Ngành cơ khí Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng sau quá trình đổi mới, tiêu biểu là sự xuất hiện của các doanh nghiệp tiên phong. Tuy nhiên, bên cạnh những dấu hiệu tích cực, vẫn tồn tại không ít doanh nghiệp cơ khí dần tụt hậu, thua lỗ. Thiếu vốn đầu tư, số lượng đơn hàng ít, chất lượng sản phẩm chưa cao, phụ thuộc nguyên liệu đầu vào, giá cả thiếu cạnh tranh, chảy máu nhân sự... là những bài toán đặt ra cho các bộ, ngành cũng như nhiều chủ doanh nghiệp cơ khí tại Việt Nam.
“Mảnh đất màu mỡ” chưa được khai thác triệt để
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng hiện là nhóm hàng xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam, với giá trị kim ngạch năm 2022 đạt 45,72 tỷ USD. Trong khi đó, nhóm hàng phương tiện vận tải và phụ tùng có giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 12,06 tỷ USD. Riêng 2 nhóm hàng này đã chiếm tới 15,6% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Dư địa lớn tạo đà để nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư nhằm nâng cao năng lực sản xuất, chú trọng phát triển các dòng sản phẩm chất lượng, phục vụ doanh nghiệp đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI), hướng đến xuất khẩu sản phẩm cơ khí... Nhiều doanh nghiệp thậm chí ngày càng mở rộng thị trường xuất khẩu của mình, điển hình là Thaco với ôtô, xe máy và loạt linh kiện như khung ghế xe đua, nhíp, két dàn nóng, thùng xe, bồn xe chuyên dụng, cần cẩu xe tải... sang các thị trường trọng điểm như Bắc Mỹ, Bắc Âu, Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản...
Nhiều doanh nghiệp lớn tại Việt Nam mạnh dạn đầu tư để mở rộng thị trường xuất khẩu. |
Không thể phủ nhận những dấu hiệu tích cực, song trên thực tế, đại diện Hiệp hội Cơ khí Việt Nam cho biết con số xuất nhập khẩu của ngành lớn, nhưng hầu hết nằm trong khối doanh nghiệp FDI, còn tỷ trọng của doanh nghiệp nội địa vẫn khiêm tốn. Năm 2022, thị trường sản phẩm cơ khí suy giảm khoảng 20% đơn hàng, có doanh nghiệp suy giảm tới 30-40%.
Bức tranh ảm đạm nói trên không tương xứng với tiềm năng hiện có, khi Việt Nam đã sản xuất nhiều sản phẩm cơ khí đạt chất lượng tốt, tương đương các quốc gia trong khu vực ASEAN như: Khuôn mẫu các loại, linh kiện cơ khí, dây cáp điện, linh kiện nhựa, cao su kỹ thuật...
Xuất khẩu sản phẩm cơ khí là “mảnh đất màu mỡ” chưa được khai thác triệt để. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định các doanh nghiệp đang đứng trước cơ hội lớn để chiếm lĩnh thị trường này, nhưng đòi hỏi sự chủ động thích ứng, đa dạng hóa sản phẩm và đáp ứng nhu cầu cao từ đối tác.
Các doanh nghiệp cơ khí Việt đứng trước cơ hội chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu. |
Đơn cử như 3 thị trường có nhiều tiềm năng là UAE, Mỹ và Nhật Bản. UAE là thị trường dễ tiếp cận do không có quá nhiều tiêu chuẩn phức tạp kèm giá thành tốt, nhưng tồn tại hạn chế ở khâu thanh toán. Mỹ có nhu cầu nhập khẩu đa dạng sản phẩm như máy công nghiệp, máy bay dân dụng, máy tính, phụ kiện bán dẫn, máy móc nông nghiệp, ôtô và phụ tùng ôtô - thế mạnh của Việt Nam - nhưng đòi hỏi cao. Trong khi đó, Nhật Bản đang thực hiện chính sách mới để tránh phụ thuộc nguồn cung vào Trung Quốc và mở rộng sang khối ASEAN.
Giải bài toán từ những cú bắt tay
Không khó để lý giải vì sao thị trường ngoại giàu tiềm năng như vậy nhưng chưa thể khai thác triệt để. Bởi lẽ, ngành cơ khí Việt Nam đang thua thiệt ngay trên “sân nhà”.
Các doanh nghiệp nhìn chung đều có quy mô vừa và nhỏ, hạn chế tiềm lực cả về nguồn vốn và thiết bị. Vốn đầu tư tính bằng triệu USD là rào cản lớn khiến những ông chủ chưa sẵn sàng đặt chân vào “cuộc chơi” cải tiến công nghệ. Dây chuyền sản xuất lạc hậu dẫn đến số lượng đơn hàng thiếu hụt, tính cả các dự án đầu tư công lẫn những hợp đồng từ nước ngoài, gây nên tình trạng hoạt động theo tính chất “cầm chừng”.
Điều này tạo ra nhiều hệ lụy: Chất lượng sản phẩm không đạt chuẩn khiến lượng đơn hàng ngày càng ít hơn; việc phải nhập khẩu trang, thiết bị công nghệ cùng nguyên liệu đầu vào khiến chi phí sản xuất tăng, ảnh hưởng tới giá cả nói riêng và hoạt động kinh doanh nói chung; chủ doanh nghiệp gặp khó trong việc “giữ chân” lao động khi nhân sự lựa chọn làm việc cho các công ty FDI hoặc sang nước ngoài... Tất cả khiến những doanh nghiệp cơ khí vừa và nhỏ đứng trước áp lực cạnh tranh lớn từ các nước trong khu vực và thế giới, khó tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu kể cả khi Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA).
Doanh nghiệp cơ khí vừa và nhỏ gặp nhiều cái khó. |
Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp đang “tự mò đường để đi” khi chưa có một bộ luật riêng về ngành nhằm đưa ra chiến lược phát triển tổng thể, để thúc đẩy ngành cơ khí vươn xa, cần tạo ra những mối liên kết bền chặt với hạt nhân là các “sếu đầu đàn”, điển hình như Công ty Tập đoàn Công nghiệp Trường Hải - Thaco Industries (Tập đoàn thành viên của Thaco).
Tại các buổi hội thảo về cơ khí, nhiều doanh nghiệp bày tỏ mong muốn tăng tính liên kết trong ngành nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn. Ông Nguyễn Quang Hiếu - Tổng giám đốc CTCP Chế tạo Giàn khoan Dầu khí (PV Shipyard) - nhận định vấn đề chính là hầu hết doanh nghiệp chế tạo trong nước đang gặp phải là thiếu vốn. Để khắc phục vấn đề này, doanh nghiệp cần tìm kiếm và liên kết các đối tác có tiềm lực tài chính, ngành nghề tương đương, song song kết hợp hệ thống ngân hàng để dùng dự án thế chấp.
Liên kết giữa các doanh nghiệp góp phần giải bài toán khó trong việc phát triển nền cơ khí Việt. |
Mặt khác, ông Hà Giang - Chủ tịch Hội Cơ khí Đà Nẵng - thừa nhận các doanh nghiệp hoàn toàn có thể xích lại gần nhau, liên kết, giúp đỡ và mua hàng của nhau. Với lượng đơn hàng thiếu hụt khi tình hình kinh tế khó khăn như hiện tại, những cú bắt tay sẽ tạo được mối quan hệ tốt, tạo hợp đồng, việc làm, doanh thu...
Tại Việt Nam, Khu kinh tế mở Chu Lai được ví như hình mẫu của ngành cơ khí nước nhà. Tại đây, Thaco đã đầu tư khoảng 3,5 tỷ USD để xây dựng tổ hợp rộng 1.300 ha gồm khu công nghiệp cơ khí và ô tô, khu công nghiệp nông - lâm nghiệp, khu cảng và hậu cần cảng, khu đô thị Chu Lai... Không chỉ tạo ra hàng chục nghìn việc làm, đóng góp hàng nghìn tỷ đồng vào ngân sách địa phương, Thaco Industries còn là đầu tàu dẫn dắt toàn ngành, sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm hướng đến công cuộc phát triển chung.
Thaco Industries được ví như “sếu đầu đàn” của ngành cơ khí Việt. |
Ông Huỳnh Quang Nhung - Phó tổng giám đốc Thaco Industries - cho biết: “Gần đây, chúng tôi dần liên kết với các đối tác trong nước. Họ hỗ trợ, sản xuất những sản phẩm phụ trợ cho Thaco Industries. Nếu cái nào doanh nghiệp trong nước làm được, Thaco Industries sẽ không phải đầu tư nữa. Chúng tôi tập trung xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường, phát triển sản phẩm, sau đó quay lại liên kết với các doanh nghiệp khác để cùng tiến lên”.
Đến nay, Thaco Industries đã triển khai nhiều mô hình hợp tác liên kết với doanh nghiệp sản xuất, gia công sản phẩm, doanh nghiệp có thể mạnh về R&D (nghiên cứu và phát triển)... Trong tương lai, tập đoàn sẵn sàng liên kết các đối tác để cùng xây dựng nhà máy sản xuất ở 2 đầu đất nước, với mục tiêu vừa cung cấp sản phẩm cho Thaco, vừa phục vụ nhu cầu nội địa và xuất khẩu.