Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Căng thẳng Mỹ - Trung lộ rõ trước thềm 2 hội nghị G20 và COP26

Tổng thống Joe Biden đang chuẩn bị cho hai hội nghị thượng đỉnh lớn, và được cho là sẽ tiếp tục hướng sự tập trung của Mỹ và đồng minh đến các thách thức chiến lược từ Trung Quốc.

cang thang My Trung anh 1

Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ không gặp lại Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại 2 hội nghị thượng đỉnh lớn ông sắp tham gia, nhưng những căng thẳng trầm trọng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn sẽ phô bày.

Theo AP, ông Biden sẽ đến Rome để tham dự hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày 29-30/10 của nhóm G20, trước khi đến Glasgow, Scotland để tham dự hội nghị khí hậu của Liên Hợp Quốc COP26 vào ngày 1-2/11.

Ông Tập đã chọn bỏ qua G20 và COP26, với lý do Covid-19, khi thế giới chờ đợi xem Trung Quốc đã thực hiện được những cam kết nào trong việc cắt giảm phát thải khí nhà kính.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ tham gia vào một số sự kiện, nhưng sẽ bỏ lỡ các cuộc trò chuyện không chính thức - thường mang lại nhiều tiến triển nhất tại các hội nghị thượng đỉnh quốc tế.

Kể từ khi nhậm chức vào tháng 1, Tổng thống Biden mới chỉ đối thoại với ông Tập hai lần, dù họ đã đồng ý gặp nhau vào một thời điểm nào đó cuối năm.

“Trong thời đại cạnh tranh gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc, căng thẳng ngoại giao ở mức cao nhất, ngoại giao giữa các cấp lãnh đạo là rất quan trọng để quản lý hiệu quả mối quan hệ này”, cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng Jake Sullivan cho biết ngày 26/10 khi ông đề cập về chuyến đi sắp tới của tổng thống.

“Cuộc đại cạnh tranh”

Tổng thống Biden kêu gọi sự cần thiết phải chống lại Trung Quốc và đề cập đến nước này trong mọi tuyên bố chính sách lớn, từ việc Mỹ rút khỏi Afghanistan cho đến việc ông liên tục thúc đẩy hàng nghìn tỷ USD cơ sở hạ tầng và chi tiêu xã hội trong nước.

“Chúng ta cần chứng minh rằng các nền dân chủ có thể thực hiện lời hứa”, ông Biden nói vào mùa hè này, khi ông cam kết chia sẻ vaccine Covid-19 của Mỹ cho thế giới.

cang thang My Trung anh 2

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu trong cuộc họp trực tuyến của Hội nghị cấp cao ASEAN - Đông Á, ngày 27/10. Ảnh: AP.

Đầu tháng này, ông cũng thông báo về “cuộc đại cạnh tranh” tương tự về hiệu quả của các nền dân chủ khi yêu cầu quốc hội phải nhanh chóng nâng giới hạn nợ của quốc gia.

"Cơ sở hạ tầng của chúng ta từng là tốt nhất trên thế giới", Biden nói khi ông thuyết trình về đề xuất gói chi tiêu của mình. “(Giờ thì) mười hai quốc gia khác đang có cơ sở hạ tầng vượt trội hơn chúng ta, và Trung Quốc có những chuyến tàu hỏa đường dài chạy hơn 370 km/h”.

Tuy nhiên, những cuộc đàm phán kéo dài nhiều tháng về gói chi tiêu của ông Biden, bao gồm hàng trăm tỷ USD để giúp Mỹ chuyển hướng khỏi nhiên liệu hóa thạch, có thể cản trở tổng thống trong việc gây áp lực buộc Trung Quốc thực hiện các cam kết về môi trường của họ. Trung Quốc đang tăng cường sản xuất than trong bối cảnh thiếu điện gần đây.

Biden đã cố gắng thúc đẩy các liên minh toàn cầu như NATO đứng lên chống lại Bắc Kinh, ngay cả khi các nhà ngoại giao châu Âu thường bày tỏ sự bối rối trước việc Mỹ ngày càng tập trung vào việc cạnh tranh với Trung Quốc.

Nhiều quốc gia châu Âu đã đầu tư vào cơ sở hạ tầng của Trung Quốc thông qua Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường, và chính quyền Mỹ đã liên tiếp đấu tranh để ngăn chặn Huawei của Trung Quốc kiểm soát cơ sở hạ tầng 5G.

Tại G20, ông Biden được cho là một lần nữa sẽ cố gắng thuyết phục thế giới trong chương trình nghị sự “Build Back Better World” (tạm dịch: Tái thiết thế giới tốt đẹp hơn) của mình.

Đây là nỗ lực của các nước phát triển nhằm cung cấp cho các quốc gia đang phát triển một giải pháp thay thế sáng kiến ​​cơ sở hạ tầng của Trung Quốc - sáng kiến mà Mỹ chỉ trích là đi kèm các điều kiện ràng buộc, thậm chí cưỡng ép.

Tổng thống Biden cũng sẽ thúc giục đồng minh của Mỹ thực hiện các cam kết tài trợ vaccine Covid-19 toàn cầu nhanh chóng hơn, trong khi Trung Quốc cũng đang tích cực triển khai chiến lược “ngoại giao vaccine”.

Mỹ đã ưu tiên hợp tác với các đối tác thuộc “Bộ Tứ” - Ấn Độ, Nhật Bản và Australia - nhằm cố gắng kêu gọi các đồng minh có tiếng nói thống nhất hơn về vấn đề Trung Quốc.

Việc thành lập liên minh AUKUS nhằm cung cấp tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Australia dường như cũng là để đối phó tốt hơn với mối đe dọa từ Trung Quốc.

cang thang My Trung anh 3

Australia, Mỹ và Anh ngày 15/9 công bố liên minh an ninh AUKUS. Ảnh: New York Times.

Theo chỉ đạo của Biden, cộng đồng tình báo Mỹ đã tiến hành một loạt cuộc điều tra tập trung vào Bắc Kinh.

Trong vài tháng qua, các quan chức Mỹ đã công khai cáo buộc Trung Quốc tiếp tay cho các cuộc tấn công mạng, có ý định can thiệp vào cuộc bầu cử của Mỹ, và giấu thông tin quan trọng về đại dịch Covid-19. Những cáo buộc đó đã gây ra phản ứng giận dữ từ Bắc Kinh.

Phát biểu với các sinh viên tại Đại học Stanford vào tuần trước, Giám đốc CIA William Burns đã gọi Trung Quốc là “thách thức địa chính trị lớn nhất” mà Mỹ phải đối mặt.

Ông nói: “Sự cạnh tranh với Trung Quốc đối với Mỹ trải dài trên hầu hết lĩnh vực”.

Về mặt quân sự, mối bận tâm mới nhất của Mỹ là vụ thử vũ khí siêu thanh gần đây của Trung Quốc mà tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, cho là gần với “thời khắc Sputnik”. Ông đề cập đến vụ phóng vệ tinh đầu tiên của Liên Xô lên không gian năm 1957, sự kiện khiến cả thế giới ngạc nhiên, kéo theo lo ngại từ Mỹ rằng họ đã tụt hậu về mặt công nghệ.

Chính phủ Trung Quốc đã bác bỏ các tin tức của phương Tây về vụ thử nghiệm phương tiện bay siêu thanh, nói rằng đó là một tàu vũ trụ có thể tái sử dụng chứ không phải một tên lửa.

Những căng thẳng hiện tại giữa Mỹ và Trung Quốc được một số người cho rằng là dấu hiệu của một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, phức tạp hơn nhiều so với cuộc chiến kéo dài hàng thập kỷ giữa Mỹ và Liên Xô trước đây.

Vừa là đối thủ, vừa là đối tác

Mỹ và Trung Quốc giờ đây vừa là đối thủ vừa phụ thuộc lẫn nhau. Mỹ cần hợp tác với Trung Quốc để chống lại biến đổi khí hậu và hạn chế tham vọng hạt nhân của Iran. Hai nền kinh tế hiện cũng gắn bó chặt chẽ với nhau bất chấp các mức thuế quan từ thời ông Trump mà ông Biden vẫn đang áp dụng.

Về phần mình, Bắc Kinh đã khiến Washington phải nhìn nhận Trung Quốc như một quốc gia bình đẳng về địa chính trị với Mỹ, có phạm vi ảnh hưởng rộng lớn.

Matthew Goodman, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách kinh tế tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, tin rằng Biden cần duy trì mối quan hệ lâu bền với Trung Quốc để đối phó với các vấn đề tồn tại như biến đổi khí hậu, bất chấp các vấn đề về Đài Loan, hay các cuộc tấn công mạng, và một số mâu thuẫn khác.

Hai quốc gia cũng cần cùng tìm ra một hướng đi cho cộng đồng toàn cầu sau đại dịch Covid-19.

cang thang My Trung anh 4

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và ông Biden khi ông Biden là phó tổng thống Mỹ, ngày 25/9/2015. Ảnh: AFP.

Các thành viên của G20 đã chi tổng cộng 15.000 tỷ USD để giải quyết sự trì trệ kinh tế do đại dịch gây ra, khiến mức nợ tăng cao và có thể trở thành vấn đề đáng lo ngại nếu Cục Dự trữ Liên bang thắt chặt chính sách tiền tệ và tăng lãi suất.

Các số liệu điều tra dân số cho thấy người Mỹ đang trên đà nhập khẩu 470 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc trong năm nay. Đây là con số trong năm cao nhất kể từ 2018, từ khi ông Trump bắt đầu áp đặt mức thuế mới. Thương mại đã giúp hai nước liên kết, dựa vào nhau để phát triển bất chấp nhiều căng thẳng.

Ông Biden 'lo ngại hành động cưỡng ép của Trung Quốc' trước Đài Loan

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 27/10 gọi hành động của Trung Quốc đại lục đối với Đài Loan là "cưỡng ép" và cho rằng điều đó đe dọa hòa bình, ổn định khu vực.

Mỹ cam kết ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực

Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN khi tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN - Mỹ, được tổ chức trực tuyến, cùng với lãnh đạo các quốc gia Đông Nam Á.

Hồng Ngọc

Theo AP

Bạn có thể quan tâm