- Quốc hội dành 2 ngày 30-31/10 thảo luận báo cáo kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm, kế hoạch năm 2020.
- Trong ngày làm việc thứ 2, 66 đại biểu đăng ký phát biểu ý kiến.
- 4 thành viên Chính phủ sẽ giải trình thêm các câu hỏi của đại biểu.
-
Đã có 73 đại biểu phát biểu ý kiến
Theo Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, trong phiên sáng 31/10, đã có 24 đại biểu phát biểu ý kiến, 2 bộ trưởng tham gia giải trình là Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao & Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện và Bộ trưởng Khoa học & Công nghệ Chu Ngọc Anh.
Tổng cộng, sau 1,5 ngày thảo luận kinh tế - xã hội, đã có 73 đại biểu phát biểu. Hiện tại, còn 39 người nữa chờ phát biểu vào phiên chiều.
-
Đề nghị cần khẩn trương nghiên cứu sửa Luật Đất đai
Đại biểu Phạm Văn Tuân (Thái Bình) nhấn mạnh dù Quốc hội, Chính phủ có nhiều đổi mới quyết liệt nhưng vẫn tồn tại hạn chế trong việc ban hành luật, chính sách thiếu kịp thời, không đồng bộ, chồng chéo, thiếu nhất quán, gây khó khăn cho cơ quan quản lý lẫn người dân, doanh nghiệp.
Một ví dụ được ông Tuân dẫn chứng là sự mâu thuẫn giữa Luật Đất đai 2013 và Luật Nhà ở 2014. Cụ thể, Luật Đất đai quy định với dự án nhà ở thương mại để bán, cho thuê, không có trường hợp đấu thầu dự án có sử dụng đất. Tuy nhiên, Luật Nhà ở lại có hình thức đấu thầu. Do đó, khi chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu, dù tuân thủ Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu lại vướng Luật Đất đai. Từ trường hợp trên, ông Tuân đề nghị cần khẩn trương nghiên cứu sửa đổi Luật Đất đai để đồng bộ. -
Văn hóa phát triển chưa tương xứng với kinh tế
Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện phát biểu giải trình về giải pháp khắc phục sự phát triển văn hóa chưa tương xứng với phát triển kinh tế, tình trạng xuống cấp về văn hóa, đạo đức và lối sống. Thứ hai là về quản lý, đầu tư và du lịch. Trước câu hỏi du lịch Việt Nam đang nằm ở đâu, ông Thiện cho biết từ đầu năm, du lịch Việt Nam đón 14,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 13%. Tuy vậy, chất lượng du lịch còn chưa cao, sản phẩm chưa phong phú. Bộ trưởng Thiện đề xuất cần đổi mới nhận thức phát triển ngành du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, mang tính xã hội hóa cao; tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, ứng dụng công nghệ; đa dạng hóa thị trường du lịch, sản phẩm du lịch… Đối với vấn đề văn hóa, gần đây xảy ra tình trạng xuống cấp của đạo đức xã hội, đạo đức kinh doanh, trách nhiệm nghề nghiệp, quy tắc ứng xử. Ông Thiện nhận định những vấn đề trên có nguyên nhân từ văn hóa, văn hóa phát triển chưa tương xứng với kinh tế. Theo Bộ trưởng, cần nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò của văn hóa; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo điều kiện để phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Đồng thời tăng cường đầu tư cho văn hóa, song song với phát triển kinh tế. -
Trẻ chết trên xe đưa đón chứng tỏ quản lý giáo dục lỏng lẻo
Đại biểu Nguyễn Thị Xuân Thu (Khánh Hòa) nêu một loạt trăn trở trong vấn đề quản lý giáo dục ở tất cả các cấp học.
Bà Thu cho rằng việc quản lý giáo dục đang lỏng lẻo khi để xảy ra nhiều vụ việc gây bức xúc trong dư luận. Đó là việc trẻ mầm non bị bạo hành bởi cô giáo nuôi dạy; học sinh bị bỏ quên trên xe đưa đón dẫn đến tử vong; cô giáo ném vở xuống đất; giáo viên đánh học sinh thường xuyên đến mức cha mẹ phải lén đặt camera; hiện tượng gian lận thi cử, mua điểm ở Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang... Nữ đại biểu của tỉnh Khánh Hòa cho rằng hiện tượng học giả, thi giả vẫn tồn tại, thậm chí còn được cấp bằng xuất sắc, tìm chỗ làm tốt nhờ cơ chế mua bán xin cho. Điều này làm mất động lực phấn đấu của học sinh, sinh viên nghèo học giỏi, những người học thật thi thật. Hậu quả là cơ hội tìm kiếm bồi dưỡng nhân tài của quốc gia cũng mất dần. -
Lo lắng khi người nước ngoài tổ chức đánh bạc, lừa đảo ở Việt Nam
Đại biểu Đinh Công Sỹ (Sơn La) bày tỏ lo lắng khi số lượng người nước ngoài ở Việt Nam tăng lên nhanh đã và đang nảy sinh nhiều tiêu tục. Ông nhấn mạnh người nước ngoài tổ chức đánh bạc, kinh doanh bất hợp pháp, lừa đảo, buôn bán ma túy, vi phạm pháp luật về cư trú và lao động. Việc vi phạm pháp luật có tổ chức, đường dây, xuyên quốc gia, mang tính chất hình sự.
“Tôi kiến nghị Chính phủ cần hoàn thiện pháp luật về quản lý người nước ngoài, đặc biệt là văn bản dưới luật. Thanh tra, kiểm tra ở địa phương cần phải tiến hành thường xuyên”, ông nói.
-
Thủ tướng trao đổi với các đại biểu tại Quốc hội
Ảnh: Hoàng Hà.
-
Có hay không việc cán bộ tiếp tay cho các dự án ma?
Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) cho biết một số địa phương trong cả nước xảy ra nhiều vụ sai phạm tại các công trình xây dựng, các dự án lớn liên quan đến đất đai. Như chưa được cấp phép, chưa được phê duyệt, nhưng chủ đầu tư vẫn hợp đồng mua bán với người dân công khai. Bà lấy ví dụ về vụ lừa đảo lớn của Công ty địa ốc Alibaba.
“Cử tri đặt vấn đề có hay không sự buông lỏng quản lý, tiếp tay của cán bộ công quyền cho các dự án ma, dự án xây dựng đồ sộ, trái pháp luật tồn tại trong thời gian quá?”, bà Thủy nói.
Đại biểu Hậu Giang kiến nghị Chính phủ chỉ đạo, xử lý nghiêm trách nhiệm quản lý của cơ quan có thẩm quyền, nhất là trách hiệm người đứng đầu khi để xảy ra sai phạm ở địa phương.
-
Nhà đầu tư năng lượng tái tạo ở Ninh Thuận có thể thiệt hại 480 tỷ
Đại biểu Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) bày tỏ lo lắng trước vấn đề quá tải hạ tầng truyền tải điện trong cho các dự án năng lượng tái tạo, từ đó khiến những dự án đã hoàn thành nhưng chưa thể phát lên lưới.
“Riêng Ninh Thuận có 18 dự án năng lượng tái tạo, 10 dự án giảm phát 60%, đến cuối năm nhà đầu tư thiệt hại khoảng 480 tỷ”, ông Việt cho biết.
Đại biểu Việt mong muốn Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan sớm có phương án tháo gỡ khó khăn về hạ tầng truyền tải điện, giá mua - bán điện mặt trời, xã hội hóa trong lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng truyền tải điện.
-
Đề nghị công khai quỹ bình ổn giá xăng dầu, bảo vệ môi trường
Đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) cho biết đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, nhiều tập đoàn đa quốc gia khi đầu tư vào Việt Nam hưởng mức thuế suất 10%, bằng một nửa so với thuế suất phổ thông 20%. Việc trốn thuế của tập đoàn đa quốc gia cũng diễn ra khá phổ biến. Các khoản thu ngoài ngân sách Nhà nước như quỹ bình ổn giá xăng dầu, quỹ bảo trì đường bộ hay quỹ bảo vệ môi trường không được công khai. Ông Phương đề nghị cần công khai những quỹ này để người dân cần được biết. -
Lo lắng khi thu ngân sách từ đất và xổ số lại tăng
Trong phần phát biểu của mình, Đại biểu Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) nêu 3 vấn đề tồn tại trong việc thu ngân sách, đầu tư công.
Theo ông Tùng, mức tăng trưởng GDP và thu ngân sách 2 năm 2018, 2019 đáng khích lệ khi mức thu vượt kế hoạch. Tuy nhiên, cơ cấu thu chưa bền vững khi tăng thu nội địa vượt dự toán 1,9%, còn các khoản tăng thu không có tính bền vững như thu tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết tăng mạnh. Đặc biệt, thu từ 3 khối doanh nghiệp đều không đạt kế hoạch. Do đó, ông đánh giá thu ngân sách từ thực chất nội lực của nền kinh tế còn thấp.Đại biểu Tùng cũng nêu vấn đề về tình trạng chậm giao vốn, giao nhiều đợt, chậm điều chỉnh vốn đầu tư phát triển, trong đó có vốn ODA chưa được cải thiện. Hậu quả là nhiều dự án ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội chậm được triển khai, bị dở dang, kéo dài. Đặc biệt, một số dự án ODA sắp hết thời hạn hiệp định vẫn chưa hoàn thành, để lại nhiều hệ lụy. Cuối cùng, đại biểu Hải Phòng cho rằng việc trung ương giao chỉ tiêu thu ngân sách khá cao cho một số địa phương có nguồn thu lớn, đặc biệt là các thành phố trực thuộc trực thuộc trung ương tạo áp lực không nhỏ. Ông Tùng đề xuất trong thời kỳ ổn định ngân sách kế tiếp, cần tính toán cân đối hợp lý tỷ lệ điều tiết thu ngân sách về trung ương với các địa phương có khả năng, dư địa phát triển tốt. -
“Vụ Alibaba diễn ra nhiều năm mà chính quyền thúc thủ như chưa hề có chuyện gì”
Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng giữa những điểm sáng trong báo cáo của Chính phủ, còn câu hỏi đáng suy nghĩ trong xã hội hiện nay. Ông chỉ ra một loạt vấn đề như áp dụng công nghệ thu phí BOT tự động vẫn không thực hiện được; địa ốc Alibaba lừa dân nhiều năm với hàng nghìn nạn nhân; sau vụ cháy Rạng Đông mới thấy chủ trương di dời nhà máy cũ diễn ra chậm chạp; hàng triệu người Hà Nội lao đao vì nước sạch; thí điểm taxi công nghệ vẫn chưa có kết quả…
“Vụ Alibaba lừa dân bán bất động sản ảo, diễn ra nhiều năm, số nạn nhân lên đến hàng nghìn, số thiệt hại rất lớn, mà bộ máy chính quyền cơ sở vẫn ngơ ngác thúc thủ như chưa hề có chuyện gì nghiêm trọng cho đến khi người dân và dư luận lên tiếng”, ông Quốc nói.
Đại biểu Quốc cho rằng những điểm tối đang làm xấu đi bức tranh sáng sủa của những thành tựu tích cực mà Chính phủ cùng người dân dày công phấn đấu.
-
Đại biểu lo cán bộ thu mình, đóng băng ảnh hưởng đến tiến độ sân bay Long Thành
Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho biết tỉnh đang gánh những trọng trách nặng nề để hoàn thành trách nhiệm liên quan đến dự án sân bay Long Thành. Ông Quốc cho biết từ giờ đến hết nhiệm kỳ Quốc hội, Chính phủ (giữa năm 2021) lại là cao điểm của nhiệm vụ gian nan là giải phóng mặt bằng, tái định cư vùng dự án.
“Vào thời điểm chuyển giao bộ máy quyền lực giữa 2 nhiệm kỳ, bộ máy công quyền dễ thu mình, đóng băng, bất động, bởi sự trì trệ bắt nguồn từ mục tiêu an toàn, để giữ vững hoặc cải thiện vị thế trong bộ máy quyền lực. Điều đó làm phương hại đối với việc chỉ đạo, dịch vụ công liên quan đến dự án, người dân”, ông Quốc nói.
Ông Quốc cho rằng với dự án lớn, nếu không khắc phục được điều đó, nếu không có sự năng động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm thì việc xây dựng sân bay Long Thành khó hoàn thành.
“Mong rằng Đảng hành động để phá đi cái dớp trong nhận thức xã hội về nguy cơ trì trệ trong thời điểm chuyển giao giữa 2 nhiệm kỳ, cũng có nghĩa để Đồng Nai thực hiện trách nhiệm với dự án của đất nước”, ông Quốc nói.
-
Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ giải trình trước Quốc hội
Sau 2 Bộ trưởng Giao thông Vận tải và Tư pháp, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh giải trình trước Quốc hội.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh chỉ ra hai hạn chế lớn nhất với việc ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển.
Đầu tiên, nhu cầu đổi mới công nghệ tự thân tại doanh nghiệp còn hạn chế và yếu. Theo Bộ trưởng, cần xử lý để tác tác động của khoa học công nghệ thật sự hiện hữu. Bộ trưởng Ngọc Anh cho biết sắp tới sẽ có hội nghị về chuyển dịch chính sách toàn quốc để thật sự thúc đẩy doanh nghiệp ứng dụng, chuyển giao công nghệ. Thứ hai, ông cho biết ngành khoa học đã đi một chặng đường rất dài và thấy được chuyển động nhưng từ sản phẩm nghiên cứu đến sản phẩm chuyển giao không đơn giản như xây viên gạch.
-
'Không thể đánh giá lãnh đạo các tỉnh chỉ bằng số tăng GDP'
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng cần đánh giá đúng về chỉ số GDP, không nên lấy GDP là tiêu chuẩn duy nhất để đánh giá năng lực lãnh đạo, thành tích của các địa phương. Ông lấy ví dụ những vùng cần bảo vệ môi trường, không thể đánh giá người lãnh đạo ở đó theo GDP.
“Nó sẽ dẫn đến chuyện chạy theo những con số được đo bằng tiền và tăng trưởng bằng cách đổ vốn ra rồi làm những công trình này, công trình kia mà không quan tâm đến nhiệm vụ chính của những vùng miền đó”, ông Nghĩa nói. Đại biểu TP.HCM cho rằng Việt Nam đã có hệ thống phân bổ, khu vực thuận lợi về phát triển kinh tế phải san sẻ với những vùng gặp khó khăn. “Nếu chỉ định hướng bằng tiền thì cứ kêu gọi đầu tư nước ngoài ‘ào ào’ vào, làm tăng GDP lên. Cuối cùng chúng ta đánh mất chủ quyền, lệ thuộc vào kinh tế, từ đó không thể tự chủ về nhiều mặt”, ông Nghĩa nhấn mạnh. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị “xoay trục lại” theo định hướng phát triển xuyên suốt, gồm 3 trụ cột văn hóa, môi trường và di sản. Trước đó ngày 30/10, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cũng cho rằng việc thu hút FDI một cách chọn lọc là cần thiết. Tuy nhiên, cần bổ sung thêm chỉ tiêu đánh giá để nhìn nhận sát đúng hơn tình hình và có giải pháp phù hợp.
“Đề nghị Quốc hội ngoài việc giao chỉ tiêu GDP (tổng sản phẩm nội địa) như trước đây cần giao thêm chỉ tiêu GNI “thu nhập quốc dân” để phản ánh nội lực thực sự của nền kinh tế, thu nhập của người dân”, ông Hàm nói.
Nói về bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, ĐB Nghĩa khẳng định ai cũng yêu nước, không có sự nhân nhượng trong vấn đề này. Theo ông, cần kịp thời hơn, đầy đủ hơn trong việc thông tin đến người dân.
-
Cơ sở hạ tầng, nhà ở tại đồng bằng Sông Cửu Long kém nhất
Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) bày tỏ trăn trở khi cơ sở hạ tầng của đồng bằng Sông Cửu Long phát triển chậm trong khi đây là vùng đồng bằng châu thổ, vựa lúa lớn nhất cả nước.
Theo đại biểu Bình, phần lớn các cảng biển ở đồng bằng sông Cửu Long là cảng quy mô nhỏ, chủ yếu phục vụ xếp dỡ hàng, thiếu các cảng cảng chuyên dùng cho container. Do đó, 70%-80% hàng hóa của khu vực phải dồn lên TP.HCM bằng đường bộ để xuất khẩu. Điều này tăng thêm chi phí, tạo áp lực lên TP.HCM. Bên cạnh đó, vì nguồn lực hạn chế nên các tuyến dọc trục ngang và quốc lộ huyết mạch tại đồng bằng Sông Cửu Long chưa được đầu tư hoàn chỉnh theo quy hoạch. Ông kiến nghị Chính phủ, Quốc hội quan tâm một số dự án cấp bách như Trung lương - Mỹ Thuận, cầu Mỹ Thuận 2, cầu Rạch Miễu 2, sớm nâng cấp mở rộng các trục quốc lộ ngang để kết nối quốc lộ, cao tốc phía đông trong tương lai. “Chúng ta không thể cứ mãi duy trì những cái nhất rất mâu thuẫn và nghịch lý. Là vựa lúa lớn nhất, thủy sản nhiều nhất, trái cây phong phú nhất nhưng cơ sở hạ tầng kém nhất, nhà ở tệ nhất”, đại biểu Bình phát biểu.
-
Đề nghị Chính phủ hỗ trợ TP.HCM xây dựng trung tâm tài chính
Đại biểu Trần Hoàng Ngân đánh giá cao tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm đạt 6,98% trong bối cảnh kinh tế thế giới tiềm ẩn nhiều rủi ro, giảm tốc.
Trong khi đó, căng thẳng Mỹ - Trung mang lại những tác động cả thuận lợi và không thuận lợi tới Việt Nam. Trung Quốc đã phá giá đồng nhân dân tệ khiến Việt Nam nhập siêu hàng hóa tăng cao, kéo theo nhiều vấn đề như gian lận thương mại. Từ đầu năm, Việt Nam đã nhập khẩu 62 tỷ USD từ nước bạn, tăng 16,1%, nhập siêu 29 tỷ USD.
Điểm thuận lợi là khi hàng hóa Trung Quốc bị Mỹ áp thuế cao, hàng hóa Việt sẽ thuận lợi. Việt Nam đã xuất 49,9 tỷ USD vào Mỹ, tăng 26,.6% cùng kỳ, xuất siêu 37,9 tỷ USD.
Đại biểu Ngân cho rằng trong khi nhiều nước đang bảo hộ mậu dịch, tạo ra nhiều rào cản thương mại, Việt Nam cần quan tâm thị trường trong nước. Cần triển khai hiệu quả cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, tiến tới thích dùng.
Đại biểu cũng đề nghị cần quan tâm thị trường tín dụng, giúp ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát chặt chẽ hoạt động ngân hàng, tránh để nợ xấu quay lại. Chính phủ cũng cần tái cơ cấu thị trường tài chính, biến chứng khoán trở thành kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế.
Ông Trần Hoàng Ngân cũng đề nghị Chính phủ hỗ trợ TP.HCM xây dựng trung tâm tài chính tầm khu vực và quốc tế.
Cuối cùng, ông mong muốn Chính phủ tiếp tục dành nguồn lực cho công tác xây dựng pháp luật, thể chế, đặc biệt là thể chế cho cách mạng công nghiệp 4.0. Ông nhấn mạnh đến pháp luật liên quan đến kinh tế số, bảo vệ tài sản, phát triển mô hình kinh doanh mới. Ngoài ra, cần hoàn thiện pháp luật, thể chế vùng, các tỉnh liên kết nhau để phát triển.
-
Không nhân nhượng nhưng phải có đối sách phù hợp
Đại biểu Nguyễn Trọng Nghĩa (Tiền Giang) xin tham gia ý kiến vào 2 lĩnh vực là tình hình biển Đông và tình hình quản lý Internet, mạng xã hội hiện nay. Ông khẳng định Đảng, Nhà nước, nhân dân ta luôn quan tâm, đặt lên hàng đầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, biển đảo. Đại biểu Tiền Giang dẫn lại lời của Thủ tướng: “Những vấn đề thuộc về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, Việt Nam quyết không nhân nhượng, nhưng chúng ta phải có đối sách phù hợp”. Về vấn đề quản lý Internet, mạng xã hội hiện nay, ông Nghĩa cho rằng cần tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản vi phạm pháp luật về bảo vệ tổ quốc trên không gian mạng và tăng cường hiệu quả quản lý của Nhà nước; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền trong hệ thống chính trị và nhân dân. Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác quốc tế trên lĩnh vực bảo vệ tổ quốc, phát triển kinh tế - xã hội khi không gian mạng ngày càng phát triển. Việt Nam là một trong những nước tham gia mạng xã hội nhiều nhất thế giới. -
450 hộ dân ở tường thành Huế được di dời trong năm nay
Đại biểu Phan Ngọc Thọ (Thừa Thiên – Huế) trình bày 4 ý kiến trong phần phát biểu của mình.
Đầu tiên, ông cho biết cử tri tỉnh Thừa Thiên – Huế rất phấn khởi vì sự quan tâm Chính phủ, Quốc Hội với việc di dân khu vực 1 ở kinh thành Huế. Trong năm nay, dự kiến có 450 hộ sống tại tường thành sẽ được di dời. Việc di dời phạm vi lớn sẽ diễn ra trong năm tới. Thứ hai, ông Thọ cho biết tỉnh Thừa Thiên - Huế đang tập trung xây dựng đề án điều chỉnh địa giới TP Huế và vùng phụ cận. TP Huế đang quá tải về hạ tầng và quy mô thành phố trở nên quá chật, quá nhỏ cho sự phát triển của một đô thị di sản. Kế tiếp, đại biểu đoàn Thừa Thiên – Huế cho biết dù có nhiều nỗ lực của các cơ quan chức năng nhưng tình trạng buôn bán, vận chuyển, sản xuất, sử dụng ma túy vẫn diễn biến phức tạp. Đặc biệt, số người nghiện ma túy có chiều hướng không giảm, thậm chí gia tăng trong độ tuổi tuổi thanh thiếu niên. Ông Thọ cho biết cử tri rất lo lắng trước vấn đề này và đặt vấn đề nên có chế tài với người sử dụng ma túy trái phép. Cuối cùng, ông Thọ đánh giá để nâng cao hiệu quả trong phong trào hạn chế rác thải nhựa sử dụng một lần cần có thêm chế tài đủ mạnh cấp quốc gia.
-
Trong ngày đầu Quốc hội thảo luận tại hội trường, 2 Bộ trưởng Giao thông Vận tải và Tư pháp đã giải trình thêm những vấn đề mà đại biểu nêu.
Trong khi Bộ trưởng Giao thông Vận tải cung cấp thông tin thêm về các dự án chậm tiến độ và giao thông liên vùng, Bộ trưởng Tư pháp giải trình về các văn bản pháp luật thiếu đồng bộ, chất lượng chưa cao.