Hôm nay, Quốc hội bắt đầu 2 ngày thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2019 cũng như kế hoạch 2020.
Cùng với phần thảo luận của đại biểu, các thành viên Chính phủ sẽ được mời phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Theo thông tin từ Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các thành viên Chính phủ tham dự đầy đủ các phiên thảo luận của Quốc hội về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước tại Hội trường từ ngày 30/10 - 1/11/2019.
Thủ tướng cũng yêu cầu các thành viên Chính phủ chủ động đăng ký phát biểu và giải trình, làm rõ những vấn đề thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ, ngành mình được đại biểu Quốc hội nêu tại các phiên thảo luận.
NỘI DUNG CHÍNH
- Quốc hội thảo luận báo cáo kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm, kế hoạch năm 2020.
- Bộ trưởng Giao thông Vận tải giải trình về các dự án chậm tiến độ và giao thông liên vùng.
- Bộ trưởng Tư pháp giải trình về các văn bản pháp luật thiếu đồng bộ, chất lượng chưa cao.
-
-
Xem xét hình sự hóa hành vi sử dụng ma túy
Đại biểu Nguyễn Quang Dũng (Quảng Nam) bày tỏ quan ngại về tình trạng gia tăng số lượng người nghiện ma túy khi hàng loạt quán bar, vũ trường, karaoke trở thành tụ điểm trụy lạc trong thời gian qua. Ông Dũng cho rằng người nghiện dễ phạm tội nếu không được cai nghiện, thậm chí giết người hay gây tai nạn giao thông nghiêm trọng. Do đó, ông đề nghị sửa đổi luật pháp, xem xét hình sự hóa việc sử dụng ma túy. Đồng thời, theo đại biểu này, tệ nạn cờ bạc qua mạng chưa được quản lý và ngăn chặn hiệu quả, thậm chí còn xuất hiện nhiều hình thức mới. Nêu lên thực trạng từ giết người thân để lấy 1 triệu đồng đến tham ô trên 100 tỷ đồng ở một chi nhánh ngân hàng chỉ để có tiền đánh bạc, ông cho rằng Chính phủ cần có biện pháp xử lý nghiêm minh hơn. -
-
Hàng Việt có nguy cơ mất dần chuỗi phân phối ngay trên sân nhà
Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) bày tỏ lo lắng khi nhiều thương hiệu Việt tầm cỡ lần lượt đội nón ra đi thông qua hình thức mua bán và sáp nhập (M&A). Thậm chí, chỉ vài năm trước, những thương hiệu này còn đứng trên bục vinh danh thương hiệu quốc gia.
Khi về tay nhà đầu tư ngoại, có mở rộng thị trường đến mức nào đi chăng nữa thì thương hiệu Việt không còn bản chất hàng Việt, chỉ đơn thuần là “hồn Trương Ba, da hàng thịt”. Tiền đồ của đất nước ít nhiều bị ảnh hưởng do mất đi những nguồn nội lực. Đầu tháng 7, Big C thông báo tạm dừng thu mua các sản phẩm may mặc từ các nhà cung cấp nội địa. Tiếp đó là hàng loạt hàng Việt phải rút ra khỏi hệ thống bán lẻ nhường cho hàng nhập khẩu của các nhà phân phối ngoại. “Động thái trên cho thấy sự phụ thuộc của các nhà sản xuất nội vào kênh phân phối ngoại, mà còn làm cho hàng Việt có nguy cơ mất dần chuỗi phân phối ngay trên sân nhà”, ông Nhân nói. Đại biểu Nhân nhận định từ logistics đến ngành tài chính, năng lượng, những ngành được dự báo sẽ bùng nổ M&A trong thời gian tới ngày càng manh nha các yếu tố chi phối mạnh mẽ của nhà đầu tư ngoại lên xương sống nền kinh tế. Một trong những nguyên nhân gán cho tình trạng mua bán và sáp nhập trong thời gian qua là khó khăn về vốn. Việc tiếp cận tài chính lẫn đất đai của doanh nghiệp tư nhân không phải là dễ. Bên cạnh đó, việc tăng giá điện thời gian qua cũng đem đến áp lực không nhỏ đến sức chịu đựng của không ít doanh nghiệp. Đại biểu Nhân cho rằng giải pháp cho vấn đề trên thuộc về giải pháp tổng thể trong đề án cơ cấu lại nền kinh tế. Quan trọng nhất, phải đặt Nghị quyết 10 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực của nền kinh tế, song hành với Nghị quyết 50 về định hướng, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao về chất lượng hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
-
Bộ trưởng GTVT nói về loạt dự án giao thông khắp triển khai 3 miền
Trong 7 phút giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể tập trung nói về 2 vấn đề chính là hệ thống giao thông tại các vùng miền và các dự án trọng điểm chậm tiến độ. Bộ trưởng GTVT thông tin hiện nay cả nước có 24.500 km đường quốc lộ, gần 2.000 km đường cao tốc, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế. Đất nước cũng có 22 sân bay, 3.200 km đường biển, trong đó đang tập trung phát triển vận tải ven bờ, 3.200 km đường sắt đi qua nhiều tỉnh. “Hệ thống giao thông đã phát triển nhưng so với yêu cầu, giao thông liên vùng còn hạn chế”, ông nói. Tại miền Bắc, Bộ GTVT sẽ triển khai các trục dọc như cao tốc Hòa Bình - Sơn La, Chi Lăng - Hữu Nghị - Đồng Đăng, Hạ Long - Móng Cái. Các trục liên kết ngang như quốc lộ: 4C, 4D, 209, 37. “Với định hướng trên, các trục ngang sẽ kết nối tục dọc tạo ra hệ thống giao thông hoàn thiện”, ông nói. Tại đồng bằng sông Hồng, ông Thể cho biết sẽ tập trung phát triển các đường vành đai của Hà Nội và trục kết nối với Hải Phòng để phát huy lợi thế của cảng biển Lạch Huyện. Mục tiêu để dễ dàng đưa hàng hóa ra Lạch Huyện và hoàn thành hệ thống này trong 5-10 năm tới. Thời gian tới, Bộ trưởng GTVT cho biết sẽ tập trung vào một số dự án lớn khắp 3 miền. Tại miền Trung, ông Thể cho biết hiện tại đang có đường sắt Bắc - Nam chạy qua, đường biển dọc miền Trung, quốc lộ 1A đã nâng cấp lên 4 làn xe. Thời gian tới sẽ có thêm đường cao tốc kết nối từ TP.HCM ra HN và đường Hồ Chí Minh. “Với những trục dọc như vậy thì liên kết vùng miền Trung tương đối tốt. Chúng tôi sẽ nghiên cứu các trục ngang, điển hình như nối ven biển với Tây Nguyên”, ông nói.
-
Đề nghị ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng, kinh tế khu vực biên giới
Đại biểu Nguyễn Ngọc Hải (Hà Giang) đề nghị ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, tạo mối liên kết giữa Hà Giang và các tỉnh lân cận, nhằm thu hút nhà đầu tư, tạo công ăn việc làm và thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương vùng biên giới. Đồng thời, ông Hải bày tỏ mong muốn Chính phủ đầu tư xây dựng hồ treo với quy mô vừa và nhỏ, giúp đồng bào ổn định sinh hoạt và sản xuất. Dự kiến toàn tỉnh cần khoảng 300 hồ.
Ngoài ra, đại biểu tỉnh Hà Giang cũng đề cập đến vấn đề rà soát bom mìn, quy tập mộ liệt sỹ trên địa bàn nhằm giải phóng đất canh tác, từ đó giảm dần và xóa bỏ thực trạng cư dân tự phát sang làm ăn phía bên kia biên giới. -
Nông sản Trung Quốc vào Việt Nam giả là hàng hóa trong nước
Đại biểu Đoàn Văn Việt (Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng) cho biết sự tăng trưởng của một số lĩnh vực còn thiếu vững chắc trong dài hạn. Nông nghiệp đang phải đối mặt với những khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ nông sản.
“Giá trị kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản giảm có nhiều nguyên nhân. Trong đó có nguyên nhân các quốc gia nhập khẩu tăng cường kiểm soát chất lượng nông sản, giám sát, truy xuất nguồn gốc vệ sinh an toàn thực phẩm”, ông Việt nói. Vấn đề về thị trường, thương hiệu gắn với chất lượng, giá trị sản phẩm vẫn là thách thức lớn đối với nông sản Việt Nam. Một số mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam bằng nhiều con đường khác nhau, làm giả các nhãn hiệu, cũng như xuất xứ hàng hóa nông sản trong nước. Đại biểu tỉnh Lâm Đồng đề xuất cần quan tâm, có các giải pháp nâng cao nhận thức của người sản xuất về vai trò của thương hiệu. Các bộ, ngành cần tiếp tục định hướng, hỗ trợ địa phương trong việc đăng ký, xây dựng nhãn hiệu, phát triển ứng dụng công nghệ số.
-
Đến năm 2021, giảm 10% người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập
Đại biểu Phạm Xuân Thăng (Hải Dương) cho biết tổ chức bộ máy ở một số lĩnh vực, cơ quan đơn vị chưa thực sự tinh gọn.
“Hệ thống tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập còn cồng kềnh, phân tán, xã hội hóa sự nghiệp công lập chưa đáp ứng được yêu cầu. Điều này phản ánh khá rõ trong chi ngân sách thường xuyên”, ông Thăng nói. Nhiều địa phương nguồn thu thấp nhưng chi thường xuyên vẫn còn cao, nguồn lực chi cho đầu tư phát triển còn rất hạn chế. Đại biểu Thăng đề xuất Chính phủ chỉ đạo quyết liệt và hiệu quả chỉ đạo số 08 về chương trình hành động của Chính phủ, thực hiện nghị quyết 19 về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Phấn đấu đến năm 2021, giảm 10% đơn vị sự nghiệp công lập, 10% người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Đến 2025 tiếp tục giảm 10% và 2030 chỉ còn các đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ nhiệm vụ chính trị, quản lý Nhà nước. -
Bão mạng tạo áp lực, buộc cơ quan Nhà nước chạy theo xử lý?
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) đặt vấn đề về môi trường xã hội và chất lượng đời sống tinh thần của người dân, trước tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan, môi trường ô nhiễm, nạn tham nhũng vặt và các hành vi thiếu chuẩn mực đạo đức, thậm chí nhiều vụ án giết người, xâm hại tình dục mà thủ phạm chính là người thân trong gia đình. Trong khi đó, nhiều hoạt động văn hóa như sự kiện, lễ kỷ niệm gây lãng phí nguồn lực, một số công trình, lễ hội nhân danh văn hóa tâm linh bị lạm dụng và biến tướng. Đồng thời, bà đánh giá việc quản lý thông tin trên mạng xã hội chưa hiệu quả. Trong một số sự việc, người dân không rõ mạng xã hội hay kênh thông tin chính thức của Chính phủ đang dẫn dắt dư luận, và liệu có hay không hiện tượng bão mạng đang tạo áp lực, buộc cơ quan quản lý Nhà nước phải chạy theo xử lý. Do đó, bà đề nghị Chính phủ có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn, hạn chế nạn tin xấu, tin độc và nâng cao vai trò của các cơ quan truyền thông.
-
Nhiều yếu tố kinh tế vĩ mô chưa vững chắc
Đại biểu Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) đồng tình với những khó khăn, thách thức Chính phủ đã thẳng thắn chỉ ra. Đồng thời, nhấn mạnh thêm một số bất cập như tốc độ tăng trưởng còn có dấu hiệu tăng chậm lại, nhiều yếu tố kinh tế vĩ mô chưa vững chắc, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp.
Bên cạnh đó, tình hình kinh doanh một số lĩnh vực gặp khó khăn, số lượng doanh nghiệp trong nước ngừng hoạt động và không phát sinh thuế khá lớn. Nền kinh tế trong nước chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi các diễn biến kinh tế quốc tế, công tác quy hoạch chưa đầy đủ, thiếu tính chiến lược... Đại biểu Sơn đề xuất Chính phủ quan tâm đúng mức, đầu tư nguồn lực cho công tác quy hoạch để đảm bảo cho sự phát triển chiến lược kinh tế - xã hội, mong muốn tạo được sự thống nhất trong hệ thống chính trị ở việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, -
Tư duy an ninh lương thực cần thay đổi
Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) đề nghị Chính phủ sớm có biện pháp tháo gỡ có hiệu quả các vấn đề về nông nghiệp, đặc biệt là xuất khẩu nông, thủy sản. Đồng thời, bà yêu cầu quy hoạch nông nghiệp có định hướng hơn dựa trên dự báo thị trường, tháo gỡ tình trạng khó tiếp cận đất đai của doanh nghiệp thông qua các chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Đặc biệt, với tình hình hiện nay, đại biểu tỉnh An Giang đề xuất thay đổi tư duy an ninh lương thực từ chú trọng số lượng sang chất lượng, kèm theo an ninh dinh dưỡng để đảm bảo tối đa lợi ích cho người dân.
Đồng thời, bà Tuyết nhấn mạnh vấn đề đầu tư cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó chính sách đặc thù về đầu tư và xây dựng tuyến đường cao tốc Sóc Trăng - Cần Thơ - Châu Đốc là những điểm cần chú trọng. -
2 Bộ trưởng giải trình chiều 30/10
Theo điều phối của Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, chiều nay, các Bộ trưởng Giao thông Vận tải, Tư pháp sẽ giải trình những vấn đề đại biểu nêu trong phiên thảo luận sáng nay.