Lính Triều Tiên làm nhiệm vụ tại Khu phi quân sự (DMZ). Ảnh: Yonhap |
Các loa phóng thanh phát khẩu hiệu tuyên truyền từ Hàn Quốc sang phía bên kia biên giới dừng hoạt động sau khi Bình Nhưỡng và Seoul hôm 24/8 đạt thỏa thuận giải quyết bế tắc tồn tại giữa hai bên kể từ đầu tháng 8. Theo thỏa thuận, Hàn Quốc sẽ dừng chiến dịch tuyên truyền đổi lại Triều Tiên dỡ bỏ tình trạng cận chiến tranh chống Seoul mà nước này phát động trước đó sau vụ nã pháo.
Tuy nhiên, không phải tất cả người dân Hàn Quốc đều vui mừng trước việc chính phủ nhượng bộ các yêu cầu của Triều Tiên. Đặc biệt, nhiều người lo sợ rằng, bằng cách đàm phán này, Seoul đang khuyến khích Bình Nhưỡng hành xử không theo quy tắc ngoại giao với những sự việc tương tự có thể xảy ra trong tương lai.
Hơn nữa, thỏa thuận nhằm chấm dứt căng thẳng sau vụ nổ mìn và đấu pháo được phái đoàn hai nước đưa ra sau khi xuất hiện nhiều báo cáo cho hay, vài chục tàu ngầm Triều Tiên đang ẩn náu ở các vùng biển lân cận.
Theo Katy Oh, chuyên gia về châu Á tại Viện Phân tích Quốc phòng Hàn Quốc, trong những năm gần đây, nhiều người Hàn Quốc nhận ra bản chất của chiến thuật ngư lôi mà Triều Tiên sử dụng. Họ muốn chính phủ xử lý mọi chuyện một cách dứt khoát.
“Họ (dân Hàn Quốc) nói rằng ‘Chúng ta càng chịu đựng và chấp nhận, Triều Tiên càng nâng mức độ khủng hoảng để đặt chúng ta vào tình huống nhạy cảm và phải chiều theo mệnh lệnh của Kim Jong Un. Chúng tôi không thể chịu được điều đó’”, bà Oh nói với Foreign Policy.
Giải pháp tình thế
Quan chức Hàn Quốc và Triều Tiên tại cuộc đàm phán cuối tuần qua. Ảnh: Reuters |
Theo thỏa thuận ngày 24/8, Triều Tiên sẽ dỡ bỏ “tình trạng cận chiến” với nước láng giềng mà Bình Nhưỡng vừa công bố hồi tuần trước khi căng thẳng quân sự leo thang. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến quân sự của Triều Tiên sau thỏa thuận.
Tuy nhiên, theo Foreign Policy, thỏa thuận đạt được sau 43 tiếng thực sự chỉ là giải pháp tình thế cho tình hình leo thang trong tháng này.
Triều Tiên nói họ “lấy làm tiếc” về vụ việc khiến hai binh sĩ Hàn Quốc bị thương tại biên giới hồi đầu tháng 8 theo yêu cầu từ Tổng thống Park Geun Hye. Theo chuyên gia Oh, như vậy Hàn Quốc đang giúp Bình Nhưỡng có được giải pháp tạm thời. Từ đó, Triều Tiên sẽ dễ dàng biện minh cho những hành động khiêu khích khác của họ trong tương lai.
“Cuộc chơi sẽ tiếp diễn cho tới khi Triều Tiên hoàn toàn biến mất khỏi bản đồ thế giới”, Oh nhấn mạnh.
Mối đe dọa tiềm tàng
Triều Tiên có khoảng 70 tàu ngầm. Ảnh minh họa: Yonhap |
Một số chuyên gia cảnh báo, các nước không nên xem nhẹ những lời đe dọa của Triều Tiên. "Đụng độ nghiêm trọng trong khu vực từng thực sự xảy ra sau các cảnh báo, như vụ Triều Tiên pháo kích đảo biên giới của Hàn Quốc năm 2010", giáo sư John Delury thuộc Đại học Yonsei, Hàn Quốc, cho biết.
Dựa theo số liệu ước tính, Triều Tiên có 70 tàu ngầm trong hạm đội của họ. Phần lớn trong số đó là tàu từ thời Liên Xô. Ví dụ, tàu ngầm lớp Romeo do Liên Xô sản xuất trong những năm 1950 và được thay thế bằng tàu ngầm hạt nhân ngay khi chúng được triển khai đầu những năm 1960.
Theo chuyên gia Oh, ngay cả khi chúng lỗi thời, Triều Tiên bảo quản số tàu đó trong trạng thái khá tốt và chúng vẫn có một số khả năng quân sự, thậm chí khi Bình Nhưỡng triển khai chúng như một chiến thuật gây sợ hãi cho đối phương.
Triều Tiên được cho là có khoảng 20 tàu ngầm Romeo - tàu ngầm lớn nhất của nước này - cùng vài chục loại nhỏ lớp Sang-O. Bình Nhưỡng dùng Sang-O chủ yếu cho các hoạt động đặc biệt để xâm nhập lãnh thổ Hàn Quốc. Tuy nhiên, chúng cũng có thể được dùng để gài mìn ở các vùng nước ven biển.
Hơn thế, thỏa thuận hôm 24/8 không giải quyết được vấn đề lớn trên bán đảo Triều Tiên, đặc biệt chương trình hạt nhân mà Bình Nhưỡng đang phát triển, theo CNN.
“Trong 10 năm tới, chúng ta vẫn phải đối diện với các mối đe dọa từ Triều Tiên với một kho vũ khí hạt nhân đáng kể - nếu không tìm ra cách đối phó họ và một nhà lãnh đạo mà chúng ta không biết nhiều thông tin", Philip Yun, giám đốc điều hành Quỹ Ploughshares, một tổ chức ủng hộ giải trừ vũ khí hạt nhân, nhận định.