Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Căng thẳng Triều - Hàn chỉ là sấm to mưa nhỏ'

Trả lời Zing.vn, TS Nguyễn Ngọc Trường cựu Đại sứ Việt Nam tại 5 quốc gia, cho rằng các sự kiện gần đây đều được Triều Tiên làm có mức độ, đủ khơi mào căng thẳng để thương lượng.

'Triều Tiên thường xuyên gây ra cuộc náo loạn quân sự' Theo Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường, người Hàn Quốc không chỉ quen mà còn luôn trong trạng thái sẵn sàng trước mọi hành động khiêu khích về quân sự từ Triều Tiên.

Cựu Đại sứ Việt Nam tại Thụy Điển, Mexico, Panama, Peru và Phần Lan tiếp phóng viên Zing.vn tại phòng họp của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ Quốc tế, nơi ông đang đảm trách cương vị chủ tịch.

- Tình hình trên bán đảo Triều Tiên đã tạm yên ổn sau khi Bình Nhưỡng và Seoul đạt thỏa thuận hạ nhiệt căng thẳng sau 3 ngày đàm phán. Giống nhiều lần trước đó, Triều Tiên là bên bị cáo buộc khiêu khích. Theo ông, lý do nào khiến Bình Nhưỡng đẩy căng thẳng leo thang?

- Đây là chiến thuật của Triều Tiên. Dưới thời của Chủ tịch Kim Nhật Thành, ông muốn thống nhất bán đảo Triều Tiên bằng các biện pháp quân sự hoặc kinh tế. Họ có ý thức xây dựng quân đội và ngành công nghiệp quốc phòng tương xứng. Bình Nhưỡng cũng tận dụng mọi mối quan hệ hợp tác với Liên Xô, Trung Quốc và các nước khác để trở thành quốc gia hạt nhân.

Tuy nhiên, chính trường thế giới thay đổi mạnh mẽ khiến tham vọng đánh bại Hàn Quốc gặp nhiều trở ngại. Trong khi đó, Seoul liên tục phát triển về kinh tế, quân sự và trở thành con rồng nhỏ trong khu vực. Dần dần, Seoul cũng đầu tư tăng cường tiềm lực quân sự. Họ có khả năng chế tạo tên lửa tầm bắn 700 km và chưa nâng phạm vi chỉ vì thỏa thuận với Mỹ. Washington coi Seoul là đồng minh quan trọng trong chính sách xoay trục sang châu Á nên đôi bên hợp tác rất chặt chẽ.

Hiện tại, Bình Nhưỡng không thể dùng vũ lực để khống chế bán đảo Triều Tiên trong khi tiềm lực kinh tế của miền Bắc cũng thua thiệt hơn hẳn quốc gia láng giềng miền Nam. Vì thế, Triều Tiên buộc phải sử dụng chiến thuật "bên miệng hố chiến tranh" để ngang bằng với Hàn Quốc và tránh nguy cơ bị Seoul thôn tính ngược lại. Triều Tiên thường xuyên gây ra các cuộc khủng hoảng nhỏ về quân sự với Hàn Quốc, buộc miền Nam đáp trả để đẩy tình hình tới khủng hoảng nhằm tự vệ và kiềm chế Seoul.

Chiến thuật này nằm trong chuỗi hành động nhất quán của Triều Tiên, được thực hiện từ năm 2000 tới nay.

Binh lính Hàn Quốc lắp đặt hệ thống loa tuyên truyền ở khu vực phi quân sự giữa hai miền. Ảnh: Getty

- Một số nhà quan sát cho rằng ông Kim Jong Un chưa thông thạo việc sử dụng các biện pháp đe dọa quân sự như cha hoặc ông nội. Nhà lãnh đạo đương nhiệm không muốn đẩy căng thẳng leo thang vượt ngoài kiểm soát. Quan điểm của ông thế nào?

- Đúng Kim Jong Un là nhà lãnh đạo mới và kinh nghiệm chưa nhiều bằng cha mình, nhà lãnh đạo Kim Jong Il nhưng ông đang từng bước nắm giữ quyền lực. Người dân Triều Tiên rất sùng bái nhà lãnh đạo trẻ trong khi Kim Jong Un mạnh tay loại bỏ các nhân vật bất đồng.

Theo tôi, ông Kim Jong Un làm khá tốt vai trò lãnh đạo quốc gia nếu so với độ tuổi 30. Ngoài ra, ông còn có hệ thống cố vấn hùng hậu. Vì vậy, không thể nói Kim Jong Un có ít kinh nghiệm lãnh đạo. Tuy nhiên, các sự kiện gây căng thẳng với Hàn Quốc đều được làm có mức độ, đủ khơi mào căng thẳng để đôi bên phải ngồi vào bàn thương lượng.

Bình Nhưỡng thường không chơi bài ngửa trong những vòng đàm phán đầu tiên, khiến chúng kéo dài trước khi các bên đạt được thỏa thuận. Trên quan điểm cá nhân, tôi nghĩ Kim Jong Un cũng ngang tầm với giới lãnh đạo Hàn Quốc.

- Những lời đe dọa và các động thái của Triều Tiên diễn ra thường xuyên, lặp lại khiến người dân Hàn Quốc đã dần quen thuộc và không còn lo sợ. Tiến sĩ đánh giá thế nào về nguy cơ phá sản của sách lược "bên miệng hố chiến tranh" mà Bình Nhưỡng đang sử dụng?

- Tôi không cho rằng người dân Hàn Quốc đã quen với việc binh đao. Đặt mình vào cương vị của dân Seoul, tôi nghĩ họ có lý do để sợ hãi khi Triều Tiên huy động 50 tàu ngầm tới áp sát vùng biển xung quanh Hàn Quốc. Hệ thống định vị của Mỹ và Hàn Quốc không thể xác định vị trí của tất cả tàu ngầm Triều Tiên.

Trong khi đó, Bình Nhưỡng vừa công bố ảnh tên lửa được phóng từ tàu ngầm. Nếu làm chủ công nghệ này, tàu ngầm của Triều Tiên sẽ nguy hiểm hơn rất nhiều vì chúng có thể tấn công linh hoạt mục tiêu dưới nước bằng ngư lôi và trên bộ bằng tên lửa. Công nghệ tên lửa của Bình Nhưỡng cũng khá phát triển. Sự kết hợp này có khả năng tạo ra lực lượng khủng bố tâm lý, có thể tấn công mọi vị trí trên lãnh thổ Hàn Quốc.

Theo tôi, câu nói "nhà giàu sợ gai mồng tơi" rất đúng với người Hàn Quốc trong trường hợp này. Người dân khó có thể yên tâm khi sống trong một xã hội kỷ cương, trật tự, có mức sống, văn hóa cao nhưng luôn nằm dưới tầm bắn của tên lửa đối phương. Dù người dân Hàn Quốc đã quen với động thái của Triều Tiên, họ vẫn luôn phải đề phòng.

Nó cho thấy chủ trương tạo ra các cuộc khủng hoảng của Triều Tiên không phải không thành công. Sách lược "bên miệng hố chiến tranh" mà Bình Nhưỡng đang sử dụng vẫn chưa phá sản cho đến chừng nào Hàn Quốc tạo ra môi trường ổn định giữa hai bên.

Trong quá khứ, các nhà lãnh đạo Hàn Quốc từng tìm cách dung hòa với Triều Tiên, chẳng hạn chính sách "Ánh Dương". Theo đó, Hàn Quốc chấp nhận đổ tiền và lương thực cho Triều Tiên để đổi lấy bình an. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng dùng nguồn lực đó để sản xuất vũ khí khiến toàn bộ kế hoạch phá sản.

Hai tổng thống tiền nhiệm của bà Park Geun Hye áp dụng chính sách đàm phán cứng rắn với Triều Tiên nhưng cũng không mang lại hiệu quả. Giới lãnh đạo Hàn Quốc đang lâm vào thế tiến thoái lưỡng nan. Họ chưa thể tìm ra cách để giải quyết triệt để căng thẳng giữa hai miền dù Seoul đang mạnh hơn Bình Nhưỡng về nhiều mặt.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường, cựu Đại sứ Việt Nam tại 5 quốc gia. Ảnh: Duy Hiếu
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường, cựu Đại sứ Việt Nam tại 5 quốc gia. Ảnh: Duy Hiếu
- Theo ông, những điều khoản trong thỏa thuận vừa đạt được giữa Triều Tiên và Hàn Quốc có điểm gì khác thường?

- Trong ngoại giao, một lời nói "lấy làm tiếc" như phía Bình Nhưỡng vừa đưa ra không mang nhiều ý nghĩa mà chỉ là một giải pháp giữ thể diện cho nhau. Dù bà Park tỏ thái độ cứng rắn, khoác áo lính thị sát doanh trại quân đội sau khi căng thẳng leo thang và yêu cầu Triều Tiên xin lỗi, bà vẫn có thể chấp nhận động thái xuống thang nhận trách nhiệm của Bình Nhưỡng.

Những điểm khác trong thỏa thuận cũng không có gì đột phá. Tôi rất tâm đắc với nhận định của một người bạn từng làm Đại sứ Việt Nam ở Trung Đông cho rằng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên chỉ là "sấm to mưa nhỏ".

- Bình Nhưỡng và Seoul được lợi gì từ thỏa thuận dập tắt căng thẳng vừa đạt được?

- Mục đích đầu tiên mà Bình Nhưỡng đạt được là dẹp bỏ hệ thống loa phóng thanh nằm sát biên giới Triều Tiên. Chiến thuật "bên miệng hố chiến tranh" buộc Seoul phải quan tâm và không thể xem thường quốc gia láng giềng. Quan chức cấp cao của Hàn Quốc và Triều Tiên cũng đã gặp nhau để bàn thảo nhiều vấn đề, trong đó quan trọng nhất là tháo ngòi căng thẳng và mở đường cho các cuộc gặp tiếp theo.

Về phần Seoul, họ ổn định được tình hình, đưa cuộc sống trở lại bình thường. Nhà chức trách Hàn Quốc cũng nhận thấy tầm quan trọng của các sách lược cứng rắn trong đàm phán với Triều Tiên để ngăn Bình Nhưỡng tiếp tục lấn tới.

- Khi nào và trong hoàn cảnh nào, Triều Tiên sẽ lặp lại những phản ứng như vừa qua?

- Bình Nhưỡng có thể dùng lại sách lược này trong một hoặc một vài năm tới tùy thuộc vào mục đích thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Hiện tại, Tổng thống Mỹ Barack Obama sắp hết nhiệm kỳ và không muốn đối thoại với Triều Tiên. Vì vậy, Bình Nhưỡng có thể tạo ra vụ căng thẳng khác khi chính quyền mới của Mỹ tỏ ý quan tâm tới việc giải quyết tình hình trên bán đảo Triều Tiên.

Tương lai Hàn - Triều ra sao sau vòng đàm phán thâu đêm?

Vòng đàm phán nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng mới nhất trên bán đảo Triều Tiên không thể xoa dịu các bất đồng giữa Bình Nhưỡng và Seoul trong khi nhiều mối đe dọa còn tiềm ẩn.

Triều Tiên dùng đòn cân não để mặc cả với Hàn Quốc

Trao đổi với Zing.vn, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ Quốc tế, cho rằng Bình Nhưỡng tranh thủ diễn biến căng thẳng gần đây để có lợi thế trước Seoul.


Hồng Duy (thực hiện)

Bạn có thể quan tâm