Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

ĐBQH chia buồn với gia đình 39 nạn nhân của vụ buôn người tại Essex

Chia buồn với gia đình nạn nhân được phát hiện tử vong trong thùng xe container tại Essex, Anh, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng mong không ai trao số phận, tiền bạc cho kẻ buôn người.

Sáng nay, Quốc hội bắt đầu 2 ngày thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2019 cũng như kế hoạch 2020.

Cùng với phần thảo luận của đại biểu, các thành viên Chính phủ sẽ được mời phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Ngay khi Quốc hội bắt đầu thảo luận kinh tế - xã hội, 105 đại biểu đăng ký phát biểu.

Người điều hành phiên họp đề nghị các đoàn đông đại biểu như Hà Nội, TP.HCM sẽ có 3 đại biểu phát biểu, với các tỉnh như Thanh Hóa, Nghệ An sẽ có 2 đại biểu ở vòng phát biểu ban đầu.

Ngày đầu Quốc hội thảo luận kinh tế - xã hội Sáng 30/10, Quốc hội thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và NSNN năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán NSNN, phân bổ ngân sách TƯ
  • Xử nhẹ, cán bộ sai phạm sẵn sàng “hy sinh đời bố để củng cố đời con”

    Trước khi phát biểu ý kiến, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) gửi lời chia buồn đến gia đình các nạn nhân của nạn buôn người tại Essex (Anh). Ông cũng mong rằng các gia đình không nên tin tưởng trao số phận và tiền bạc cho bọn buôn người tàn bạo.

    Đại biểu Nhưỡng sau đó bày tỏ băn khoăn khi nghiên cứu báo cáo đề cập đến vấn đề đạo đức của cán bộ và đạo đức xã hội. Ông cho rằng: “Đạo đức là cốt lõi, là cội rễ của bách tính. Vô đạo, vô lương sẽ là nguồn gốc của tả là lòng tham, hữu là đớn hèn”.

    Đại biểu tỉnh Bến Tre cho biết thời gian gần đây, hành vi xâm hại tình dục xảy ra ở mọi đối tượng; tình trạng ném lợn chết dịch xuống sông ở đầu nguồn không cần biết người ở cuối nguồn; đổ dầu thải đầu độc nguồn nước ảnh hưởng đến hàng vạn dân thủ đô; thu hồi đất của dân bất chấp khi chưa có biện pháp quy hoạch.

    Bên cạnh đó, hàng trăm cán bộ vướng vào gian lận điểm thi, chỉ muốn con em mình, gia đình mình ở đẳng cấp trên đã loại trừ hàng trăm người ra khỏi cơ hội của cuộc đời; tình trạng làm điêu, báo cáo hay, tô rồng vẽ phượng; hàng loạt kẻ giả mạo hồ sơ để chiếm đoạt thẻ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội; thương binh giả, bằng cấp giả, thương hiệu giả, thuốc giả... còn rất nhiều.

    Theo ông Nhưỡng, bên ngoài của những hành vi trên là vi phạm pháp luật nhưng bên trong là sự vi phạm đạo đức. Có lẽ còn rất nhiều loại cán bộ xấu xa còn lẩn khuất trong các cơ quan, các đơn vị tạo ra quốc nạn tham nhũng, mất lòng tin của người dân vào Đảng và Nhà nước.

    “Đây là căn bệnh ung thư di căn vào nhân cách mà chúng ta dứt khoát cần loại bỏ khỏi xã hội”, ông Nhưỡng nói.

    Ngoài ra, việc “giơ cao đánh khẽ” với cán bộ sai phạm nghiêm trọng đường lối chính sách pháp luật thời gian qua khiến cử tri rất bức xúc. Theo ông Nhưỡng, điều này không buộc người xấu phải sám hối, tu thân sửa mình mà ngược lại họ sẵn sàng “hy sinh đời bố để củng cố đời con”.

    Đại biểu tỉnh Bến Tre đề nghị Quốc hội cần triển khai, tổ chức giám sát tối cao về hoạt động giám sát của cơ quan dân cử.

  • ‘Sẵn sàng phương án cao nhất với các tình huống có thể xảy ra’

    Đại biểu Trần Việt Khoa (Hà Nội) nêu vấn đề tình hình biển Đông có nhiều diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng an ninh, an toàn khu vực biển có tuyến hàng hải bận rộn nhất trên thế giới. Điều này đe dọa an ninh khu vực, an ninh các nước có chung khu vực biển Đông.

    Giám đốc Học viện Quốc phòng cho biết từ tháng 5, khi Việt Nam có hoạt động dầu khí trên biển, đặc biệt là từ đầu tháng 7 đến cuối những ngày tháng 10, nước ngoài đưa lực lượng xuống phản đối một cách hết sức phi lý.

    “Đây là những cái không thể chấp nhận được. Họ đưa tàu xuống khảo sát thăm dò, có thời điểm đến 35-40 chiếc để bảo vệ”, ông nói.

    Theo đại biểu Khoa, Bộ Chính trị, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Quốc phòng, Công an, Ngoại giao đấu tranh trên cơ sở đấu tranh pháp lý khẳng định chủ quyền. Trên thực địa, Quân ủy Trung ương đã chỉ đạo các lực lượng như cảnh sát biển, hải quân, biên phòng, kiểm ngư thường xuyên bám sát, nắm chắc tình hình, tuyên truyền bằng nhiều thứ tiếng, để khẳng định khu vực chủ quyền và quyền chủ quyền không thể chối cãi theo công ước và luật pháp quốc tế.

    “Có thể nói dựng nước đi đôi với giữ nước là quy luật tồn tại của dân tộc ta. Quy luật đấy ngày nay thể hiện rất rõ xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc tổ quốc. Tình hình hiện nay, có nhiều yếu tố tác động, cần có giải pháp phù hợp để đấu tranh trong điều kiện giữ vững hòa bình phát triển đất nước”, ông nói.

    Đại biểu Hà Nội nhấn mạnh đất nước ta từng trải qua nhiều cuộc chiến tranh, tàn khốc, có nhiều sự mất mát của các gia đình, dòng họ. Tuy nhiên, việc bảo vệ độc lập chủ quyền lãnh thổ là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân.

    “Sẵn sàng cảnh giác, tỉnh táo, sẵn sàng các phương án cao nhất với các tình huống có thể xảy ra, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ. Sẵn sàng đẩy lùi các nguy cơ chiến tranh, giữ vững hòa bình ổn định phát triển đất nước”, ông nói.

  • “Cứ vi phạm là có thể xin được, hoặc không xin được thì có thể hối lộ”

    Liên quan đến tình hình vi phạm an toàn giao thông, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho rằng còn nhiều chủ thể liên đới chưa được xử lý nghiêm. Thứ nhất, một số đơn vị đào tạo, sát hạch lái xe nắm bắt tâm lý của một bộ phận người dân không muốn học mà có bằng nên đã cắt xén chương trình dạy, hoặc dạy tiểu xảo để thi đỗ. Tình trạng người dân phía nam đăng ký thi bằng lái ở phía bắc khiến bà đặt nghi vấn “phải chăng có cơ sở dễ dãi hơn”.

    Bà nhận định, phải điều tra bằng chuyên án thì mới phát hiện được những cơ sở vi phạm, vì “các hồ sơ đều đã được làm tròn”.

    Thứ hai, một số cơ sở kinh doanh vận tải chỉ chú trọng lợi nhuận mà không quan tâm đến sức khỏe và khả năng đáp ứng của lái xe, vô trách nhiệm với vai trò của người cầm lái. Thứ ba, bà nêu thực trạng chỉ cần bỏ ra 200.000 đồng và cung cấp thông tin chiều cao, cân nặng là đã nhận được giấy khám sức khỏe đủ điều kiện lái xe. Điều này dẫn đến tình trạng người dương tính với ma túy, người bị tâm thần vẫn được cấp giấy phép lái xe như ở các tỉnh Hòa Bình, Đăk Nông.

    Cuối cùng, những tiêu cực trong lực lượng thanh tra giao thông cũng được đại biểu này đề cập, tiêu biểu là vụ án nghiêm trọng liên quan đến 7 thanh tra giao thông nhận tiền từ 57 doanh nghiệp kinh doanh vận tải. “Thực tế này đã góp phần hình thành suy nghĩ cứ vi phạm là có thể xin được, hoặc không xin được thì có thể hối lộ”, bà bày tỏ suy nghĩ.

  • Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên thảo luận. Ảnh: Minh Quân.

    quoc hoi thao luan kinh te xa hoi anh 1

  • ‘Việt Nam tăng trưởng nhanh nhưng chưa hóa rồng, hóa hổ’

    Đại biểu Hoàng Quang Hàm cho rằng cách đây hơn 30 năm, khi bắt đầu đổi mới, mở cửa, Việt Nam có GDP bình quân đầu người 100 USD thì thế giới bình quân là hơn 4.000 USD. Đến 2017, Việt Nam khoảng 2.385 USD thì thế giới khoảng 10.700USD; năm 2018 Việt Nam khoảng 2.590 thì thế giới khoảng 11.000. Tăng trưởng của Việt Nam là nhanh, bình quân 7%/năm trong hơn 20 năm, giai đoạn này thấp hơn 7% nhưng vẫn là cao so với khu vực và thế giới. Tuy nhiên, xét về số tuyệt đối thì GDP của thế giới ngày một cách xa so với Việt Nam.

    Cách đây 30 năm, GDP bình quân đầu người của thế giới hơn Việt Nam 3.900 USD, nhưng đến nay khoảng cách đã là hơn 8.000, gấp đôi, và khoảng cách vẫn tăng qua các năm (2017 khoảng cách là khoảng 8.300; 18 khoảng 8.400).

    “Nói cách khác, Việt Nam đi được nhiều bước, có lúc tốc độ tăng trưởng cao vào tốp đầu của khu vực và thế giới, song đó là những bước ngắn, nên vẫn tụt hậu so với nhiều quốc gia khác trên thế giới dù bước chậm, nhưng lại đi được những bước dài hơn. Kinh tế phát triển nhanh, ổn định nhưng Việt Nam vẫn là quốc gia có thu nhập trung bình thấp, chưa hóa rồng, hóa hổ”, ông nói.

    'Việt Nam vẫn chưa hóa rồng, hóa hổ' Đại biểu Hoàng Quang Hàm cho rằng kinh tế phát triển nhanh, ổn định nhưng Việt Nam vẫn là quốc gia có thu nhập trung bình thấp, chưa hóa rồng, hóa hổ.
  • “Có cán bộ y tế phải bỏ mạng khi đang cấp cứu cho bệnh nhân”

    Đại biểu Vũ Thị Nguyệt (Hưng Yên) nói về mối nguy cơ và thiếu an toàn của môi trường hành nghề y tế, cụ thể là vấn đề hành hung, bạo lực tại các cơ sở y tế.Ở Việt Nam, từ năm 2010 đến năm 2017, có 22 vụ hành hung y, bác sỹ. Trong năm 2018 có 3 vụ đặc biệt nghiêm trọng. Đối tượng bị tấn công chủ yếu là bác sỹ, điều dưỡng.

    “Thật không quá khi đồng nghiệp của tôi nhận định rằng đây thực sự là một nghề nguy hiểm. Hậu quả của các vụ hành hung từ gây hư hại tài sản của cơ sở y tế đến gây tổn hại đến sức khỏe tâm lý nhân viên y tế. Thậm chí có cán bộ y tế phải bỏ mạng khi đang cấp cứu cho bệnh nhân”, bà Nguyệt nói.

    Vị đại biểu tỉnh Hưng Yên đề xuất cần tổ chức các lớp tập huấn về giao tiếp ứng xử, kỹ năng xử lý cho các cán bộ y tế. Đồng thời, cần tăng cường các biện pháp an ninh tại các vị trí có nguy cơ cao về mất an ninh trật tự.

    quoc hoi thao luan kinh te xa hoi anh 2

  • Đề xuất nâng mức phạt vi phạm an toàn giao thông

    Đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) nêu quan ngại về vấn đề vi phạm hành chính, coi thường pháp luật trong an toàn giao thông. Theo bà, nguyên nhân chủ yếu là ý thức của người tham gia giao thông. Điều này có thể thấy rõ qua những vụ tai nạn do sử dụng ma túy, rượu bia. Do đó, bà đưa ra 7 đề xuất với Chính phủ, trong đó chú trọng rà soát quy hoạch hệ thống hạ tầng giao thông và các khu dân cư, quy định cụ thể trách nhiệm của các lực lượng chức năng và xem xét nâng mức phạt đối với các vi phạm.

  • Không được tự chủ tiền lương, bệnh viện khó giữ bác sỹ giỏi

    Sau phần giải lao 20 phút, các đại biểu tiếp tục phiên thảo luận. 

    Đại biểu Bùi Thu Hằng (Hòa Bình) xin tham gia ý kiến về vấn đề tự chủ tại bệnh viện công lập. Theo bà Hằng, thực hiện cơ chế tự chủ đem lại nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên, vẫn tồn tại một số bất cập, vướng mắc.

    Thứ nhất, các bệnh viện tự chủ 100% kinh phí chi thường xuyên chưa được phân quyền tự chủ trong việc chi trả tiền lương dẫn đến khó khăn trong việc giữ các bác sỹ giỏi và có năng lực.

    Thứ hai, việc thực hiện tự chủ đối với các bệnh viện tuyến huyện, đặc biệt là khu vực vùng núi, vùng sâu vùng xa gặp rất nhiều khó khăn do người dân có mức sống chưa cao và khả năng tiếp cận với dịch vụ y tế còn hạn chế.

    Thứ ba, quy định về tỷ lệ nhân viên y tế trên số giường bệnh không còn phù hợp.Bà Hằng đề xuất Chính phủ tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về xã hội hóa, trong đó có nội dung về cơ chế tự chủ đối với bệnh viện công lập. Đồng thời, Bộ Y tế và các bộ liên quan tăng cường năng lực quản lý của lãnh đạo bệnh viện, nâng cao trách nhiệm giải trình và đảm bảo tính công khai minh bạch trong quản lý.

    Ảnh: Minh Quân.

    quoc hoi thao luan kinh te xa hoi anh 3

  • Bệnh viện tự chủ 100% khó giữ bác sỹ giỏi

    Đại biểu Bùi Thu Hằng (Hòa Bình) phát biểu về vấn đề tự chủ tại bệnh viện công lập. Theo bà Hằng, thực hiện cơ chế tự chủ đem lại nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên, vẫn tồn tại một số bất cập, vướng mắc.

    Thứ nhất, các bệnh viện tự chủ 100% kinh phí chi thường xuyên chưa được phân quyền tự chủ trong việc chi trả tiền lương dẫn đến khó khăn trong việc giữ các bác sỹ giỏi và có năng lực.

    Thứ hai, việc thực hiện tự chủ đối với các bệnh viện tuyến huyện, đặc biệt là khu vực vùng núi, vùng sâu, vùng xa gặp rất nhiều khó khăn do người dân có mức sống chưa cao và khả năng tiếp cận với dịch vụ y tế còn hạn chế.

    Thứ ba, quy định về tỷ lệ nhân viên y tế trên số giường bệnh không còn phù hợp.

    Bà Hằng đề xuất Chính phủ tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về xã hội hóa, trong đó có nội dung về cơ chế tự chủ đối với bệnh viện công lập. Đồng thời, đại biểu mong muốn Bộ Y tế và các bộ liên quan tăng cường năng lực quản lý của lãnh đạo bệnh viện, nâng cao trách nhiệm giải trình và đảm bảo tính công khai minh bạch trong quản lý.

  • Cần nghiêm túc quản lý các ấn phẩm du lịch, điện ảnh

    Đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội) cho rằng văn hóa chưa được coi trọng tương xứng với tiềm lực kinh tế đang phát triển của đất nước. Bà chỉ ra vấn đề xuống cấp về đạo đức, lối sống và hạn chế trong quản lý, đầu tư phát triển, bảo vệ các di tích quốc gia, cũng như sự thiếu hiệu quả trong sắp xếp bộ máy các đơn vị sự nghiệp công lập. Đặc biệt, tình trạng quản lý các ấn phẩm du lịch, điện ảnh còn lỏng lẻo, tạo cơ hội cho các lực lượng thù địch lợi dụng cũng được vị đại biểu này lưu ý.

    quoc hoi thao luan kinh te xa hoi anh 4

    Về vấn đề giáo dục, bà đề nghị Chính phủ xem xét lại công tác tổ chức kì thi THPT Quốc gia, đặc biệt là vấn đề thi trắc nghiệm đối với môn Toán. Theo bà, hình thức thi này khiến tư duy logic bị xem nhẹ, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục của đất nước.


  • Đầu tư công chậm phải chăng là chưa thỏa thuận được tỷ lệ ăn chia?

    Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) cho rằng vấn đề giải ngân vốn đầu tư chậm, chậm xây dựng các công trình trọng điểm là điệp khúc “biết rồi nói mãi”. Ông nhấn mạnh năm nào Chính phủ cũng nêu vấn đề này vào hạn chế yếu kém.

    “Tôi thấy lạ là càng khắc phục thì kết quả càng tồi tệ hơn”, ông nói.

    quoc hoi thao luan kinh te xa hoi anh 5

    Đại biểu Hận đặt câu hỏi phải chăng chậm đầu tư công là do thắt chặt thủ tục đầu tư, do công khai minh bạch, do kết quả chống tham nhũng gần đây đạt kết quả tốt và đề nghị Chính phủ làm rõ.

    “Đầu tư công chậm phải chăng là do kết quả chống tham nhũng gần đây đạt kết quả tốt làm mất động lực của các chủ đầu tư, hay chưa thỏa thuận được tỷ lệ ăn chia, hay còn những nguy cơ gì khác? Điều này cần làm Chính phủ quan tâm làm rõ, không để có dư luận không hay, không tốt cho đầu tư công?”, ông nói.


  • Đề xuất kinh tế tư nhân xây dựng hạ tầng, sân bay, đường cao tốc

    Đại biểu Nguyễn Như So (Bắc Ninh) khẳng định kinh tế tư nhân là động lực đóng góp cho nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, kinh tế tư nhân phát triển dưới dạng tiềm năng, chưa bứt phá được để trở thành trụ cột mới của nền kinh tế.

    Đại biểu đoàn Bắc Ninh cho rằng cần nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế tư nhân. Thời gian qua, có một số văn bản hỗ trợ kinh tế tư nhân nhưng phần lớn doanh nghiệp không thể tiếp cận, hưởng thụ nguồn ưu đãi đã được quy định.

    Theo ông So, phải có sự đột phá về cơ chế chính sách, cần tập trung phát triển nguồn nhân lực thông qua đổi mới các mảng, hoàn thiện giáo dục, đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy hoàn thiện cơ chế thị trường, xây dựng quảng bá thương hiệu, tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, giúp kinh tế tư nhân nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới.

    Nhà nước phải đẩy mạnh khuyến khích, hỗ trợ, nâng cao năng lực quản trị, trình độ công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu chuyển giao công nghệ giúp doanh nghiệp tư nhân phát triển bền vững. Qua đó, mang lại thu hút kinh tế tư nhân, tham gia sâu vào lĩnh vực mà lâu nay vốn độc quyền của Nhà nước, như thiết kế, xây dựng hạ tầng, sân bay, đường cao tốc…

    “Thực tế cho thấy đầu tư từ nguồn vốn tư nhân là hiệu quả, nhanh chóng hơn, tránh được hiện tượng tiêu cực”, ông So nói.

    Cũng theo ông So, cần phải đặt kinh tế tư nhân là động lực lớn, lan tỏa, lôi kéo các thành phần kinh tế khác, nhất là thành phần kinh doanh nhỏ lẻ; thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn, hình thành trục liên kết theo chuỗi, hỗ trợ tính thị trường. “Tư nhân được hưởng lợi, có việc làm, thực lực của nền kinh tế Việt Nam cũng tăng lên. Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, chúng ta cần xây dựng thương hiệu quốc gia ghi dấu ấn trên bản đồ kinh tế thế giới, trở thành niềm tự hào của người Việt”, đại biểu đoàn Bắc Ninh nhấn mạnh.

    Ông Nguyễn Như So là một trong những đại biểu doanh nhân tại Quốc hội khóa này. Ông là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dabaco. Ảnh: Minh Quân.

    quoc hoi thao luan kinh te xa hoi anh 6


  • “Đừng để người dân phải chịu trách nhiệm vì sự tắc trách của chính quyền"

    Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) chỉ ra nguyên nhân bất cập trong việc xây dựng và thực thi hệ thống pháp luật. Theo đó, tinh thần kiến tạo, đổi mới của Chính phủ chưa được đề cao, còn các cơ quan, tổ chức thì đùn đẩy trách nhiệm. Tình trạng thiếu chặt chẽ trong quản lý nhà nước cũng dẫn đến nhiều hệ lụy, tiêu biểu là các sự việc như vi phạm của Công ty Alibaba, vụ cháy nhà máy phích nước Rạng Đông và ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt.

    “Đừng để người dân phải chịu trách nhiệm vì sự tắc trách của chính quyền”, ông Hiền nói.

    Ngoài ra, ông cũng lưu tâm đến vấn đề tách nhập, thay đổi mô hình ở địa phương diễn ra liên tục nhưng chưa hiệu quả trong thời gian qua. Vị này bày tỏ mong muốn Chính phủ tập trung xử lý, nghiên cứu giải pháp phù hợp với từng lĩnh vực, địa phương.

  • Cần thu hút người tài trong xây dựng pháp luật

    Đại biểu Hoàng Văn Trà (Phú Yên) tập trung nói về những bất cập trong việc xây dựng pháp luật hiện nay. Ông nhấn mạnh nguyên tắc xây dựng pháp luật phải vừa đảm bảo tính hợp hiến, vừa đồng bộ, sát thực tế, dễ thực hiện. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, Việt Nam chưa có hệ thống pháp luật như vậy.

    Ông nêu thực trạng nhiều lĩnh vực còn thiếu luật, thiếu văn bản pháp luật để điều chỉnh, nhiều luật còn thiếu tính thống nhất với nhau. Thậm chí, thiếu đồng bộ thống nhất trong cùng một luật. Trong khi đó, chất lượng ban hành văn bản pháp luật chưa tốt, thậm chí phải có văn bản hướng dẫn, dưới luật mới thực hiện được.

    Ông đề nghị Chính phủ tập trung nhân lực, vật lực, nâng cao chất lượng làm luật. Cần có quy định, thậm chí chế tài xử phạt trong quá trình làm luật. Cần xây dựng đội ngũ cán bộ giỏi, thu hút người tài trong việc xây dựng pháp luật.

  • "Tránh tình trạng đời cha ăn mặn, đời con khát nước"

    Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) cho rằng các khoản thu ngân sách nhà nước từ thuế, phí và doanh nghiệp còn thấp, chưa phản ánh đúng sự phát triển kinh tế đất nước. Trong khi đó, sự phân bổ chi ngân sách nhà nước ở một số địa phương chưa đúng quy định, tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư vẫn diễn ra. Do đó, ông đề nghị Chính phủ quan tâm nghiên cứu các nguyên nhân cụ thể để sớm tìm ra giải pháp khắc phục.

    Đồng thời, các vấn đề liên quan đến giao dịch bất động sản như phát triển nhà ở cho người lao động thu nhập thấp hay đảm bảo chủ đầu tư thực hiện đúng cam kết với người mua nhà, giải quyết quyền lợi giữa các bên chủ đầu tư, nhà thầu và người dân cũng được đại biểu nêu lên trước Quốc hội.

    Đại biểu Nguyễn Thanh Hải còn bày tỏ quan ngại trước tình trạng đầu cơ, thổi giá tại một số tỉnh, thành trọng điểm, gây nguy cơ đổ vỡ nền kinh tế theo hiệu ứng domino như trước đây. Ngoài ra, vấn đề nhức nhối về thiếu nước sạch trong sinh hoạt, thực trạng quá tải trong khai thác nước ngầm cũng được ông nhắc đến. “Cần tránh tình trạng đời cha ăn mặn, đời con khát nước”, ông chia sẻ.

  • Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung: “Trâu bò đánh nhau ruồi muỗi chết”

    Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) cho rằng kinh tế thế giới diễn biến phức tạp nhưng tăng trưởng được cải thiện, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh, Việt Nam là nhóm nước tăng trưởng cao nhất ASEAN, kinh tế có nhiều điểm sáng.

    Tuy nhiên, ông Lộc cho rằng nếu nhìn 2020, mục tiêu tăng trưởng 6,8% là rất gian nan, trong bối cảnh thương mại giảm thấp, suy thoái kinh tế toàn cầu. Nhất là trong bối cảnh kinh tế Việt Nam phụ thuộc 2 nguồn chính là đầu tư nước ngoài và xuất khẩu.

    Ông Lộc cảnh báo một số nguy cơ với nền kinh tế. Theo đó, ngành chế biến chế tạo đang có tỷ lệ hàng tồn kho lớn chưa từng có. Tính đến ngày 30/9, tỷ lệ hàng tồn kho khu vực này là 17,3%. Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung cũng là một trong những nguy cơ xấu ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam.

    “Trâu bò đánh nhau ruồi muỗi chết. Tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam đang tăng 8,2%, chỉ bằng phân nửa tốc độ tăng cùng kỳ, bằng 1/3 vào những năm trước đó. Cơ cấu xuất khẩu có những bất lợi, khi xuất sang EU, Nhật Bản giảm tốc, nhưng vào Mỹ là tăng nhưng tiềm ẩn nhiều lo ngại”, ông Lộc nói.

    quoc hoi thao luan kinh te xa hoi anh 7

    Ông Lộc nhấn mạnh Việt Nam là một trong 6 quốc gia xuất siêu nhiều nhất vào Mỹ. Trong khi đó, hầu hết quốc gia xuất siêu cao vào Mỹ đều bị nước này trừng phạt.

    “Ai dám chắc chúng ta không bị trừng phạt khi xuất siêu vào Mỹ?”, ông Lộc đặt câu hỏi.

    Chủ tịch VCCI cũng nêu vấn đề thu hút FDI từ các nước như Nhật Bản và Hàn Quốc đang giảm, trong khi tăng đột biến ở đầu Hong Kong, Đài Loan, Trung Quốc. Ông cho rằng đây là những nguồn FDI không bền vững.

    Vị đại biểu Thái Bình cho rằng động lực chính tăng trưởng trong thời gian tới là nâng cao sức cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, 3 năm liên tiếp nguồn thu từ doanh nghiệp không đạt chỉ tiêu, chứng tỏ cộng đồng doanh nghiệp đang khó khăn. Do đó, ông đề nghị cải cách mạnh mẽ hơn nữa điều kiện kinh doanh, thể chế, để doanh nghiệp phát triển, nếu không thì Việt Nam có nguy cơ tụt hậu.

    'Ai dám chắc chúng ta không bị trừng phạt khi xuất siêu vào Mỹ?' Đại biểu Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh Việt Nam là một trong 6 quốc gia xuất siêu nhiều nhất vào Mỹ. Trong khi đó, hầu hết quốc gia xuất siêu cao vào Mỹ đều bị nước này trừng phạt.

  • Đại biểu Tống Thanh Bình (Lai Châu) đặt vấn đề chậm phân bổ nguồn vốn trong xây dựng tuyến giao thông kết nối Lai Châu với cao tốc Nội Bài, Lào Cai và tuyến Nghĩa Lộ (Yên Bái). Đây là 2 tuyến đường quan trọng đã được Chính phủ hoàn thành kí kết hiệp định vay vốn, nhưng cho đến nay vẫn chưa được bố trí vốn để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Do đó, đại biểu Tống Thanh Bình đề nghị Chính phủ chỉ đạo bố trí nguồn vốn hiệu quả, đảm bảo khởi công dự án trong quý IV/2020 theo đúng tiến độ.

    Ngoài ra, ông cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT phối hợp với Bộ Tài chính sớm hoàn thành công tác điều chuyển tài sản, hạ tầng giao thông các tuyến đường từ tỉnh lộ thành quốc lộ các tuyến Mường Nhé qua Pắc Ma – Mường Tè – Pa Tần (quốc lộ 4H) và tuyến Mường Kim - Huội Quảng (quốc lộ 279D) trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

  • 3 rào cản cho phát triển nông nghiệp

    Đại biểu Lưu Thành Công (Vĩnh Long) nêu những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp và đưa ra giải pháp, mục tiêu phát triển.

    Theo ông Công, rào cản lớn nhất trong sản xuất, canh tác nông nghiệp là sự ngăn cách thông tin giữa nông dân và thị trường. Hiện nay, người nông dân không nhận được thông tin chính thống mà phụ thuộc vào phần nhiều vào thương lái.

    Nếu để tình trạng này tiếp tục diễn ra, bi kịch kêu cứu về hàng nông sản vẫn sẽ còn tiếp diễn.

    Rào cản thứ 2 đối với sản xuất nông nghiệp là việc tích tụ ruộng đất và tập trung ruộng đất. Bên cạnh đó, tư duy kinh tế còn nhỏ lẻ. “Hiện nay, chúng ta còn chưa phân rõ tỉnh nào sẽ làm đầu tàu trong kinh tế vùng”, ông Công nói.

    Cuối cùng là rào cản về tư duy kinh tế nhỏ lẻ. Ông đánh giá các địa phương vẫn chưa chuyển được từ tư duy kinh tế tỉnh sang kinh tế vùng. Hiện mỗi tỉnh làm một kiểu, dàn hàng ngang ra làm, thậm chí cạnh tranh lẫn nhau.

    "Do vậy Chính phủ cần có chính sách căn cơ hơn phát triển kinh tế vùng, nhằm chuyển dần từ tư duy phát triển nông nghiệp thuần tuý là trồng lúa, chạy theo số lượng sang chất lượng, hướng đến nền nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ"

    Đại biểu đoàn Vĩnh Long cũng đề nghị Chính phủ sớm có một chương trình tổng thể thực hiện nghị quyết 120 của Chính phủ. Đồng thời, sớm thành lập ban chỉ đạo hoặc ban điều phối để thực hiện các nhiệm vụ nhằm tăng cường sự liên kết giữa các địa phương.

    quoc hoi thao luan kinh te xa hoi anh 8

  • Bà Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) đề cập tới giải quyết vướng mắc liên quan tới thi công đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

    Bà phân tích sau khi hoàn thành dự án này, việc hoàn trả các tuyến đường địa phương bị hỏng vẫn chưa hoàn chỉnh, dù năm 2018 Bộ Giao thông Vận tải đã có nhiều công văn đốc thúc chủ đầu tư là Tổng công ty đường cao tốc Việt Nam (VEC).

    Đại biểu đề nghị Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu VEC khẩn trương hoàn thành các tuyến đường dân sinh bị hư hỏng.

    Nêu về chỉ tiêu về chăm sóc, bảo vệ trẻ em, bà Trang băn khoăn việc báo cáo nhấn mạnh chuyện phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em, nhưng lại thiếu bàn sâu về việc chăm sóc và bảo vệ trẻ.

  • Thủ tướng yêu cầu thành viên Chính phủ chủ động giải trình

    Theo thông tin từ Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các thành viên Chính phủ tham dự đầy đủ các phiên thảo luận của Quốc hội về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước tại Hội trường từ ngày 30/10 - 1/11/2019.

    Thủ tướng cũng yêu cầu các thành viên Chính phủ chủ động đăng ký phát biểu và giải trình, làm rõ những vấn đề thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ, ngành mình được đại biểu Quốc hội nêu tại các phiên thảo luận.

    Ngay khi Quốc hội bắt đầu thảo luận kinh tế - xã hội, 105 đại biểu đăng ký phát biểu. Người điều hành phiên họp đề nghị các đoàn đông đại biểu như Hà Nội, TP.HCM sẽ có 3 đại biểu phát biểu, với các tỉnh như Thanh Hóa, Nghệ An sẽ có 2 đại biểu ở vòng phát biểu ban đầu.

  • Việt Nam dự kiến hoàn thành và vượt toàn bộ chỉ tiêu

    Ngày 21/10, báo cáo trước Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết năm nay, Việt Nam sẽ hoàn thành toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

    “Dự kiến đây là năm thứ 2 liên tiếp đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch”, ông nói.

    Thủ tướng cho biết tăng trưởng kinh tế vượt mục tiêu đề ra trong khi vẫn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô vững chắc hơn, lạm phát được kiểm soát tốt và các cân đối lớn của nền kinh tế được củng cố, mở rộng. Đời sống của nhân dân trên mọi miền đất nước đều chuyển biến rõ nét.

    quoc hoi thao luan kinh te xa hoi anh 9

    Mô hình tăng trưởng chuyển dịch tích cực, giảm dần phụ thuộc vào khai khoáng và tăng tín dụng; đóng góp của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngày càng tăng.Tốc độ tăng GDP cả năm ước đạt trên 6,8%, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao hàng đầu khu vực, thế giới. Năng suất lao động tăng 5,9%; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đạt 42,7%.

    Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dưới 3%, thấp hơn mục tiêu đề ra. Thị trường tài chính, tiền tệ và tỷ giá được điều hành chủ động, linh hoạt và duy trì ổn định phù hợp; dự trữ ngoại hối đạt khoảng 73 tỷ USD.

    Hệ số tín nhiệm quốc gia được nâng hạng từ BB- lên BB với triển vọng “tích cực”. Tổng thu ngân sách vượt 3,3% dự toán; tỷ trọng chi đầu tư phát triển tăng, đạt 26,6%; bội chi ngân sách khoảng 3,4% GDP; nợ công giảm còn 56,1% GDP (năm 2016 là 64,6% GDP).

     


Chính phủ dự kiến hoàn thành 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao năm 2019

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết năm nay dự kiến có 5 chỉ tiêu vượt và 7 chỉ tiêu đạt mức mà Quốc hội giao.


Nhóm phóng viên

Bạn có thể quan tâm