Những chiến thắng, sự kiên định và tình yêu vô điều kiện với Việt Nam giúp HLV Park Hang-seo đạt được vị thế chưa từng có trong lịch sử, hơn cả Henrique Calisto hay Alfred Riedl.
Chưa đầy một năm ở dải đất hình chữ S, HLV Park Hang-seo đã cùng bóng đá Việt Nam làm nên 2 kỳ tích. Ông đưa U23 Việt Nam vào chung kết Giải U23 châu Á trước khi cùng Olympic Việt Nam vào bán kết Asian Games 18. Chỉ tính riêng trong năm 2018, U23/Olympic Việt Nam nằm trong nhóm những đội tuyển thành công nhất châu lục.
Hơn 6 tháng ở Việt Nam, ông Park đã chinh phục tất cả, làm nên những chiến công mà cả nền thể thao chưa từng nghĩ tới.
Trước khi ông Park Hang-seo tới Việt Nam, bóng đá Việt đã tự hào với hai “thế hệ vàng mới”. Thành công của hệ thống đào tạo trẻ mới giúp nền bóng đá trình làng lứa 1995 với Công Phượng, Xuân Trường là đại diện và lứa 1997 với Quang Hải, Tiến Dũng làm đầu tàu.
Hai lứa cầu thủ ấy được đào tạo bài bản, được đầu tư dài hạn, nhận những điều kiện chăm sóc chưa từng có trong môi trường bóng đá Việt. Nhưng suốt thời gian dài, họ vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng.
Lứa Công Phượng, Xuân Trường từng được ca ngợi hết lời nhưng thành tích ở các giải châu lục là nỗi thất vọng. Lứa Quang Hải, Tiến Dũng đoạt vé dự U20 World Cup nhưng chưa từng vô địch nổi Đông Nam Á. Trong lần kết hợp đầu tiên của hai lứa cầu thủ ấy tại SEA Games 2017, họ thậm chí bị loại từ vòng bảng. Bóng đá Việt Nam vẫn chờ một người có thể phát huy tối đa tiềm năng của 2 lứa cầu thủ này.
Đó chính là chiến lược gia người Hàn Quốc: Park Hang-seo.
Dưới thời ông Park, thế hệ 1995 - 1997 đã tiến bộ vượt bậc. Quang Hải không còn là “Vua giải trẻ” mà vươn mình trở thành hy vọng mới của bóng đá Việt, Đình Trọng, Duy Mạnh trở thành những trung vệ hay nhất không chỉ của U23 mà còn của nền bóng đá. Đức Huy, Xuân Mạnh, Văn Đức lần lượt bước ra khỏi bóng tối trước khi tỏa sáng rực rỡ.
Ông Park giúp họ hoàn thiện mình, đưa họ tới đấu trường châu lục, nâng họ lên một đẳng cấp mới. Và chính họ dìu ông tới đỉnh vinh quang, đưa ông đến với những chiến công phi thường.
Trở về sau vòng chung kết U23 châu Á 2018, HLV Park Hang-seo từng nói: “Trước khi tôi nhận lời làm HLV trưởng đội tuyển quốc gia và U23 Việt Nam, nhiều người nói với tôi rằng thể lực cầu thủ Việt Nam rất yếu. Nhưng khi bắt tay vào công việc, tôi phát hiện không phải như vậy. Cầu thủ Việt Nam đủ thể lực thi đấu với đối thủ mạnh. Vấn đề là chúng ta cần phân phối thể lực như thế nào trong 90 phút”.
Nửa năm sau ngày ấy, ông Park đã chứng minh: cầu thủ Việt Nam thực sự rất khỏe.
Vòng knock-out ASIAD 18, cả 3 bàn của Olympic Việt Nam đều tới sau phút 70. Hai trong số đó đến ở hiệp phụ và đều là những tình huống quyết định trận đấu. Trước đó nữa, 4/8 bàn của U23 Việt Nam tại giải châu Á cũng tới trong 1/3 thời gian cuối cùng.
Điều đó có nghĩa gì? Nghĩa là càng về cuối, Olympic Việt Nam càng... khỏe hơn. Trận đấu càng kéo dài, đội bóng của ông Park càng mạnh mẽ và đáng sợ. Làm được điều đó, phải có thể lực để giữ sự tỉnh táo, phải khỏe hơn đối thủ để tăng tốc và bứt phá.
Hãy so sánh: 2 trận bán kết AFF Cup 2014, dưới thời Toshiya Miura, tuyển Việt Nam chỉ có 1 bàn vào lưới Malaysia dù những đội bóng của Miura luôn được xem là hình mẫu về thể lực và ý chí.
Điều kỳ lạ nằm ở chỗ: ông Park nâng tầm thể lực cầu thủ Việt mà không hề tập luyện quá nhiều. So với những buổi tập kéo dài hơn 2 giờ của HLV Miura, buổi tập của ông Park thường chỉ dài 1 tiếng rưỡi. Ông không có những màn tra tấn thể lực, không gọi lên đội hình quá nhiều gã lực điền. Ông cho cầu thủ đi dã ngoại, tập bơi, nhảy dây, đá cầu. Ông giảm thời gian vận động nhưng đa dạng hóa bài tập. Ông không bảo cầu thủ phải tập cho khỏe. Ông nói họ phải tin rằng mình rất khỏe.
Những biện pháp nghe rất cổ tích của ông Park đều phát huy tác dụng. U23 trước đó và Olympic Việt Nam đều chơi ngang ngửa với các đối thủ. Họ không bị hụt hơi dù liên tục phải đá hiệp phụ, không xuống sức dù chơi tới bán kết, chung kết. Trận chung kết U23 châu Á với Uzbekistan, U23 Việt Nam đá sòng phẳng với đối thủ tới hiệp phụ cuối cùng dù trước đó nghỉ ít hơn 1 ngày, phải đá liền 2 loạt luân lưu.
Phép màu của ông Park là có thật.
Khi Toshiya Miura liên tiếp loại Tuấn Anh khỏi đội hình U23 Việt Nam hồi năm 2016, thứ ông nhận lại là vô số chỉ trích. Mỗi lần Hữu Thắng công bố danh sách đội tuyển, ông đều phải thanh minh rằng mình được “toàn quyền quyết định”.
Họ chỉ là 2 trong số các HLV tuyển Việt Nam chịu tác động nặng nề từ những mối quan hệ chằng chéo ở môi trường bóng đá đỉnh cao. Nhiều người tin rằng họ không được tự quyết về nhân sự, do đó, khó lòng gắn kết tập thể cùng nhìn về một hướng.
Thất bại của tuyển Việt Nam ở bán kết AFF Cup 2014 và AFF Cup 2016 giống nhau ở một điểm. Đó đều là những trận thua trước các đối thủ yếu hơn, tới sau các sai lầm dường như không thể lý giải của những tuyển thủ hàng đầu. Nếu một HLV kiểm soát tốt phòng thay đồ, chuyện đó có lẽ không xảy ra.
Điều những người đi trước không làm được, ông Park Hang-seo lại làm rất tốt.
Ông Park là HLV trưởng tuyển Việt Nam hiếm hoi nhận được sự ủng hộ từ mọi phía. Ông không chỉ lãnh đạo đội tuyển trên bề mặt mà còn tạo dựng được vị thế độc lập với những người đứng đầu Liên đoàn. Bầu Hiển, bầu Đức chưa từng chỉ trích ông, các HLV, giới chuyên môn đều tin tưởng ông.
Bí quyết là gì?
Ông Park có mối quan hệ cực kỳ thân thiết với bầu Đức và từng tới thăm HAGL sau chiến tích U23 châu Á. Nhưng cũng chính ông sẵn sàng cho Văn Toàn dự bị, tước băng đội trưởng và đẩy Xuân Trường về phía sau. Ông Park luôn ưu ái và coi trọng cầu thủ CLB Hà Nội nhưng bản thân lại hiếm khi tiếp xúc gần gũi với bầu Hiển.
Chiến lược gia người Hàn Quốc niềm nở với tất cả mọi người nhưng không nghiêng về một ai. Ông tận dụng mọi nguồn lực mà không cần “trả ơn” bằng những ân huệ. Trong môi trường phức tạp trên đỉnh cao bóng đá Việt Nam, ông chọn cách đứng giữa, giữ một vị trí trung lập nhưng mạnh mẽ. Cùng với ban huấn luyện có 2 trợ lý Hàn Quốc, với người đội trưởng (giờ là đội phó) nói được tiếng Hàn - Xuân Trường, ông tạo thành một nhóm nòng cốt kiên định. Bốn người họ (giờ thêm cả Văn Quyết), cả “Tây”, cả “ta” giúp ông xử lý mọi mối quan hệ, làm cầu nối tới mọi hướng. Họ chính là trái tim đang đập của U23/Olympic Việt Nam.
Vì ông Park không thiên vị ai cả, ông có điều kiện làm mọi thứ mình muốn. Vì ông luôn đặt lợi ích của đội tuyển lên trên hết, không ai dám nghi ngờ quyết định của ông. Ông loại thủ môn hay nhất V.League là Văn Lâm nhưng không ai dám than vãn. Ông trao Văn Quyết băng đội trưởng, người hâm mộ chỉ kêu ca chứ không tẩy chay.
Chiến thắng tại VCK U23 châu Á 2018 cùng sự hậu thuẫn cực lớn từ Liên đoàn bóng đá Hàn Quốc - đất nước đang giữ vị trí Phó Chủ tịch AFC, tạo cho ông Park một vị thế vững vàng. Khi ông nói, mọi người phải nghe và làm theo ý ông.
Trong dòng chảy lịch sử bóng đá Việt, vị thế của ông Park có lẽ còn lớn hơn Henrique Calisto hay Alfred Riedl.
Những phóng viên có mặt tại PVF hôm 30/7 từng ồ lên kinh ngạc nhưng khi HLV Park Hang-seo chia sẻ dự định thành lập một hệ thống dữ liệu tuyển thủ quốc gia.
Zing.vn xin gửi tới độc giả nguyên văn lời phát biểu ấy: “Với đội U23, tuyển quốc gia hay các đội khác nữa, chúng ta đều không có số liệu, ghi chép về thể lực của cầu thủ. Ta thậm chí còn không có ghi chép về chấn thương. Để đánh giá chính xác một cầu thủ, ta cần những số liệu mà ta không hề có. Đứng trước một cầu thủ, ta không biết gì về lịch sử chấn thương, về vị trí thi đấu, về thể lực, tinh thần của cầu thủ ấy”.
“Điều này rất quan trọng bởi nếu ta không ghi chép về điều đó, tôi vẫn có thể nắm được các số liệu trong thời gian làm việc của mình. Nhưng khi một HLV mới nhận chức, người đó sẽ không biết gì về lịch sử cầu thủ. Bởi thế, trong thời gian tại nhiệm, tôi sẽ cố gắng hoàn thiện hệ thống này. Có thể tôi không thể hoàn thiện tất cả nhưng sẽ phải có ghi chép hàng ngày các thông số chấn thương, thể lực của từng người. Từ dữ liệu đó, chúng ta sẽ có phương án riêng cho mỗi cầu thủ. Tôi sẽ chuẩn bị điều đó cho VFF. Để sau này, những HLV kế nhiệm tôi có điều kiện tham khảo và tiếp tục”, ông Park nhấn mạnh.
Hệ thống mà ông Park nói tới là cơ sở dữ liệu cho tương lai - một tương lai mà ông nhiều khả năng không còn hiện diện. Ông Park rõ ràng không được trả tiền và không có trách nhiệm làm việc đó. Trước ông Park, HLV Miura, Hữu Thắng, Hoàng Văn Phúc, Phan Thanh Hùng... cũng chưa từng làm việc này.
Nói về việc triệu tập Văn Hoàng - người chỉ có 1 % cơ hội cạnh tranh với Tiến Dũng và Văn Lâm, ông Park bảo mình nhìn thấy tiềm năng đặc biệt từ anh và muốn rèn giũa anh cho tương lai bóng đá Việt.
Nói về tham vọng dự World Cup của Việt Nam, ông trăn trở khi chất lượng đào tạo quá thấp. Ông tới PVF rồi tiếc rẻ: giá như các bạn có 5 trung tâm như thế này.
Rất nhiều quan điểm và hành động của ông hướng về tương lai, mong muốn cho bóng đá Việt ngày càng tiến bộ. Hợp đồng của ông với VFF chỉ dài 2 năm nhưng tầm nhìn của ông thì xa hơn gấp bội. Những điều trên, ông làm một cách tự nguyện, bằng tình yêu và sự hứng khởi không vụ lợi.
Bóng đá Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục hưởng lợi từ ông. Có HLV Park Hang-seo, chúng ta có quyền kỳ vọng vào những điều lớn lao hơn.
Cảm ơn ông, người nâng tầm bóng đá Việt.