Sau 6 ngày tìm cách khắc phục tình trạng ùn ứ khách tại khu vực soi chiếu an ninh sân bay Tân Sơn Nhất, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho rằng nguyên nhân chính gây tắc nghẽn là lưu lượng hành khách trong giờ cao điểm vượt quá năng lực đáp ứng của hạ tầng.
Chuyên gia nhận định tình trạng ùn tắc sẽ được cải thiện nếu sân bay mua sắm thêm máy móc và cải tổ lại công tác điều hành.
Có lợi nhuận, phải phục vụ tốt hơn
Từng có thời gian giữ cương vị Phó giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Nam, ông Phạm Ngọc Sáu (Giám đốc sân bay Vân Đồn) bày tỏ thấu hiểu với hạ tầng chật chội tại nhà ga Tân Sơn Nhất.
Tuy nhiên, vị lãnh đạo sân bay tư nhân duy nhất của Việt Nam cho rằng vẫn còn nhiều cách để tăng năng lực thông qua của khu vực soi chiếu an ninh. Ông nhận định vai trò của nhà khai thác cảng là phải tiên lượng được nhu cầu để chuẩn bị khả năng đáp ứng cho phù hợp.
Chuyên gia nhận định diện tích sàn nhà ga Tân Sơn Nhất vẫn đủ để bổ sung thêm máy soi chiếu. Ảnh: TIA. |
"Nút thắt cổ chai tại Tân Sơn Nhất là ở các máy soi chiếu. Tôi nghĩ cảng vẫn có thể mua sắm thêm máy. Sân bay này thời xưa cũng bảo không mở thêm máy soi chiếu được, sau đó vẫn mở được thêm", ông Sáu nhận định với Zing.
Theo chuyên gia khai thác cảng, trường hợp bề ngang mặt sàn nhà ga đã đặt kín máy, sân bay có thể kẻ luồng, bố trí thêm một lớp máy soi chiếu nữa song song hoặc theo hình chữ L để nâng gấp đôi năng lực soi chiếu.
"Đầu tư nâng cấp được cả đường cất hạ cánh thì mua máy soi chiếu không phải là vấn đề", ông Sáu chia sẻ và nhận định một cảng đông khách, thu được nhiều lợi nhuận thì mua sắm thêm thiết bị để phục vụ hành khách tốt hơn là việc nên làm.
Cùng với việc tăng số lượng máy, chuyên gia cho rằng sân bay đông đúc nhất cả nước như Tân Sơn Nhất cần đầu tư loại máy soi chiếu hiện đại hơn để giúp phóng rõ các chi tiết bên trong hành lý, nhận biết hành lý nào có vấn đề để tự động đẩy sang một làn khác...
"Tại sân bay Vân Đồn, các khay đựng hành lý sau khi đi qua băng chuyền soi chiếu sẽ rơi xuống một băng chuyền ngầm và tự động quay trở ra bên ngoài. Chúng tôi không mất nhân lực và thời gian để thu gom và đưa khay hành lý ngược trở ra", ông Sáu nêu dẫn chứng.
Sau máy móc, vấn đề thứ 2 là về con người. Chuyên gia nhận định nhân lực chuyên môn tốt sẽ rút ngắn thời gian làm thủ tục.
"Nhân viên an ninh phải được đào tạo thái độ phục vụ và kỹ năng xử lý tình huống. Hướng dẫn cho khách một cách nhã nhặn thay vì quát tháo khách cũng đòi hỏi kỹ năng. Nhiều khi, hai bên lời qua tiếng lại khiến cả đoàn người ùn ứ phía sau", ông Sáu chia sẻ.
Hành khách xếp hàng kín lối lên xuống khu an ninh soi chiếu sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Tiêu chí thứ 3, theo lãnh đạo sân bay Vân Đồn, là cách điều tiết khoa học để tối ưu năng lực thông qua.
Trước cảnh tượng khu soi chiếu đông đúc tại Tân Sơn Nhất, ông Sáu nhận định những người có giờ bay muộn cũng sẽ cố chen vào xếp hàng sớm vì sợ trễ giờ. Điều này dẫn đến tình trạng khách bay lúc 8h xếp hàng cùng khách bay lúc 11h.
"Nó như một đám tắc đường ảo, nếu dàn đều ra thì không đến nỗi nào. Hành khách sắp bay nên được xếp vào một hàng riêng ngay từ đầu, tránh phải chen chúc với hành khách bay muộn", lãnh đạo sân bay Vân Đồn nhận định.
"Xoay xở thế nào dịp lễ 30/4?"
Theo một giảng viên đào tạo về du lịch đồng thời là chủ doanh nghiệp lữ hành, sau thời gian ảnh hưởng nặng nề vì dịch Covid-19, ngành du lịch càng phải tận dụng giai đoạn cao điểm hè để gỡ gạc lại doanh thu. Ngành hàng không cũng đang có những tín hiệu đáng mừng về lượng khách tăng vọt. Các hãng hàng không cũng sớm bắt kịp nhu cầu hành khách trong nước khi liên tục cho mở thêm đường bay nội địa.
"Với lưu lượng khách như hiện nay, sân bay Tân Sơn Nhất đã tỏ ra bất lực khi gặp tắc nghẽn như vậy. Thử hỏi vào dịp 30/4 -1/5, hành khách tiếp tục đội lên thì sân bay sẽ xoay xở như thế nào?", vị này đặt vấn đề.
Nhân sự sân bay và hãng bay được tăng cường sau nhiều ngày ùn ứ khu soi chiếu. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Để giải quyết tình trạng này, chuyên gia du lịch cho rằng sân bay cần đưa ra các phương án phân luồng hợp lý.
“Tuần vừa qua, tôi đi chuyến bay lúc 8h nên có mặt tại sân bay lúc 7h. Lúc này, người đang xếp hàng cạnh tôi nói họ bay chuyến 11h khiến tôi vô cùng ngạc nhiên. Người này cho biết do được thông báo đi sớm để tránh xếp hàng đông kẻo lỡ chuyến”, vị này nói và cho rằng sân bay cần có sự tính toán lại về thời gian.
Theo chuyên gia này, sân bay nên chủ động các khâu thông báo từ xa để tránh mất thời gian của hành khách. Ngay từ khi xếp hàng, hoặc bước đến khu vực soi chiếu, hành khách nên được chỉ dẫn chuẩn bị tháo bỏ phụ kiện như thắt lưng hay giày dép, nước uống... chứ không phải đến cửa soi chiếu mới biết.
“Đó là vấn đề rất nhỏ nhưng lại cực kỳ phổ biến, gây ra sự chờ đợi không đáng có. Không phải khách sử dụng sân bay nào cũng biết trước quy định, trong đó có người già, người lần đầu đến sân bay… Mỗi người mất 10-15 giây như vậy thì cộng lại sẽ lãng phí rất nhiều thời gian”, chuyên gia nhận định.