Một tuần sau khi Taliban tiếp quản Kabul, tình hình tại sân bay thủ đô Afghanistan ngày càng trở nên tồi tệ với 7 dân thường thiệt mạng và hơn 20.000 người khác vẫn đang tìm kiếm cơ hội lên các chuyến bay.
Tính đến hôm 22/8, số người có mặt tại sân bay lên tới hơn 18.500 người, trong khi đó khoảng 2.000 người khác đang tuyệt vọng chờ ở bên ngoài cổng ra vào, CNN đưa tin.
Nhiều người trong số đó là các nhân viên quốc tế, thông dịch viên Afghanistan và những người phụ nữ đang gặp nguy hiểm dưới thời Taliban.
Tình hình càng hỗn loạn hơn khi hôm 23/8, tài khoản Twitter của quân đội Đức cho biết một cuộc đấu súng đã nổ ra giữa lực lượng an ninh Afghanistan và những kẻ tấn công không rõ danh tính, khiến một thành viên lực lượng Afghanistan thiệt mạng và 3 người khác bị thương.
Theo CNN, một trong những lý do dẫn đến trình trạng hỗn loạn và bạo lực là quyết định cấp visa điện tử cho những người nộp đơn xin visa nhập cảnh đặc biệt mà không cần tên tuổi hay mã số. Những visa này sau đó đã bị sao chép lại dưới dạng ảnh chụp màn hình và được gửi cho hàng nghìn người Afghanistan không đủ điều kiện đang tìm cách vào sân bay.
Hàng trăm người tập trung gần một máy bay vận tải C-17 của Không quân Mỹ tại Kabul, Afghanistan ngày 16/8. Ảnh: AP. |
Các gia đình bị chia cắt
Hôm 22/8, tình trạng càng trở nên tồi tệ hơn khi hầu hết cổng dẫn vào sân bay bị đóng cửa.
"Không biết họ đang làm gì nhưng vẫn có nhân viên địa phương chật vật ở cổng và thậm chí không thể vào được", một nguồn tin nói với CNN, đề cập đến những người Afghanistan làm việc cho Mỹ.
Nguồn tin cho biết thêm nhiều gia đình bị chia cắt, được vận chuyển đến các nơi khác nhau trong lúc hỗn loạn.
"Có những trường hợp cha, mẹ và con cái mỗi người đến một quốc gia khác nhau", người này nói.
Trong khi đó, các cuộc không vận mà Tổng thống Mỹ Joe Biden gọi là "lớn nhất và khó khăn nhất lịch sử" vẫn tiếp diễn.
Bên trong sân bay ngày 22/8, CNN ghi nhận một số máy bay quân sự C-17 sẵn sàng cất cánh với lực lượng quân đội hiện diện.
Bên ngoài là quang cảnh không thể tưởng tượng nổi với những đám đông chen lấn xô đẩy đến mức khó thở. Hàng nghìn người, trong đó không ít người không có giấy tờ, tiếp tục đổ xô đến sân bay với nỗ lực tháo chạy trong tuyệt vọng.
Bên cạnh những hình ảnh ám ảnh về các gia đình đứng quanh bức tường sân bay tuần qua, một đoạn video được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, cho thấy một em bé Afghanistan được một người lính Thủy quân Lục chiến Mỹ đón và đưa qua tường rào dây thép gai khi cha của bé đề nghị các binh sĩ Mỹ cứu con họ.
Cảnh kẹt cứng gần sân bay Kabul ngày 21/8. Ảnh: New York Times. |
Ngày càng nguy hiểm
Khu vực trong và xung quanh sân bay Kabul ngày càng nguy hiểm với gần 20 người được cho là đã chết vì bị giẫm đạp trong đám đông hỗn loạn hoặc bị trúng đạn vào tuần trước.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Anh cho biết các cuộc biểu tình đã diễn ra bên ngoài sân bay và khách sạn Baron gần đó.
"Các điều kiện trên thực tế vẫn đầy thách thức nhưng chúng tôi đang làm mọi thứ để giải quyết tình hình một cách an toàn nhất có thể", người phát ngôn cho hay.
Trong bối cảnh tình hình ngày càng xấu đi, 2 quan chức quốc phòng Mỹ cho biết, quân đội đang nỗ lực thiết lập các "tuyến đường thay thế" và các cổng vào cho những người tới sân bay Kabul. Một quan chức cho biết sẽ có những tuyến đường mới cho người dân Mỹ, các công dân của những nước thứ ba và các công dân Afghanistan đủ điều kiện.
Lầu Năm Góc đang theo dõi tình hình xung quanh sân bay và lo ngại các đám đông tại đây có thể trở thành mục tiêu của ISIS-K - một nhánh ở Afghanistan của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), và các tổ chức khủng bố khác. Những tổ chức này có thể sử dụng bom xe hoặc đánh bom liều chết để tấn công, một quan chức Mỹ nhận định.
Không biết bao giờ quay trở lại
Sân bay là một trong số ít "lối thoát hiểm" khỏi Afghanistan hiện nay. Tuy nhiên, bất chấp sự hiện diện của hàng nghìn lính Mỹ, Tổng thống Biden hôm 20/8 thừa nhận tình hình vẫn nguy hiểm.
Ít nhất 38.000 người, bao gồm cả người nước ngoài và người dân Afghanistan đã được sơ tán khỏi nước này kể từ khi Taliban bắt đầu tái chiếm Kabul, theo dữ liệu được phân tích bởi CNN.
Một nhà báo may mắn thoát nạn trên chuyến bay của Qatar nói rằng ông không biết liệu mình nên cảm thấy hạnh phúc hay đau khổ.
Trong quá khứ, ông từng chạy khỏi Afghanistan vào thời điểm Taliban nắm quyền. Giờ đây, ông lại một lần nữa để lại gia đình và bạn bè, không biết bao giờ có thể quay về đất nước mình.
Các tay súng Taliban đứng gác khi người dân Afghanistan tập trung bên ngoài Sân bay Quốc tế Hamid Karzai. Ảnh: UPI. |
Tính đến nay, Mỹ đã sơ tán 17.000 người kể từ ngày 14/8, một ngày trước khi Kabul rơi vào tay Taliban. Trong số đó, 2.500 người là công dân Mỹ, Tướng Hank Taylor cho biết.
Ngoài ra, quân đội Anh cũng đã sơ tán gần 4.000 người kể từ 13/8, Bộ Quốc phòng Anh cho biết ngày 22/8.
Các quốc gia khác, bao gồm Canada, Italy, Đức, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ và Australia cũng đang tiến hành sơ tán công dân.
Tại Căn cứ Không quân Mỹ Ramstein ở tây nam nước Đức, cứ 90 phút lại có một chuyến bay sơ tán đến nơi vào cuối tuần. Với sức chứa 5.000 người, không gian tại căn cứ không quân hàng đầu của Mỹ tại châu Âu nhanh chóng được lấp đầy bởi những người sơ tán, trước khi họ tiếp tục hành trình tới Mỹ.
Mỹ đang phải đối mặt với thách thức khổng lồ trước hạn chót rút quân khỏi Afghanistan vào ngày 31/8. Taliban đã cảnh báo các nước phương Tây cần tôn trọng "lằn ranh đỏ" sau khi Tổng thống Biden cho biết nước này có lẽ phải kéo dài thời hạn nếu chưa sơ tán được tất cả công dân Mỹ.