Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

‘Việt Nam đang tạo nền móng cho người khác xây nhà’

Từ sản xuất, lưu thông đến phân phối, trên bình diện nào cũng chứng kiến sự lớn mạnh của FDI. Đại biểu Phạm Trọng Nhân cho rằng Việt Nam đang tạo nền móng cho người khác xây nhà.

Ngày 30/10, Quốc hội bắt đầu 2 ngày thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2019 cũng như kế hoạch 2020.

Phát biểu trong phiên thảo luận, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) bày tỏ lo lắng khi nhiều thương hiệu Việt tầm cỡ lần lượt đội nón ra đi thông qua hình thức mua bán và sáp nhập (M&A).

‘Viet Nam dang tao nen mong cho nguoi khac xay nha’ anh 1
Đại biểu Phạm Trọng Nhân, Bình Dương. Ảnh: Minh Quân.

Thương hiệu Việt tầm cỡ lần lượt đội nón ra đi

Năm 1995, thương hiệu kem đánh răng Dạ Lan biến mất khỏi thị trường. Sau đó, đến lượt hàng loạt thương hiệu như P/S, Phở 24, X-Men, Bia Sài Gòn, Kinh Đô, Nhựa Bình Minh hay Giấy Sài Gòn, mà không ít trong số này chỉ vài năm trước còn đứng trên bục vinh danh thương hiệu quốc gia.

Đầu tháng 7, Big C thông báo tạm dừng thu mua các sản phẩm may mặc từ các nhà cung cấp nội địa. Tiếp đó là hàng loạt hàng Việt phải rút ra khỏi hệ thống bán lẻ nhường cho hàng nhập khẩu của các nhà phân phối ngoại.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân nhận định động thái trên không chỉ cho thấy sự phụ thuộc của các nhà sản xuất nội vào kênh phân phối ngoại, mà còn làm cho hàng Việt có nguy cơ mất dần chuỗi phân phối ngay trên sân nhà.

‘Viet Nam dang tao nen mong cho nguoi khac xay nha’ anh 2
Các nhà sản xuất nội đang phụ thuộc nhiều hơn vào kênh phân phối ngoại. Ảnh: Quỳnh Danh.

Ông Nhân cho rằng bản danh sách trên chưa có dấu hiệu dừng lại ngay cả khi trong nước đang khát các thương hiệu lớn. Không chỉ dừng lại ở các nhãn hàng nhu yếu phẩm, từ logistics đến ngành tài chính, năng lượng, những ngành được dự báo sẽ bùng nổ M&A trong thời gian tới ngày càng manh nha các yếu tố chi phối mạnh mẽ của nhà đầu tư ngoại lên xương sống nền kinh tế.

“Trong lúc nền kinh tế còn quanh quẩn với hơn 90% doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thì việc bán đi những nguồn nội lực trọng yếu liệu có đảm bảo cho nền kinh tế tư nhân là động lực phát triển quan trọng cho nền kinh tế?”, ông Nhân đặt câu hỏi.

Theo đại biểu tỉnh Bình Dương, khi về tay nhà đầu tư ngoại, có mở rộng thị trường đến mức nào đi chăng nữa thì thương hiệu Việt không còn bản chất hàng Việt, niềm tự hào với bao tâm huyết như lúc được khai sinh, chỉ đơn thuần là “hồn Trương Ba, da hàng thịt”.

Từ 2009 đến 2018, trung bình mỗi năm có 400 giao dịch với tổng giá trị thương vụ đạt 48,8 tỷ USD. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến 20/10, tổng số vốn đăng ký đầu tư nước ngoài đạt hơn 29 tỷ USD, trong đó vốn góp mua cổ phần là 10,8 tỷ USD.

Việt Nam đang tạo nền móng cho người khác xây nhà

Theo đại biểu Phạm Trọng Nhân, một trong những nguyên nhân gán cho tình trạng mua bán và sáp nhập trong thời gian qua là khó khăn về vốn. Việc tiếp cận tài chính lẫn đất đai của doanh nghiệp tư nhân không phải là dễ.

Bên cạnh đó, việc tăng giá điện thời gian qua cũng đem đến áp lực không nhỏ đến sức chịu đựng của nhiều doanh nghiệp.

Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp bán đi thương hiệu quy trách nhiệm cho thể chế là chưa là bệ đỡ cho nhân dân, còn xã hội lại trăn trở cho rằng doanh nhân chưa có tinh thần tự tôn dân tộc.

“Trong khi sự đổ lỗi và quy trách nhiệm còn chưa có hồi kết thì đáng quan tâm hơn là tiền đồ của đất nước ít nhiều bị ảnh hưởng do mất đi những nguồn nội lực”, ông Nhân nói.

Đại biểu tỉnh Bình Dương cho rằng với hơn 70% xuất khẩu thuộc về doanh nghiệp FDI, sự lớn mạnh của chủ thể kinh tế này trong thời gian tới mà bệ phóng là các FTA sẽ ngày càng khoét sâu khoảng cách với doanh nghiệp nội.

Từ việc dòm ngó của các nhà đầu tư nước ngoài đối với các thương hiệu Việt, thâu tóm các thương hiệu đình đám sau cổ phần hóa đến các quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài đỡ đầu cho các ý tưởng kinh doanh khởi nghiệp, trong đó khó tránh khỏi khả năng trong tương lai các quỹ này sẽ tiếp tục thâu tóm các thương hiệu mà nó đỡ đầu.

“Ý kiến cho rằng chúng ta đang tạo nền móng cho người khác xây nhà không phải không có lý. Bởi từ sản xuất, lưu thông cho đến phân phối thì trên bình diện nào cũng chứng kiến sự lớn mạnh của FDI”, ông Nhân nhấn mạnh.

Về giải pháp, đại biểu Phạm Trọng Nhân cho rằng vấn đề trên thuộc về giải pháp tổng thể trong đề án cơ cấu lại nền kinh tế. Quan trọng nhất, phải đặt Nghị quyết 10 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực của nền kinh tế, song hành với Nghị quyết 50 về định hướng, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao về chất lượng hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

'Thương hiệu Việt lần lượt đội nón ra đi' Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) bày tỏ lo lắng khi nhiều thương hiệu Việt tầm cỡ lần lượt đội nón ra đi thông qua hình thức mua bán và sáp nhập (M&A).

Hàng Việt ở siêu thị ngoại chỉ còn là 'hồn Trương Ba, da hàng thịt'?

Đại biểu Phạm Trọng Nhân lo lắng khi nhiều thương hiệu bán lẻ Việt tầm cỡ lần lượt đội nón ra đi thông qua hình thức mua bán và sáp nhập, và hàng Việt tại đây chỉ còn là cái vỏ.

'Xây dựng thương hiệu quốc gia ghi dấu trên bản đồ kinh tế thế giới'

Ông Nguyễn Như So, một trong số các đại biểu - doanh nhân ở Quốc hội, cho rằng cần coi trọng phát triển kinh tế tư nhân, xây dựng các thương hiệu tầm cỡ thế giới.


Văn Hưng

Bạn có thể quan tâm