Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

‘Cần đánh giá GDP được trả bằng giá nào, có những hệ lụy gì?’

"GDP không nên là tiêu chuẩn duy nhất đánh giá năng lực lãnh đạo, thành tích của các địa phương", đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa phát biểu.

Trong phiên thảo luận kinh tế - xã hội sáng 31/10, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng cần đánh giá kỹ hơn chỉ số tăng trưởng GDP để thấy được tính bền vững, những hệ lụy đi kèm.

Không nên chỉ đánh giá bằng GDP

Theo ông Nghĩa, nếu chỉ nhìn vào riêng con số GDP mà không kèm theo các đánh giá khác như GDP được trả bằng giá nào, có những hệ lụy gì, GDP được phân bổ, phân phối ra sao, có bền vững hay không, việc đánh giá sẽ chệch hướng, không thật sự chuẩn mực. Đại biểu TP.HCM cho biết đây là vấn đề đã được nhiều chuyên gia, cộng đồng quốc tế cảnh báo.

"GDP không nên là tiêu chuẩn duy nhất đánh giá năng lực lãnh đạo, thành tích của các địa phương. Ví dụ ở những vùng cần bảo vệ môi trường, những vùng "phên dậu" của đất nước chúng ta đánh giá người lãnh đạo ở đó khác", ông nêu quan điểm.

Vị đại biểu TP.HCM cảnh báo nếu chạy theo chỉ số tăng trưởng GDP sẽ dẫn đến chuyện chạy theo con số đo bằng tiền. Tăng trưởng đổi lại bằng cách sẽ đổ vốn làm công trình này, công trình kia nhưng không quan tâm nhiệm vụ chính của những vùng miền đó.

Theo ông, nếu ở địa phương cần bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng nhưng để rừng bị tàn phá, để người dân bỏ đi vì không sinh sống được thì phải đánh giá lãnh đạo nơi đó không hoàn thành nhiệm vụ.

dai bieu Quoc hoi anh 1
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa phát biểu sáng 31/10. Ảnh: Minh Quân.

Đại biểu Nghĩa nhấn mạnh đất nước đã có hệ thống phân bổ, những nơi thuận lợi về phát triển kinh tế san sẻ cho những nơi khác. Do đó, nếu không chọn phương pháp luận đúng để đánh giá GDP sẽ dẫn tới việc chạy đua chệch hướng giữa các địa phương.

Trước đó, vào phiên thảo luận hôm 30/10, đại biểu Hoàng Quang Hàm của đoàn Phú Thọ cũng đề nghị Quốc hội ngoài việc giao chỉ tiêu GDP tổng sản phẩm nội địa như trước đây, cần giao thêm chỉ tiêu thu nhập quốc dân (GNI) để phản ánh nội lực thực sự của nền kinh tế và thu nhập của người dân.

Lý giải về đề xuất trên, ông Hàm cho rằng đời sống nhân dân, thực lực của nền kinh tế tăng nhanh nhưng chưa đi cùng với tốc độ tăng trưởng nên cần có chỉ tiêu cụ thể để nhận rõ vấn đề này.

Theo ông Hàm, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam khoảng 200% GDP, xuất siêu nhiều năm nhưng người hưởng lợi đa số là doanh nghiệp FDI vì các doanh nghiệp này chiếm khoảng 70% giá trị xuất khẩu. Phần hưởng lợi này được tính trong tổng GDP đất nước nên cần phải loại trừ mới nhìn nhận đúng thực lực của nền kinh tế và thu nhập của người dân.

"Đất nước đi lên từ gian khó, chúng ta phải huy động mọi nguồn lực để phát triển. Tuy nhiên, cần bổ sung thêm chỉ tiêu đánh giá để nhìn nhận sát đúng hơn tình hình và có giải pháp phù hợp", ông Hàm phát biểu.

dai bieu Quoc hoi anh 2
Quốc Hội dành toàn bộ 2 ngày 30 và 31/10 cho việc thảo luận báo cáo phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Hoàng Hà.

3 trụ cột để phát triển bền vững

Cũng trong phần phát biểu của mình, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu quan điểm về 3 trụ cột về phát triển bền vững đất nước.

Đồng tình với ý kiến của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ về việc Việt Nam phải có con đường phát triển riêng, ông Nghĩa cho rằng cần quan tâm đến 3 khía cạnh gồm nâng cao văn hóa, bảo vệ môi trường và bảo tồn di sản.

Theo đại biểu TP.HCM, nâng cao văn hóa gồm phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc và tiếp thu văn hóa tốt đẹp, hiện đại của thế giới. Bảo vệ môi trường gồm môi trường thiên nhiên như không khí, đất, nước, rừng, biển và môi trường xã hội như gia đình, nhà trường, cộng đồng, sắc tộc, tôn giáo. Bảo tồn di sản gồm di sản thiên nhiên, di sản lịch sử, di sản văn hóa.

"Để phát triển đất nước bền vững, song song tạo ra giá trị tài sản vật chất, cần định hướng xã hội, định hướng công dân, định hướng các ngành, các vùng miền vào 3 trụ cột này. Nếu chỉ định hướng bằng tiền thì sẽ kêu gọi đầu tư nước ngoài ào ào. GDP tăng nhưng đánh mất chủ quyền, lệ thuộc kinh tế. Từ lệ thuộc kinh tế sẽ không thể tự chủ nhiều mặt khác", ông Nghĩa nói.

Theo ông, việc xoay trục, định hướng xuyên suốt phát triển xoay quanh 3 trụ cột văn hóa, môi trường, di sản chính là để phát triển con người.

"Nếu không chúng ta sẽ có con người giống con người khắp nơi trên thế giới, sống ở đâu cũng được, không làm ở Việt Nam thì qua Mỹ làm. Không còn con người với bản sắc Việt Nam, ảnh hưởng việc bảo vệ chủ quyền, bảo vệ bản sắc dân tộc", đại biểu Nghĩa kết luận.

Có hay không việc cán bộ tiếp tay cho các dự án ma?

Dẫn ra cú lừa Địa ốc Alibaba, đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) đề nghị xử lý nghiêm trách nhiệm quản lý của cơ quan có thẩm quyền, nhất là trách hiệm người đứng đầu.



Việt Đức - Văn Hưng

Bạn có thể quan tâm