Vào hôm 26/11, hai cổ động viên Đức nói với CNN rằng họ đã bị các nhân viên an ninh tại Qatar 2022 yêu cầu cởi bỏ những món đồ có màu cầu vồng mà họ đang mặc khi lên đường xem trận đấu giữa Pháp và Đan Mạch.
CNN đã chứng kiến phần kết của vụ việc tại ga tàu điện ngầm Msheireb, ở Doha, khi Bengt Kunkel, người đeo một chiếc băng đô cầu vồng và bạn của anh - đeo một chiếc băng tay có màu tương tự - từ chối giao các món đồ. Cầu vồng là biểu tượng cho quyền và niềm tự hào của những người đồng tính.
Sau khi đưa những người Đức này sang một bên, một nhóm nhân viên bảo vệ cuối cùng đã để họ đi với điều kiện họ phải bỏ những món đồ này vào túi, theo Kunkel.
"Các nhân viên an ninh đột ngột xuất hiện. Họ nắm lấy tay bạn tôi một cách khá hung hăng và đẩy anh ấy ra khỏi đám đông, sau đó bảo anh ấy cởi nó ra (chiếc băng tay)”, Kunkel kể lại chi tiết về vụ việc ngay sau khi nó xảy ra.
“Rồi họ đưa tôi đi cùng. Họ nói: 'Hãy cởi nó ra và ném vào thùng rác, hoặc chúng tôi sẽ gọi cảnh sát'”, anh cho hay.
Cặp đôi từ chối ném đồ của họ vào thùng rác và nói với bảo vệ rằng họ có thể mới là người gọi cảnh sát.
“Chúng tôi đã có một cuộc thảo luận nhỏ. Chúng tôi thể hiện sự tôn trọng và nói: 'Chúng tôi sẽ không vứt nó đi mà sẽ bỏ vào túi của mình'”, Kunkel, người đã đến World Cup để thưởng thức giải bóng đá nói thêm. Anh là một trong những người đã sử dụng nền tảng truyền thông xã hội của mình để nói về các vấn đề LGBTQ+ và Qatar 2022.
Cổ động viên người Đức Bengt Kunkel đeo băng tay và vòng tay cầu vồng bên ngoài Sân vận động 974 vào ngày 26/11. Ảnh: CNN. |
Bị làm khó vì trang phục liên quan đến LGBTQ+
Kunkel và bạn của anh sau đó được phép rời đi. Tuy nhiên, một lần nữa, khi đứng ngoài Sân vận động 974, Kunkel đeo lại chiếc băng đội trưởng và vòng tay cầu vồng rồi mới đi qua chốt an ninh.
CNN chứng kiến Kunkel được phép đi qua, mặc dù chàng trai 23 tuổi người Đức sau đó lại bị đưa sang một bên.
Kunkel sau đó nói với CNN rằng anh đã bị chặn lại 4 lần nữa trước khi được phép ngồi vào bên trong sân vận động với những món đồ có biểu tượng cầu vồng.
Đầu tuần này, nhà báo người Mỹ Grant Wahl và cựu đội trưởng xứ Wales Laura McAllister đều cho biết họ được nhân viên an ninh yêu cầu cởi bỏ quần áo có hình cầu vồng.
Cụ thể, nhà báo người Mỹ, Wahl, cho biết ông bị tạm giữ trong khoảng 25 phút và được các nhân viên an ninh yêu cầu phải cởi bỏ chiếc áo khi cố gắng vào sân vận động Ahmad bin Ali tại thành phố Al-Rayyan vào hôm 21/11, trước trận đấu giữa đội tuyển Mỹ và đội tuyển xứ Wales trong khuôn khổ vòng chung kết World Cup 2022.
Những người này cũng tịch thu điện thoại của Wahl khi ông cố gắng chia sẻ về sự việc trên mạng xã hội Twitter, theo Reuters.
Wahl cho biết một chỉ huy lực lượng an ninh sau đó đã tới xin lỗi và cho phép ông vào sân vận động. Ông cũng đã nhận được một lời xin lỗi chính thức từ đại diện của Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA).
"Một chỉ huy lực lượng an ninh tiến đến và xin lỗi tôi. Chúng tôi đã bắt tay và họ để tôi đi. Một nhân viên an ninh nói rằng họ chỉ đang cố gắng bảo vệ tôi khỏi những người hâm mộ bên trong, những người có thể tấn công tôi vì mặc chiếc áo in hình cầu vồng", Guardian dẫn lời ông Wahl.
Khi được yêu cầu làm rõ quy định về trang phục cho người hâm mộ, FIFA nêu sổ tay hướng dẫn, trong đó ghi rõ “người nước ngoài và khách du lịch được tự do mặc trang phục họ chọn, miễn là trang phục đoan trang và tôn trọng văn hóa” nước chủ nhà.
Sau khi một số người hâm mộ xứ Wales cũng bị từ chối vào sân vận động vì đội mũ bucket cầu vồng vào hôm 21/11, Hiệp hội bóng đá xứ Wales (FAW) cho biết FIFA đã nói lại với liên đoàn vào hôm 24/11 rằng cờ và mũ màu cầu vồng sẽ được phép xuất hiện tại các sân vận động World Cup ở Qatar.
Một cổ động viên xứ Wales đội chiếc mũ màu cầu vồng trước trận đấu. Ảnh: Reuters. |
“FIFA đã xác nhận rằng những người hâm mộ đội mũ xô Rainbow Wall và cờ cầu vồng sẽ được phép vào sân vận động cho trận đấu của @Cymru (xứ Wales) với Iran vào hôm 25/11”, theo tuyên bố của FAW trên Twitter.
“Tất cả địa điểm tổ chức World Cup đã được liên hệ và hướng dẫn tuân theo các quy tắc cùng quy định thống nhất”, tuyên bố cho biết thêm.
"Đó là quyền cơ bản của con người”
Tuy nhiên, trải nghiệm của Kunkel vào cuối tuần qua dường như cho thấy sự thiếu liên kết giữa các quy tắc, quy định của FIFA và những gì đang diễn ra trên thực tế tại Qatar 2022.
Kunkel, 23 tuổi đã đến Qatar với 3 người bạn ngay trước khi World Cup khai mạc. Anh nói rằng anh từng bị tịch thu những món đồ có màu cầu vồng.
Kunkel cho biết anh đã bị đưa ra khỏi chỗ ngồi của mình tại sân vận động Al Thumana trong trận đấu giữa Senegal với Hà Lan vào hôm 21/11 và được yêu cầu cởi bỏ các vật dụng.
Sau đó, nhân viên an ninh đã ném chúng vào thùng rác và Kunkel được phép trở lại chỗ ngồi của mình.
“Việc ném cờ cầu vồng vào thùng rác là một tuyên bố", Kunkel nói. “Bản thân tôi không thuộc cộng đồng LGBTQ, nhưng tôi có thể hiểu một số người không muốn đến đây (Qatar) vì những người trong cộng đồng này đang bị đối xử không tốt”.
Chuyến đi của Kunkel đến Qatar đã gây chú ý ở Đức và anh đã gặp Bộ trưởng Nội vụ Nancy Faeser tại Doha trong tuần này.
Bà Faeser đã đeo băng tay OneLove khi ngồi ngay bên cạnh Chủ tịch FIFA Gianni Infantino, dự khán trận đấu giữa Đức và Nhật Bản tại World Cup 2022.
Kể từ khi World Cup khai mạc, sự bất hòa giữa FIFA và 7 đội tuyển châu Âu bao gồm Anh, Hà Lan, xứ Wales, Bỉ, Đan Mạch, Thụy Sĩ và Đức đã nổi lên sau khi cơ quan quản lý bóng đá quốc tế đe dọa sẽ phạt thẻ vàng bất cứ cầu thủ nào đeo băng OneLove trong các trận đấu.
FIFA lập luận họ chỉ áp dụng các quy định đã có từ lâu “để bảo vệ tính toàn vẹn của sân chơi”, và rằng đó là một “tổ chức toàn diện”. Thay vào đó, các đội trưởng sẽ đeo băng tay khác như một phần của chiến dịch không phân biệt đối xử của FIFA, theo Guardian.
Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser đeo băng tay OneLove khi đứng cùng Chủ tịch Hiệp hội bóng đá Đức Bernd Neuendorf trên khán đài trước trận đấu. Ảnh: Reuters. |
Kunkel cho biết anh không hài lòng khi FIFA cho phép tổ chức World Cup ở Qatar, một quốc gia mà quan hệ tình dục giữa nam giới được xem là bất hợp pháp và có thể bị phạt tới 3 năm tù.
Chàng trai 23 tuổi cho hay cả Bộ trưởng Faeser và Hiệp hội bóng đá Đức (DFB) đều ủng hộ hành động của anh. DFB thậm chí còn cung cấp cho anh nhiều vật phẩm cầu vồng hơn sau khi anh bị tịch thu.
Trước trận đấu với Nhật Bản vào đầu tuần qua, đội tuyển Đức đã đồng loạt lấy tay che miệng trước trận đấu với Nhật Bản, để phản đối quyết định của FIFA.
Mặc dù ủng hộ hành động đó, Kunkel nói rằng họ có thể làm được nhiều hơn thế.
“Liên đoàn bóng đá Đức nói rất nhiều về quyền của cộng đồng LGBTQ, nhưng bất cứ khi nào họ e ngại hậu quả thì họ lại có vẻ lùi bước. Tôi nghĩ điều đó hơi buồn”, Kunkel cho biết.
Kunkel nói rằng anh rất muốn sử dụng sức ảnh hưởng trên của mình trên mạng xã hội để nâng cao nhận thức. Kunkel cho hay mặc dù nhận được một số phản hồi trái chiều trên mạng, anh đã được nhiều cổ động viên chúc mừng khi thành công bước vào sân vận động cuối tuần qua.
“Tôi muốn trở thành một tiếng nói”, anh nói. Đầu tuần này, Kunkel đã đăng một bức ảnh của mình trên Instagram từ Qatar, chụp một chiếc băng đô màu cầu vồng anh vẽ cùng cờ Đức.
“Đây không phải là vấn đề chính trị, đó là quyền cơ bản của con người”, Kunkel cho hay.
Bóng đá - World Cup - những góc khuất
Cuốn sách "Bóng đá - World Cup - những góc khuất" mong muốn mang đến những thông tin hữu ích giúp fan bóng đá có thêm hiểu biết và sự cảm nhận đầy đủ hơn về những trận đấu bóng đá.