Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới (WB), quy mô GDP của Việt Nam vào năm 2030 sẽ vượt 2.000 tỷ USD, vươn lên là một trong những nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á. Trong khi đó, Chính phủ đặt mục tiêu năm 2030, tỷ trọng công nghiệp sẽ chiếm 40% GDP, tương đương khoảng 600 tỷ USD. Riêng công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 20% GDP, tức khoảng 400 tỷ USD.
Theo các chuyên gia kinh tế, để Việt Nam vươn lên trở thành một nước phát triển theo hướng hiện đại vào năm 2045 thì phải thúc đẩy phát triển công nghiệp. Và trong hình hài một đất nước phát triển, công nghiệp Việt Nam không thể lạc hậu. Ngay từ bây giờ, Việt Nam phải tiếp tục đẩy mạnh những ngành công nghiệp mang tính chất nền tảng, chiến lược, trong đó có công nghiệp hỗ trợ.
Cơ hội hàng trăm tỷ USD
Ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam cho biết: mục tiêu đến năm 2030, 40% sản lượng cơ khí trong nước sẽ phục vụ xuất khẩu, 60% phục vụ trong nước. Nếu xét theo mục tiêu này thì cả xuất khẩu hay hướng đến nội địa, doanh nghiệp cơ khí đều có rất nhiều cơ hội.
Nếu xét về thị trường xuất khẩu, đến năm 2030-2035, Việt Nam sẽ vươn lên là một trong 15 nước xuất khẩu nhiều nhất trên thế giới. Trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, Việt Nam sẽ không thể chỉ xuất khẩu các sản phẩm là nguyên liệu thô, hay sản phẩm gia công có hàm lượng giá trị gia tăng thấp. Với việc xuất khẩu tăng tỷ trọng chế biến, chế tạo thì công nghiệp hỗ trợ đóng vai trò vô cùng quan trọng.
"Muốn có sản phẩm chế biến, chế tạo giá rẻ, cạnh tranh, chất lượng cao... thì bắt buộc phải phát triển các ngành công nghiệp nền tảng như công nghiệp hỗ trợ. Một chiếc máy khi xuất khẩu có hàng chục nghìn chi tiết khác nhau. Tương ứng với đó có hàng nghìn doanh nghiệp sản xuất. Nếu hàng nghìn doanh nghiệp đó cùng phát triển thì chiếc máy cho ra đời càng có chất lượng cao, sản phẩm càng rẻ, nền công nghiệp càng phát triển", ông phân tích.
Với việc xuất khẩu tăng tỷ trọng chế biến, chế tạo thì công nghiệp hỗ trợ mang tính chất nền tảng, đặc biệt quan trọng. Ảnh: Tạp chí Công thương. |
Song song với đó, Việt Nam là đất nước hơn 100 triệu dân, là thị trường tiêu dùng mới nổi ở Đông Nam Á. Với mức thu nhập không ngừng tăng lên, dự báo sẽ vượt 10.000 USD/người vào giai đoạn tới, mức độ chi tiêu của người Việt Nam sẽ ngày càng tăng.
Với dân số hơn 100 triệu người, tỷ lệ sở hữu xe là 23 chiếc/1.000 dân vẫn là con số rất thấp. Do vậy, Việt Nam vẫn là thị trường lý tưởng để phát triển công nghiệp ôtô, và kéo theo đó là phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Nhiều chuyên gia nhận định, Việt Nam là một nước đang phát triển, nhu cầu về xây dựng, phát triển hạ tầng đang rất mạnh. Để phát triển đường cao tốc, cầu cống, bến cảng, đường sắt tốc độ cao, các nhà máy điện, nhà ga, sân vận động, cao ốc... đều cần đến sự phát triển của công nghiệp cơ khí, công nghiệp hỗ trợ. Riêng quy hoạch điện VIII đã cần hàng chục tỷ USD để xây dựng các dự án điện mới hay dự án xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam cần tới 50 tỷ USD...
Liên kết để phát triển doanh nghiệp nội địa
Theo Bộ Công Thương, ngành công nghiệp của Việt Nam mới phát triển về chiều rộng mà chưa phát triển về chiều sâu, tiến trình công nghiệp hóa trong công nghiệp thực hiện chậm. Cụ thể, năng suất lao động còn thấp so với các nước trong khu vực.
Bên cạnh đó, năng lực tự chủ của ngành công nghiệp còn chưa cao, Việt Nam phải nhập khẩu hầu hết nguyên, vật liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp lớn, như: dệt may, da giày, điện tử. Việt Nam nhập khẩu hơn 90% nguyên liệu và phụ thuộc quá lớn vào một số thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan… và cơ bản chỉ đóng vai trò là nơi gia công cho xuất khẩu trong chuỗi giá trị toàn cầu với tỷ suất lợi nhuận thấp, chỉ khoảng 5-10%.
Để tăng hàm lượng chế biến, chế tạo, tăng năng suất lao động và giá trị gia tăng của hàng hóa, thì việc phát triển công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam mang tính chất quyết định. Ảnh: Việt Linh. |
Để tăng hàm lượng chế biến, chế tạo, tăng năng suất lao động và giá trị gia tăng của hàng hóa, thì việc phát triển công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam mang tính chất quyết định. Việc phát triển công nghiệp hỗ trợ cũng là bảo vệ sản xuất nội địa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.
Ông Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, cho rằng, sau những biến động của kinh tế thế giới cho thấy Việt Nam cần phải xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ. Theo ông, cũng cần xem xét lại độ mở của nền kinh tế. Việt Nam không nhất thiết phải mở quá lớn, mà tập trung phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, mang tính chất quyết định như công nghiệp hỗ trợ.
Theo ông Huỳnh Quang Nhung, Phó tổng giám đốc Thaco Industries, cái khó để các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước vươn lên, tận dụng thị trường nội địa và xuất khẩu chính là quy mô nhỏ và vừa, sản xuất manh mún. Do đó, rất cần những doanh nghiệp đóng vai trò "đầu chuỗi", "anh cả" trong chuỗi sản xuất, để tập hợp, liên kết các doanh nghiệp cùng lớn mạnh.
Thaco Industries đã đẩy mạnh nâng cấp công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, đầu tư các dự án. Ảnh: Việt Linh. |
Những năm gần đây, công ty Tập đoàn Công nghiệp Trường Hải - Thaco Industries (Tập đoàn thành viên của Thaco) đã đẩy mạnh nâng cấp công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, đầu tư các dự án như: Trung tâm Cơ khí, Trung tâm R&D; ký kết hợp tác với tỉnh Bình Dương triển khai dự án khu công nghiệp cơ khí và công nghiệp hỗ trợ với vốn đầu tư hơn 25.000 tỷ đồng.
Đây là cơ sở để Thaco Industries nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng và hàm lượng công nghệ trong sản phẩm, gia tăng lợi thế cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Đồng thời đây cũng được xem là một mô hình hiệu quả để các doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng hợp tác, phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực của các doanh nghiệp trong nước, từng bước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.