“(Trong số 11 người ấy) bao gồm cả một công dân bị bảo vệ cơ sở bắt giữ trong lúc cố tìm cách bỏ trốn vào ngày 18/8”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói trong buổi họp báo chiều 25/8.
Trước đó, hôm 18/8, 42 người Việt làm ở một casino tại tỉnh Kandal, Campuchia đã bơi qua sông để về nước vì điều kiện làm việc khắc nghiệt. 40 người qua sông thành công, một người bị nước cuốn trôi, một người bị bắt lại.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng vào chiều 25/8. Ảnh: Hồng An. |
Cảnh sát Campuchia sau đó đã mở đợt rà soát các cơ sở, từ đó phát hiện và giải cứu 25 lao động nói trên. Ngày 22/8, cảnh sát cũng bắt quản lý casino nơi xảy ra vụ 42 người Việt bỏ trốn vào 4 ngày trước.
Theo người phát ngôn, quá trình bảo hộ công dân có một số vướng mắc.
“Việc tiếp cận hỗ trợ giải cứu cần sự tham gia và phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng sở tại. Nhiều người lao động không có giấy tờ nhân thân và giấy tờ xuất nhập cảnh do vượt biên trái phép nên mất nhiều thời gian xác minh thông tin nhân thân, cũng như gây nhiều khó khăn, trở ngại trong quá trình tiếp nhận, bàn giao”, bà Hằng chia sẻ.
Trả lời Zing hôm 24/8, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Preah Sihanouk Vũ Ngọc Lý cho biết "vẫn còn rất nhiều người đang là nạn nhân ở Campuchia".
"Vụ việc đầu tiên tôi tiếp nhận là vào cuối năm 2020. Khi ấy, công an Campuchia đã đột kích và giải cứu một người. Số vụ việc sau đó cứ tăng dần lên", ông Lý nói.