Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Cần chính sách cụ thể để công nghiệp hỗ trợ Việt Nam trở lại đường đua

Là một trong những ngành công nghiệp quan trọng, nhưng công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn và chưa có cơ chế chính sách rõ ràng để phát triển tương xứng.

Theo số liệu của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), hiện cả nước có hơn 6.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, với hơn 4.800 sản phẩm công nghiệp hỗ trợ và hơn 2.300 sản phẩm đã được sản xuất hoàn chỉnh từ doanh nghiệp nội địa. Trong đó, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, ô tô, dệt may, da giày, điện tử…

Hiện số lượng doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành công nghiệp hỗ trợ chiếm gần 4,5% tổng số doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và giải quyết việc làm cho hơn 600.000 lao động, chiếm 8% lao động toàn ngành chế biến, chế tạo.

Ở một số ngành, lĩnh vực, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước đang được nâng lên rất nhanh, tỷ lệ nội địa hóa trong ngành theo đó cũng được cải thiện.

Hiện tỷ lệ nội địa hóa của các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực dệt may, da giày vào khoảng 45-50%; lĩnh vực cơ khí chế tạo đạt 15-20%; lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô đạt 5-20%...

Riêng một số lĩnh vực sản xuất linh kiện xe đạp, xe máy; linh kiện cơ khí tiêu chuẩn; linh kiện nhựa - cao su... doanh nghiệp Việt Nam đã đáp ứng được hầu hết nhu cầu trong nước và xuất khẩu ra thế giới.

Ở lĩnh vực điện tử, nếu như năm 2014, Việt Nam chỉ có 25 doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất của Samsung với vai trò là nhà cung ứng cấp 1-2, thì đến cuối năm 2023, số lượng này đã tăng lên 306 doanh nghiệp.

chinh sach cong nghiep anh 1

Thaco Industries đang là đối tác cung cấp linh kiện OEM cho chuỗi giá trị của Toyota, đáp ứng tiêu chuẩn toàn cầu. Ảnh: Thaco Industries.

Ở lĩnh vực cơ khí – ô tô, hiện Việt Nam có khoảng 12 doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị của Toyota với vai trò nhà cung ứng cấp 1. Trong đó, Thaco Industries đang là đối tác cung cấp linh kiện OEM cho chuỗi giá trị này, đáp ứng các tiêu chí trong quy trình sản xuất, và tiêu chuẩn toàn cầu.

Cũng theo số liệu của Bộ Công Thương, đến nay, số lượng doanh nghiệp Việt tham gia làm nhà cung ứng cấp 1 cho các tập đoàn đa quốc gia vào khoảng 100 doanh nghiệp, nhà cung ứng cấp 2-3 có khoảng 700 doanh nghiệp.

Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ gặp khó

Dù đã có nhiều nỗ lực trong những năm gần đây, song các chuyên gia cho rằng ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước vẫn còn khá non yếu và đang gặp nhiều khó khăn về cả thị trường và cơ chế chính sách, đặc biệt sau khi dịch Covid-19 bùng phát.

Theo Cục Công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ Việt Nam hiện vẫn tồn tại một số hạn chế như: sản phẩm còn đơn giản, hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm. Tỷ lệ nội địa hóa các ngành như điện tử khoảng 5-10%; ô tô khoảng 5-20% là thấp so với các quốc gia khác trong khu vực.

Theo các chuyên gia, tỷ lệ nội địa hóa phản ánh mức độ tham gia chuỗi cung ứng của doanh nghiệp trong nước. Do đó, ở các ngành công nghiệp mũi nhọn như điện tử, ô tô dù nhiều doanh nghiệp Việt đã gia nhập được vào chuỗi giá trị toàn cầu, nhưng tỷ lệ nội địa hóa chưa cao nên chưa đạt được hiệu quả tương xứng.

chinh sach cong nghiep anh 2

Tỷ lệ nội địa hóa ô tô khoảng 5-20% là thấp so với các quốc gia khác trong khu vực.

Ngoài ra, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam còn một số hạn chế về năng lực tổ chức quản lý sản xuất và công nghệ kỹ thuật; thiếu nguồn lực, vốn để đầu tư công nghệ mới…

Theo ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam gặp nhiều khó khăn hơn trong năm 2023, đơn hàng sụt giảm tại nhiều thị trường chính như châu Âu, Bắc Mỹ đã khiến doanh thu bình quân của doanh nghiệp trong ngành giảm 40%.

Bên cạnh đó, Chủ tịch VASI còn cho biết: doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước còn đang đối mặt với làn sóng đổ bộ của doanh nghiệp Trung Quốc vào Việt Nam với quy mô lớn, kéo theo hệ thống các công ty con, hình thành chuỗi sản xuất cụm chi tiết để xuất khẩu ra thế giới tránh hàng rào thuế quan nhắm vào hàng hóa Trung Quốc.

Trong khi đó, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước đang gặp 2 vấn đề lớn là vốn và chi phí.

Nói về khó khăn của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt, ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội cho rằng: các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ và vừa, đang thiếu nguồn vốn, công nghệ, thậm chí cần hỗ trợ cả về công tác xúc tiến thương mại, bán hàng. Những thiếu thốn này dẫn đến khả năng cạnh tranh của sản phẩm chưa cao, khó đáp ứng được các đơn đặt hàng lớn từ nước ngoài.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng nhấn mạnh Việt Nam hiện vẫn đang thiếu hành lang pháp lý để gia tăng năng lực cạnh tranh của nhóm doanh nghiệp trong nước.

Cần giải pháp cụ thể

Để nâng cao trình độ, năng lực sản xuất của ngành công nghiệp hỗ trợ, theo các chuyên gia, Nhà nước cần bố trí nguồn lực đủ lớn để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt. Trong đó, cần bố trí đủ nguồn kinh phí sự nghiệp nhằm thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ theo quyết định của Thủ tướng ban hành năm 2018.

chinh sach cong nghiep anh 5

Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp hạ nguồn, gồm các ngành sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh.

Đồng thời khuyến khích các địa phương xây dựng chính sách, chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ riêng. Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp hạ nguồn, gồm các ngành sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh.

Ông Nguyễn Vân cho rằng, trước hết cần giải quyết câu chuyện vốn để các doanh nghiệp đầu tư công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất. Các ngân hàng cần quan tâm để các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ được tiếp cận nguồn vốn tốt, thời hạn cho vay dài, bởi nhiều doanh nghiệp ngành này phải đầu tư dài hạn mới có lãi.

Tương tự, ông Phan Đăng Tuất chia sẻ, để ngành công nghiệp hỗ trợ vượt qua khó khăn trước mắt và phát triển bền vững, Bộ Công Thương cần có cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ phù hợp về cả thuế, phí và ưu đãi đầu tư.

Đồng thời, Bộ cũng cần sớm hoàn thiện, đề xuất xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm, mục tiêu là để tạo hành lang pháp lý, thu hút đầu tư và thúc đẩy xây dựng nền công nghiệp tự chủ.

Ngoài ra, đại diện VASI cũng kiến nghị cần có luật riêng cho công nghiệp hỗ trợ, với các chính sách ưu đãi mang tính đặc thù, làm cơ sở để thúc đẩy công nghiệp hóa.

Từ góc độ cơ quan quản lý, ông Ngô Khải Hoàn, Phó cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, việc xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm sẽ tạo ra những điều kiện thuận lợi để các ngành công nghiệp trọng điểm cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường quốc tế.

Các ngành dự kiến được xác định trọng điểm sẽ là công nghiệp hỗ trợ cho các ngành dệt may, da giày, điện tử, sản xuất lắp ráp ô tô, cơ khí chế tạo, công nghệ cao; công nghiệp vật liệu, luyện kim; công nghiệp cơ khí; công nghiệp điện tử; công nghiệp thực phẩm, sinh học…

Hiện tại, Bộ Công Thương cũng đang xúc tiến đầu tư ở các thị trường trong và ngoài nước, tìm kiếm thị trường cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.

Về lâu dài, Bộ sẽ tiếp tục tư vấn Chính phủ ban hành các chính sách hoàn thiện cơ chế thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Đồng thời, hình thành các khu, cụm công nghiệp hỗ trợ với sự xuất hiện của các doanh nghiệp đầu tàu dẫn dắt và hình thành các dịch vụ cho các khu, cụm công nghiệp đó.

Phạm Mỹ

Bạn có thể quan tâm