Người sử dụng lao động cần làm gì để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại nơi làm việc?
1. Thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại nơi làm việc.
2. Thiết lập đường dây nóng với Trung tâm kiểm soát bệnh tật / Y tế dự phòng các tỉnh, thành phố hoặc thông qua đường dây nóng của Sở Y tế hoặc Bộ Y tế (số điện thoại 19003228 hoặc 19009095).
3. Phân công và công khai thông tin liên lạc (tên, số điện thoại) của cán bộ đầu mối phụ trách về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại nơi làm việc.
4. Xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Sắp xếp nhân lực, kinh phí để thực hiện kế hoạch.
5. Hạn chế người không có phận sự vào khu vực làm việc.
6. Bố trí nhân lực tại cổng ra vào, vào đầu ca làm việc để đo thân nhiệt nhanh cho người lao động và thực hiện khử khuẩn (nếu có thể).
7. Hạn chế tổ chức các cuộc họp, hội nghị, các hoạt động tập trung đông người trừ trường hợp thực sự cần thiết và để phục vụ phòng, chống dịch.
8. Rà soát, sắp xếp và tổ chức công việc tại nơi làm việc để đảm bảo giãn cách theo đúng quy định. Lắp vách ngăn giữa các vị trí ngồi (nếu có thể).
9. Có cơ chế cho phép người lao động làm việc tại nhà hoặc bố trí ca làm việc linh hoạt (nếu được). Khuyến khích người lao động trao đổi, làm việc trực tuyến qua điện thoại, email...
10. Bố trí đầy đủ khu vực rửa tay, nhà vệ sinh và đảm bảo luôn có đủ nước sạch và xà phòng cho người lao động và khách hàng (nếu có). Bố trí đủ thùng đựng chất thải có nắp đậy.
11. Các cơ sở lao động có bộ phận làm việc tiếp xúc với nhiều người cần cân nhắc lắp đặt hệ thống kính ngăn; cung cấp và hướng dẫn sử dụng khẩu trang, găng tay đúng cách cho người lao động; cung cấp dung dịch sát khuẩn có trên 60% nồng độ cồn tại các khu vực tiếp xúc, giao dịch.
12. Đảm bảo có đủ trang thiết bị phục vụ công tác vệ sinh, khử khuẩn nơi làm việc. Đảm bảo vệ sinh môi trường, khử khuẩn tại nơi làm việc. Tăng cường thông khí tự nhiên. Hạn chế sử dụng điều hòa.
13. Tăng cường đảm bảo an toàn thực phẩm tại nơi làm việc. Bố trí nghỉ giải lao/ ăn trưa lệch giờ. Tránh tập trung đông người ở căng tin trong một khung giờ. Tránh ngồi đối diện nhau.
14. Khi có trường hợp người lao động/ khách hàng có một trong các biểu hiện sốt, ho, khó thở thì thực hiện theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.
15. Tập huấn về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cho tất cả người lao động về việc thực hiện khuyến cáo này và các hướng dẫn khác của Bộ Y tế.
16. Treo, dán các áp phích, thông báo hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại các khu vực công cộng để người lao động/ khách hàng có thể đọc và làm theo.
Lấy mẫu xét nghiệm cho người lao động. Ảnh: Chí Hùng. |
[...]
Hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cho người lao động phải đi công tác đến các khu vực có nguy cơ lây nhiễm Covid-19
1. Tham khao thông tin về tình hình dịch trên cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế: http://www.moh.gov.vn để đánh giá lợi ích và nguy cơ của các chuyến công tác.
2. Người lao động có bệnh nhân mạn tính (như bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch và bệnh phổi,...) cần cân nhắc khi đến các khu vực có nguy cơ lây nhiễm Covid-19.
3. Tìm hiểu thông tin và các biện pháp dự phòng lây nhiễm từ người làm công tác y tế/ cơ quan y tế địa phương.
4. Chuẩn bị dung dịch sát khuẩn có trên 60% nồng độ cồn và các vật dụng cần thiết để tạo điều kiện cho việc rửa tay thường xuyên, vệ sinh cá nhân khi đi công tác.
5. Tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch của chính quyền địa phương nơi đến công tác.
6. Rửa tay thường xuyên, giữ gìn vệ sinh cá nhân khi ho, hắt hơi. Tránh xa ít nhất 02m đối với những người đang ho hoặc hắt hơi.
7. Sau khi đi công tác về, người lao động tự theo dõi các triệu chứng trong 14 ngày và đo nhiệt độ 02 lần một ngày.
8. Trong và sau khi đi công tác, nếu có một trong các biểu hiện sốt, ho, đau họng, khó thở, người lao động cần: Đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc với người xung quanh, gọi điện cho đường dây nóng của Sở Y tế hoặc Bộ Y tế (số điện thoại 19003228 hoặc 19009095), đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và điều trị kịp thời, thông báo cho người quản lý hoặc/ và người làm công tác y tế tại nơi làm việc để thông báo cho những người tiếp xúc gần tại nơi làm việc tự theo dõi sức khỏe và đến cơ sở y tế khi cần thiết.