Ngày 14/8, một ngày trước khi Taliban tràn vào thủ đô Kabul, tạp chí của lực lượng này đăng trên tài khoản Twitter cảnh 6 binh sĩ chính phủ Afghanistan lo lắng ngồi trong xe tải, xung quanh bao vây bởi chiến binh của Taliban.
“Trong khi các mujahedeen (thuật ngữ để chỉ người tham gia thánh chiến) cư xử rộng lượng với binh lính, trẻ con trong làng lại ném đá vào họ. Đây là những gì họ phải nhận cho hành vi tàn bạo của mình”, bài đăng ghi bằng tiếng Pashto - một trong hai ngôn ngữ chính của Afghanistan.
Cùng ngày, phát ngôn viên của Taliban đăng một thông điệp khác trên Twitter, lần này bằng tiếng Anh, hứa hẹn nhóm sẽ tạo ra “một môi trường an toàn” cho tất cả nhà ngoại giao, đại sứ quán và tổ chức phi lợi nhuận, cả trong nước và quốc tế.
Bài đăng kết thúc bằng lời chúc bằng tiếng Arab “Inshallah”, nghĩa là ý nguyện của thượng đế.
Trong nhiều tháng qua, trên mạng xã hội, Taliban đã tìm cách thể hiện một hình ảnh vừa mạnh mẽ vừa ôn hòa, theo New York Times.
Thông qua tin nhắn và các ứng dụng mã hóa, lực lượng này nhắm mục tiêu trực tiếp vào binh lính chính phủ Afghanistan, miêu tả họ là lính đánh thuê, thúc giục họ hoặc đầu hàng, hoặc đối mặt với hậu quả tàn khốc. Đồng thời, Taliban cố gắng bảo đảm với cộng đồng quốc tế rằng Taliban ngày nay đã thay đổi, khác với hình ảnh Taliban từng hành quyết công khai tại sân vận động bóng đá ở Kabul.
Rốt ráo xây dựng hình ảnh
Người Mỹ đặt câu hỏi làm thế nào mà khoảng 70.000 binh sĩ Taliban lại có thể đánh bại một lực lượng an ninh đào tạo bài bản do chính phủ Mỹ tài trợ.
Câu trả lời không nằm ở chuyện huấn luyện hay hỏa lực, mà là ở con tim và lý trí. Taliban hiểu chiến thắng cuối cùng là đánh bại sự kháng cự của đối thủ mà không cần giao tranh. Đó là những gì lực lượng này đã làm.
Trong nhiều năm, trên phương tiện truyền thông, Taliban tuyên bố họ là những người thừa kế thực sự của Afghanistan. Lực lượng này khẳng định chiến binh Taliban là những kẻ tử vì đạo, trong khi đó người Mỹ được xây dựng hình ảnh như “những kẻ xâm lược”, binh lính chính phủ là những người vô đạo đức “làm thuê” cho nước ngoài.
Các chiến binh Taliban trên đường phố Kabul, Afghanistan. Ảnh: New York Times. |
Taliban đưa chủ đề trở lại những năm 1990, khi Afghanistan là một quốc gia Hồi giáo bị chiếm đóng bởi những người không theo đạo Hồi, chính thánh Allah đã ban phước cho cuộc chiến giải phóng của họ.
Taliban diễu hành khắp đất nước để “mời” các binh sĩ chính phủ, hoặc là đầu hàng, hoặc là chết. Hàng chục nghìn binh sĩ đã tuân theo. Hầu như lực lượng này không bao giờ phải bắn một phát súng.
Gợi sự tin tưởng thay vì khơi sự sợ hãi
Chiến lược truyền thông của Taliban bắt đầu từ con số không.
Khi Taliban cai trị Afghanistan, tổ chức này cấm người dân sử dụng Internet, truyền hình và âm nhạc. Kể từ đó, giống như các nhà chiến lược quân sự hiểu biết, họ thích nghi với thực tế mới.
Từ những ngày đất nước này chỉ có một đài phát thanh duy nhất, hiện tại, Afghanistan có hơn 100 đài phát thanh và hàng chục đài truyền hình. 70% dân số có quyền sử dụng điện thoại di động; và 1/3 dân số sử dụng mạng xã hội.
Taliban hiểu rằng chiến tranh thông tin chính là chiến tranh hiện đại. Lực lượng này không cố gắng xây dựng một nền tảng mới mà hòa nhập và thống trị những gì đã có.
Để đạt được điều đó, Taliban đã lấy một vài chiến thuật từ Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Thương hiệu của IS là sự kết hợp giữa sức mạnh - như hình ảnh chặt đầu rùng rợn và sự ấm áp - như hành động phát kẹo cho trẻ em.
Dư âm của sự pha trộn kỳ lạ giữa kinh dị và thân thiện tương tự cũng đang diễn ra ở Afghanistan. Tuần trước, một video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy các chiến binh Taliban có vũ trang trên những chiếc xe đầy màu sắc tại một công viên giải trí, vây quanh là trẻ em.
Hàng chục triệu người Afghanistan hiện có điện thoại di động, kết nối với thế giới bên ngoài theo cách chưa từng có vào khoảng thời gian Taliban từng cai trị trước đây. Ảnh: New York Times. |
Bây giờ, khi đã có hẳn một quốc gia để cai trị, thay vì khơi dậy nỗi sợ hãi, Taliban cố gắng gợi sự tin tưởng. Trong khi IS coi mình là một tổ chức toàn cầu, Taliban lại không như vậy. Lực lượng này quan tâm đến tỉnh Helmand nhiều hơn là quan tâm đến hành động thánh chiến ở nơi nào đó trên thế giới.
Vào năm 2019, Taliban đã tạo hơn 60 tài khoản Twitter để cố gắng phá hoại cuộc đua vào chức tổng thống của Afghanistan. Đối với IS, mạng xã hội là công cụ tuyển dụng. Đối với Taliban, mạng xã hội là công cụ để vừa thu phục người dân trong nước, vừa “gần gũi” với khán giả quốc tế.
Cái nhìn chiến lược sâu sắc của Taliban không thể hiện ở những gì lực lượng này đã làm, mà ở những gì chưa làm.
Nhóm không đăng hình ảnh về nhiều vụ ám sát mà mọi người tin rằng Taliban đã thực hiện trong sáu tháng qua. Nhóm không đăng hình ảnh về những vụ giết người trả đũa hoặc hành động thực thi nghiêm ngặt luật Sharia.
Nhóm không muốn bị cấm hoàn toàn bởi các công ty truyền thông. Nhóm cũng không muốn đưa ra lời cảnh báo với các nhà tài trợ quốc tế, khi hơn 70% ngân sách nhà nước của Afghanistan đến từ phương Tây.
Những gì Taliban đang làm bây giờ là một điều gì đó quen thuộc trong lịch sử. Lực lượng này đang thực hiện quá trình chuyển đổi từ lực lượng nổi dậy sang liên minh cầm quyền.
Phát ngôn viên của Taliban, Zabihullah Mujahid (giữa) tại cuộc họp báo đầu tiên sau khi nắm quyền kiểm soát Kabul. Ảnh: New York Times. |
Người phát ngôn của Taliban hứa hẹn sẽ bảo vệ quan chức chính phủ. Taliban lên tiếng kêu gọi quay trở lại nơi làm việc với thông điệp “Afghanistan cần bạn”. Taliban đăng hình ảnh và video về những cô gái đi học, phụ nữ đi làm. Phát ngôn viên của nhóm còn đăng phát biểu của một người phụ nữ trung niên mặc burqa (áo trùm kín người): “Hệ thống này đã tốt hơn rất nhiều so với trước đây”.
Taliban hoạt động trong lĩnh vực tuyên truyền và quảng bá bản thân. Nỗ lực của Taliban xoay quanh chiến thắng và chế nhạo kẻ thù. Mục tiêu của lực lượng này là thay đổi câu chuyện.
Taliban sẽ tiếp tục nhắm vào một đối tượng cụ thể: Giới tinh hoa toàn cầu. Lực lượng này sẽ tham dự các hội nghị, thăm thủ đô, xuất bản xã luận và tổ chức họp báo. Tuần trước, khi được hỏi về quyền tự do ngôn luận ở Afghanistan, một quan chức Taliban đã trả lời: “Câu hỏi nên được đặt ra cho những người tự xưng là người thúc đẩy quyền tự do ngôn luận”.
Theo ông, câu hỏi nên được đặt ra cho Facebook. Và câu trả lời này có lẽ sẽ nhận được một vài lượt “thích”, tác giả nhận định.