Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Căng thẳng Trung Đông làm nóng các sân đấu World Cup

World Cup đầu tiên ở Trung Đông đã trở thành sự kiện bộc lộ những căng thẳng chính trị đang lan rộng tại một trong những khu vực bất ổn nhất thế giới.

World Cup Qatar anh 1

Yếu tố chính trị đã phủ bóng những trận đấu của Iran, mở đầu khi các cổ động viên lên tiếng ủng hộ người biểu tình mạnh dạn thách thức giới lãnh đạo giáo sĩ ở quê nhà.

Trong khi đó, sự ủng hộ Palestine giữa những người hâm mộ đã chia rẽ các sân vận động khi bốn đội Ả Rập thi đấu. Các cầu thủ Qatar đã đeo băng tay ủng hộ Palestine, ngay cả khi Qatar lần đầu tiên cho phép người hâm mộ Israel bay trực tiếp tới đây.

Ngay cả tiểu vương Qatar cũng có hành động chính trị, khi vẫy và quàng cờ Saudi Arabia trong trận chiến thắng lịch sử trước Argentina. Đây được cho là một cử chỉ không thể tưởng tượng được khi chỉ vài năm trước hai bên còn coi nhau như đối thủ.

Những động thái như vậy đã làm tăng thêm khía cạnh chính trị của một giải đấu, vốn gây tranh cãi ngay từ trước khi bắt đầu về quan điểm của nước chủ nhà với những vấn đề như quyền lợi của lao động nhập cư hoặc quyền của cộng đồng LGBTQI+.

Giữa những tranh cãi đó, Qatar hy vọng một giải đấu suôn sẻ sẽ củng cố vai trò của mình trên trường quốc tế và ở Trung Đông.

Là quốc gia Trung Đông đầu tiên tổ chức World Cup, Qatar thường được xem như người "hay phá vỡ quy tắc” trong khu vực. Nước này là nơi trú ẩn của thủ lĩnh Hamas, lực lượng quân sự Palestine nắm quyền kiểm soát dải Gaza. Nhưng đồng thời, Qatar cũng có một số quan hệ thương mại với Israel. Nước này đã cung cấp ngân sách cho việc tái thiết ở Gaza với sự hỗ trợ của Israel.

Quốc gia hơn 3 triệu dân cũng là nơi cư trú của những người bất đồng chính kiến ​​​​Hồi giáo, bị Saudi Arabia và các đồng minh đưa vào "sổ đen". Và trong khi kết bạn với kẻ thù của Riyadh là Iran, Qatar là nơi đặt căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ trong khu vực.

World Cup Qatar anh 2

Một người phụ nữ giơ cao cánh tay của mình với dòng chữ "Phụ nữ, Cuộc sống, Tự do" trước trận đấu. Ảnh: Reuters.

Xung đột nội tâm

Căng thẳng ở Iran đã được phản ánh cả bên trong và ngoài các sân vận động ở Qatar. Nó xuất phát từ các cuộc biểu tình kéo dài hơn hai tháng, bùng phát sau khi Mahsa Amini, một phụ nữ người Kurd gốc Iran, 22 tuổi, chết trong bệnh viện khi bị cảnh sát giam giữ hồi giữa tháng 9. “Tội” mà cô phạm phải là không đội khăn trùm đầu đúng cách.

"Chúng tôi muốn đến World Cup để ủng hộ người dân Iran vì chúng tôi biết đó là cơ hội tuyệt vời để lên tiếng cho họ", Shayan Khosravani, một cổ động viên 30 tuổi người Mỹ gốc Iran cho biết.

Nhưng một số người nói rằng nhân viên an ninh tại sân vận động đã ngăn họ thể hiện sự ủng hộ đối với các cuộc biểu tình ở quê nhà.

Tại trận đấu ngày 25/11 của Iran với Wales, lực lượng an ninh đã từ chối cho những người hâm mộ mang theo lá cờ trước cuộc Cách mạng của Iran cùng áo phông có khẩu hiệu phản đối "Phụ nữ, Cuộc sống, Tự do" và "Mahsa Amini".

Sau trận đấu, căng thẳng đã nổ ra bên ngoài sân đấu giữa những người phản đối và người ủng hộ chính phủ Iran.

Hai cổ động viên từng tranh cãi với nhân viên an ninh sân vận động về các vụ tịch thu nói với Reuters rằng họ tin chính sách này bắt nguồn từ mối quan hệ thân cận của Qatar với Tehran.

Trong khi đó, một quan chức Qatar cho hay "các biện pháp an ninh bổ sung đã được áp dụng trong trận đấu có sự tham gia của Iran, sau những căng thẳng chính trị gần đây ở nước này."

Khi được hỏi về việc vật phẩm bị tịch thu hay cổ động viên bị giam giữ, người phát ngôn của ủy ban tổ chức tối cao đã đề cập đến danh sách vật bị cấm của FIFA và Qatar. Theo đó, họ cấm mang vào sân những mặt hàng có "thông điệp chính trị, xúc phạm hoặc phân biệt đối xử".

Tranh cãi cũng xoay quanh đội tuyển Iran, khi các cầu thủ được cho là đã thể hiện sự ủng hộ đối với cuộc biểu tình ở quê nhà trong trận đấu đầu tiên bằng cách không hát quốc ca, và chỉ hát một cách khẽ khàng trước trận thứ hai.

World Cup Qatar anh 3

Các cầu thủ Iran không hát khi quốc thiều của Iran vang lên tại sân vận động quốc tế Khalifa ở Doha, Qatar, trong trận đấu với đội tuyển Anh. Ảnh: Shutterstock.

Guardian mô tả lại khoảnh khắc hôm 21/11, khi quốc thiều vang lên khắp sân vận động quốc tế Khalifa, các cầu thủ Iran đã mím môi, cúi đầu và khóa chặt vai nhau.

Quemars Ahmed, một luật sư 30 tuổi đến từ Los Angeles, nói với Reuters rằng những cổ động viên Iran đang phải vật lộn với một "cuộc xung đột nội tâm": "Bạn có ủng hộ Iran không? Bạn có ủng hộ chế độ và cách mà các cuộc biểu tình đã bị dập tắt?"

Trước trận đấu quyết định giữa Mỹ và Iran vào ngày 30/11, Liên đoàn Bóng đá Mỹ đã tạm thời sử dụng quốc kỳ không có biểu tượng Hồi giáo của Iran trong bài đăng trên mạng xã hội, nói rằng động thái này nhằm ủng hộ những người biểu tình.

Một hình ảnh về bảng B được đăng vào ngày 26/11 cho thấy lá cờ Iran chỉ có màu xanh lá cây, trắng và đỏ.

Tuy nhiên, các hình ảnh hiện đều bị xóa. Đại diện của liên đoàn bóng đá Iran ngày 27/11 đã gửi đơn khiếu nại tới Ủy ban đạo đức của FIFA, yêu cầu khai trừ Mỹ khỏi World Cup vì bài đăng trên mạng xã hội được cho là "không tôn trọng" quốc kỳ nước này, theo New York Times.

Tuyên bố tự hào

Trong khi đó, cờ Palestine thường xuyên được nhìn thấy tại các sân vận động và khu vực dành cho cổ động viên. Nó đã được bán hết sạch tại cửa hàng, mặc dù đội tuyển nước này không có mặt trong giải đấu.

Những người ủng hộ Tunisia trong trận đấu ngày 26/11 với Australia đã giương cao biểu ngữ khổng lồ "Palestine tự do" - động thái dường như không vấp phải sự ngăn cản nào từ ban tổ chức.

Omar Barakat, huấn luyện viên của đội tuyển Palestine đang ở Doha dự World Cup, cho biết ông đã mang cờ của mình vào các trận đấu mà không bị ngăn cản.

"Đó là một tuyên bố chính trị và chúng tôi tự hào về nó", ông nói.

Trong khi đó, người hâm mộ Ả Rập đã xa lánh các nhà báo Israel đưa tin từ Qatar.

World Cup Qatar anh 4

Người đàn ông mang cờ Palestine trong giải bóng đá FIFA World Cup ở Doha, Qatar vào ngày 23/11. Ảnh: Reuters.

Qatar không có quan hệ chính thức với Israel, nhưng đã cấp phép đặc biệt cho các chuyến bay thẳng từ Tel Aviv, và cho phép các nhà ngoại giao Israel lưu trú tại một công ty du lịch ở Qatar để hỗ trợ lãnh sự cho công dân của họ.

Tuy nhiên, các nhà ngoại giao nước này đã đăng tải video khuyến cáo công dân nên giữ kín danh tính, do vấn đề nhạy cảm giữa Israel với các quốc gia mâu thuẫn.

"Đừng phô ra sự hiện diện hay bản sắc Israel vì an toàn của chính bạn", nhà ngoại giao Lior Haiat nói.

Trong khi căng thẳng nổi lên ở một số trận đấu, World Cup cũng tạo cơ hội cho những hành động hòa giải, chẳng hạn khi Tiểu vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad al-Thani quàng lá cờ Saudi Arabia quanh cổ trong trận đấu với Argentina ngày 22/11.

Mối quan hệ của Qatar với Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Bahrain và Ai Cập đã bị đóng băng trong nhiều năm do chính sách khu vực của Doha, bao gồm hỗ trợ các nhóm Hồi giáo trong cuộc nổi dậy Mùa xuân Ả Rập từ năm 2011.

Lệnh cấm vận trên không, trên bộ và trên biển chỉ mới được dỡ bỏ vào tháng 1/2021.

Trong một hành động hòa giải khác giữa các quốc gia có mối quan hệ bị lung lay bởi Mùa xuân Ả Rập, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã bắt tay với người đồng cấp Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi tại lễ khai mạc ở Doha vào ngày 20/11.

Kristian Coates Ulrichsen, một nhà khoa học chính trị tại Viện Baker của Đại học Rice (Mỹ) cho biết việc chuẩn bị cho World Cup "rất phức tạp bởi thập kỷ cạnh tranh địa chính trị sau Mùa xuân Ả Rập".

Các nhà chức trách Qatar đã phải bước đi trên lằn ranh mỏng để tìm kiếm sự cân bằng đối với Iran và Palestine, nhưng cuối cùng, giải đấu "một lần nữa đặt Qatar vào trung tâm của ngoại giao khu vực", ông nói.

Hỗn loạn tại khu vực cho cổ động viên ở Qatar Đám đông vượt gấp đôi sức chứa 40.000 người đã kéo đến công viên Al Bidda ở Doha hôm 20/11, khiến cảnh sát phải ngăn bớt những cổ động viên quá khích.

Những cuốn sách hay về thể thao

Tủ sách thể thao mang tới những câu chuyện thể thao quá khứ và hiện tại, những bí mật hậu trường, những giải đấu, ký ức của những cựu danh thủ, HLV, các huyền thoại như Sir Alex Ferguson, Steven Gerrard, Park Hang-seo, Lê Công Vinh...

Chủ nhà Qatar lên tiếng về băng OneLove tại World Cup

Trưởng ban tổ chức World Cup Qatar cho biết ông coi chiếc băng tay cầu vồng là sự phản đối các giá trị Hồi giáo.

Vật biểu tượng được nhận nhiều sự chú ý tại World Cup Qatar

World Cup đang diễn ra tốt đẹp ở Qatar, nhưng những vấn đề xung quanh quyền LGBTQ+ đối với quốc gia vùng Vịnh, FIFA, các đội tuyển và cổ động viên vẫn hiện hữu.

Minh An

Bạn có thể quan tâm