistan ngày càng dâng cao giữa lúc hạn chót di tản 31/8 đến gần.
Ban đầu chỉ là vài trăm gia đình tập trung ở bên ngoài cổng chính của sân bay Hamid Karzai khi Taliban bắt đầu tiến vào Kabul ngày 15/8. Hơn một tuần sau, hàng nghìn đàn ông, phụ nữ và trẻ em tuyệt vọng chờ đợi quanh trạm xăng, bãi đất hoang, các lùm cỏ và gần như bất cứ chỗ trống nào gần các cổng vào khu vực dân sự của sân bay.
Binh sĩ Mỹ nâng một em bé qua bức tường đầy dây thép gai. Ảnh: AFP. |
Hôm 21/8, theo New York Times, con gái của một cựu phiên dịch viên làm việc cho công ty Mỹ ở Kabul được cho là đã bị đám đông bên ngoài sân bay Kabul giẫm đạp đến chết.
Theo lời kể từ người mẹ của nạn nhân, cô đang đến sân bay ở Kabul cùng chồng, con gái 2 tuổi, cha mẹ khuyết tật, ba chị em và em họ thì họ bị cuốn vào đám đông hỗn loạn giữa lúc nhiều người tranh nhau tìm đường rời khỏi đất nước.
Cô nhớ lại ai đó đã đập vỡ điện thoại di động mình và bị một người khác đá vào đầu. Trong khi cố gắng đứng dậy, cô nhìn xung quanh để tìm đứa con mới biết đi của mình và cuối cùng phát hiện ra bé đã chết sau khi bị giẫm đạp.
“Tôi cảm thấy kinh hãi tột độ”, người mẹ nói. "Tôi đã không thể cứu được con gái bé nhỏ".
Những đứa trẻ không có người lớn đi cùng mang đến một vấn đề nổi cộm khác. Những đứa trẻ này đã không may bị ly tán khỏi cha mẹ giữa đám đông hỗn loạn hoặc thậm chí cố tình trong một số trường hợp.
Đoạn video về một gia đình đưa đứa con mới chào đời của mình cho thủy quân lục chiến Mỹ đã thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng toàn cầu.
Một số trẻ em được chuyền tay từ người này qua người khác ở trên không, bởi đám đông đã kẹt cứng không thể di chuyển. Các bậc cha mẹ đã cầu xin người xung quanh giúp đưa con mình tới tay các binh sĩ nước ngoài đang đứng ở bên kia bức tường.
"Nếu không thể đón chúng tôi, xin hãy đưa con chúng tôi tới nơi an toàn", ai đó hét lên trong đám đông.
Bên ngoài là vậy, tình hình bên trong cũng chẳng khả quan hơn. Hàng nghìn người đã tràn vào sân bay, cố gắng bám vào máy bay đang cất cánh bất chấp nguy hiểm.
Giới chức Mỹ sau đó cho biết ít nhất ba người Afghanistan đu bám vào thân máy bay của không quân Mỹ rơi xuống đường băng và bị phi cơ cán qua dẫn đến thiệt mạng.
Không chỉ vậy, New York Times cho hay trong một chuyến bay C-17, thành viên phi hành đoàn đã phát hiện thi thể của một số người Afghanistan không xác định bám theo càng máy bay và dường như bị kẹt đến chết.
Gần đây, thông tin máy bay C-17 của Mỹ chở kỷ lục 823 hành khách rời Afghanistan cũng gây chấn động dư luận.
“Chúng tôi chở những phụ nữ, trẻ em và những con người đang đối mặt với nguy hiểm. Đây không phải là vấn đề về sức chứa và quy định, mà là việc chúng tôi được huấn luyện và chỉ thị để đảm bảo có thể sơ tán nhiều người một cách an toàn", Trung uý Eric Kut, chỉ huy chuyến bay, cho biết.
Mọi người chen chúc trong chiếc máy bay di tản. Ảnh: Ramin Rahman. |
Mọi người đều có lý do để rời đi
Cho đến nay, nhiều người vẫn tập trung xung quanh sân bay ở phía bắc thủ đô Kabul, bất chấp nhiều cảnh báo tình hình tại sân bay sẽ ngày càng nguy hiểm hơn.
"Mọi người đều có lý do để rời đi", nhà báo trên đoàn xe nói với AFP.
"Một số người ở đây là nhà báo, những người khác là nữ sinh đại học, có cả những người làm việc với người nước ngoài", anh cho biết.
Một cô gái rơi nước mắt tại khách sạn trước khi đoàn xe lên đường. "Ngày Taliban đến, tôi biết cuộc đời mình ở Afghanistan đã kết thúc", cô nói. "Sống dưới sự cai trị của họ đồng nghĩa với việc tôi phải chôn vùi mọi ước mơ, hy vọng của mình”.
Những người trong đoàn xe đang chờ đến lượt được di tản sang phương Tây, sau khi cách ly kiểm dịch ở Qatar.
“Các con tôi đang khóc vì kiệt sức. Tôi đã cố gắng động viên chúng rằng hãy cố thêm một chút nữa, chuyến bay sắp tới rồi và sau đó chúng tôi sẽ được cứu,” Haji Hamid nói.
“Cái chết và sự áp bức sẽ rình rập chúng tôi nếu chúng tôi ở lại”, anh cho biết.