“Họ ít tiếp cận thông tin chính thống. Phần lớn họ không biết (về nạn lừa đảo)”, ông Vũ Ngọc Lý, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Preah Sihanouk - tỉnh của Campuchia có nhiều casino - nói với Zing chiều 24/8.
“Một số rất ít biết nhưng vẫn đi (sang bên kia biên giới) vì muốn 'liều một phen xem sao’ hay có tâm lý 'làm gì đến mức đó, cứ đi thôi không được thì lại về'. Nhưng cuối cùng họ không về được”, ông Lý chia sẻ.
Ông Vũ Ngọc Lý, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Preah Sihanouk. Ảnh: Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Shihanoukville. |
Một tuần trước đó, 42 người Việt đã cùng tháo chạy khỏi một casino ở Campuchia. Hoàn cảnh của họ giống nhau: Đều vượt biên vì tin vào lời mời làm việc với mức lương 700-1.000 USD/tháng. 40 người trong số ấy đã được hỗ trợ về nước nhưng vẫn còn nhiều người còn mắc kẹt phía sau.
Tổng lãnh sự Lý một lần nữa nhấn mạnh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chạm tới tất cả thành phần trong xã hội, đến tận trường học và thôn bản.
"Ở đây không có việc nhẹ lương cao, chỉ có tấm lòng của người Việt xa xứ", vị tổng lãnh sự trích lời một nạn nhân được giải cứu trong một bài đăng hôm 9/8 cảnh báo nạn lừa đảo.
Số vụ việc cứ tăng dần
- Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Preah Sihanouk đã có biện pháp bảo hộ công dân như thế nào khi có tình trạng công dân bị lừa sang các cơ sở lao động bất hợp pháp tại Campuchia?
- Rất nhiều người Việt Nam sang Campuchia và trở thành nạn nhân của các cơ sở lao động bất hợp pháp. Vụ việc đầu tiên tôi tiếp nhận là vào cuối năm 2020. Khi ấy, công an Campuchia đã đột kích và giải cứu một người trong một ngày. Số vụ việc sau đó cứ tăng dần lên.
Người có nhu cầu lao động lành mạnh để kiếm thu nhập tại Campuchia không nên nghe các thông tin tuyển dụng trên mạng, thông tin từ bạn bè hay kể cả người thân từ Campuchia gọi về
Tổng lãnh sự Việt Nam tại Preah Sihanouk Vũ Ngọc Lý
Ngay từ đầu, Tổng lãnh sự quán đã đưa ra cảnh báo cho người dân và cũng nhiều lần lặp lại lời nhắc nhở.
Tổng lãnh sự quán thường xuyên nhận được thông tin từ các nạn nhân và người nhà của họ. Các cơ quan Việt Nam cũng gửi danh sách nạn nhân sang và đề nghị phối hợp với cơ quan chức năng nước bạn để hỗ trợ giải cứu, tạo điều kiện cho các nạn nhân về nước.
Thời gian qua, Tổng lãnh sự quán đã phối hợp với lực lượng chức năng của Campuchia để giải cứu nhiều nạn nhân trong các cơ sở lao động bất hợp pháp.
Từ đầu năm 2021 tới nay, con số này lên tới xấp xỉ 600 người. Riêng trong năm nay, số nạn nhân người Việt được giải thoát khỏi các cơ sở lao động là hơn 400 người. Sau đó, chúng tôi hỗ trợ các nạn nhân thức ăn và chỗ ở trong khi chờ làm thủ tục về Việt Nam.
Với những người có thể bị phạt vì không có giấy tờ hợp lệ, vi phạm luật cư trú, luật xuất nhập cảnh Campuchia, Tổng lãnh sự quán can thiệp, đề nghị nước bạn xử lý trên tinh thần nhân đạo: Không phạt hành chính, cũng như không hình sự hóa đối với một số trường hợp phức tạp, tạo điều kiện cho làm thủ tục cần thiết để đưa các nạn nhân về nước an toàn.
Cán bộ công an trao tiền hỗ trợ cho những người được giải cứu trong vụ 40 người Việt thoát khỏi casino ở Campuchia. Ảnh: M.A. |
Mỗi ngày đều nhận được lời kêu cứu
- Ông có thể cho biết trường hợp điển hình mà Tổng lãnh sự quán đã hỗ trợ?
- Vụ việc điển hình nhất diễn ra vào cuối tháng 4. Sau khi nhận thông tin, Tổng lãnh sự quán đã trao đổi với chính quyền tỉnh Preah Sihanouk, sau đó xác minh thông tin và cùng phối hợp tổ chức đưa gần 300 người ra khỏi một cơ sở bất hợp pháp. Họ cũng đã bắt giữ chủ công ty này.
Trong số gần 300 người ấy, khoảng 50 người có đủ giấy tờ, nhập cảnh hợp pháp tại Campuchia và đã được Tổng lãnh sự quán hỗ trợ đưa về nước sau khoảng 2 ngày. Khoảng hơn 200 người còn lại nhập cảnh, cư trú bất hợp pháp được giữ lại chờ lệnh trục xuất trong khoảng 10 ngày.
Tổng lãnh sự quán đã cùng bà con người Việt tại Campuchia huy động tiền ăn và sinh hoạt phí tối thiểu trong khoảng thời gian ấy. Chúng tôi cũng huy động hỗ trợ phí thuê xe đưa hơn 200 người về nước. Cuối cùng, toàn bộ gần 300 nạn nhân đã về nước an toàn.
Một số rất ít biết nhưng vẫn đi vì muốn 'liều một phen xem sao’ hay có tâm lý 'làm gì đến mức đó, cứ đi thôi không được thì lại về'
Tổng lãnh sự Việt Nam tại Preah Sihanouk Vũ Ngọc Lý
Đây là vụ việc điển hình nhất trong 6 tháng đầu năm. Trước đó, chính cơ sở lao động này cũng diễn ra vụ việc giống vụ 40 người Việt bỏ trốn gần đây. Họ tổ chức chạy trốn, dẫn đến xô xát, khiến 2 người bị thương nặng và phải đi viện. Tổng lãnh sự quán sau đó hỗ trợ đưa họ về Việt Nam.
- Tổng lãnh sự quán ở Preah Sihanouk xử lý như thế nào khi nhận được các yêu cầu giúp đỡ từ các nạn nhân?
- Ngày nào chúng tôi cũng nhận thông tin từ nạn nhân trực tiếp gửi đến, từ người nhà nạn nhân hay từ các cơ quan ở Việt Nam. Riêng sáng 24/8, tôi đã nhận được danh sách gồm 11 người, trong khi những người khác (tại Tổng lãnh sự quán) cũng nhận được thông tin.
Chúng tôi sẽ xác minh thông tin rồi gửi sang cơ quan công an để họ tổ chức giải cứu. Nhưng nếu chỉ nhận được tên và quê quán ở Việt Nam của nạn nhân, chúng tôi sẽ không có số điện thoại để liên hệ họ.
Chỉ sau khi liên hệ với nạn nhân để họ gửi định vị, chúng tôi mới có thể xác minh địa điểm và tình trạng của họ, từ đó giúp chứng minh với công an Campuchia là công dân Việt Nam bị bạo hành. Sau đó, phía công an sẽ xác minh và tổ chức giải cứu.
Vẫn còn rất nhiều người đang là nạn nhân ở Campuchia. Tổng lãnh sự quán đang phối hợp với các lực lượng chức năng Campuchia để xác minh làm rõ, đưa họ ra khỏi những cơ sở lao động bất hợp pháp.
Hai nghi can trong vụ 40 người thoát khỏi casino ở Campuchia bị tạm giam để điều tra về tội tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép. Ảnh: Tiến Tầm. |
Lừa cả người trong nhà
- Người lao động cần làm gì để tránh mắc bẫy khi tìm kiếm việc làm ở Campuchia?
- Người có nhu cầu lao động lành mạnh để kiếm thu nhập tại Campuchia cần nắm rõ thông tin về nơi tuyển dụng, không nên nghe theo các thông tin tuyển dụng trên mạng, thông tin từ bạn bè hay kể cả người thân từ Campuchia gọi về.
90% những thông tin này đều là lừa đảo, kể cả là từ người nhà. Khi bị ép, bị đánh đập vì không hoàn thành chỉ tiêu lao động, họ có thể lừa cả người nhà sang. Nhiều trường hợp đã kể với tôi như vậy.
Ngoài ra, khi thực sự có ý định sang Campuchia lao động, hãy đến các cơ sở tuyển dụng lao động ở địa phương để hỏi và tìm hiểu. Người lao động nên liên hệ trực tiếp với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để xác định rõ nơi mình đến là nơi làm việc hợp pháp.
Với những người không may trở thành nạn nhân, họ trước hết phải giữ gìn sức khỏe. Nếu có thể, hãy liên hệ với Tổng lãnh sự quán hoặc người nhà. Sau đó, người nhà có thể liên hệ với cơ quan chức năng và cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài để tổ chức hỗ trợ giải cứu.
- Gần đây có thông tin về một số “ngôi nhà an toàn” cho các nạn nhân vừa trốn ra được nhưng chưa biết đi đâu, cũng như có thông tin về các tổ chức hiệp sĩ giải cứu. Tổng lãnh sự có khuyến cáo gì trước những thông tin này?
- Tôi chưa nghe nói tới hình thức “ngôi nhà an toàn” nhưng cũng có nhiều bà con gốc Việt rất nhiệt tình. Gặp những trường hợp trốn được nhưng không biết đi đâu, họ đã cưu mang giúp đỡ và báo với Tổng Lãnh sự quán để chúng tôi tìm cách giúp đỡ tiếp.
Cần cảnh giác với những “ngôi nhà an toàn” như thế vì chúng ta chưa nắm rõ tình hình bên trong, có thể vào đó lại bị bắt trở lại.
Hiện cũng có các tổ chức tự xưng là hiệp sĩ đi giải cứu và được người nhà chuyển tiền. Nhưng những tổ chức ấy không có khả năng giải cứu vì việc tự ý đi vào các cơ sở ấy là bất hợp pháp và có thể gặp rắc rối với công an sở tại.
Tốt nhất và an toàn nhất, chúng ta cần thông qua các cơ quan chức năng trong nước như công an, bộ đội biên phòng và sở ngoại vụ của các tỉnh để liên hệ cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.