Văn Toàn đã cực kỳ kiên nhẫn chờ đợi và tận dụng tốt cơ hội của mình. Ảnh: Việt Hùng. |
Ai cũng biết Văn Toàn không tới ASIAD 18 để làm khán giả. Với vỏn vẹn 20 cầu thủ, 7 trận đấu tối đa, mỗi cái tên đều vô cùng quan trọng, đều phải là một con bài chiến lược. Quyết định loại Văn Lâm hôm 11/8 càng cho thấy rõ điều đó. Văn Toàn hay bất kỳ cầu thủ nào khác đều đã nằm trong tính toán, nghĩa là sẽ được sử dụng, nghĩa là sẽ đến lúc được vào sân.
Chỉ có điều, không ai biết lúc ấy là khi nào.
Văn Toàn chưa từng phù hợp với thầy Park
Cần phải khẳng định, Văn Toàn chưa bao giờ là mẫu cầu thủ yêu thích của HLV Park Hang-seo. Sơ đồ xuất phát của ông Park chỉ có chỗ cho 2 cầu thủ chạy cánh. Và đó đều là những hậu vệ. Ông Park cần những Văn Hậu, Văn Thanh, mê mẩn mẫu công thủ toàn diện như Xuân Mạnh. Hệ thống 3-4-3 hay 5-3-2 đều cần mẫu cầu thủ đá cánh tốc độ, giàu thể lực, có thể lên xuống liên tục không mệt mỏi. Có họ, những nghệ sỹ như Văn Quyết, Công Phượng, Quang Hải mới được tạo điều kiện bó vào trung lộ, chơi đúng thứ bóng đá mà ông Park hằng theo đuổi.
Văn Toàn không phải mẫu cầu thủ như vậy. Anh được đăng ký cho hàng công, chỉ vào sân để phục vụ mục đích tấn công. Trong một tập thể đang có Văn Quyết, Quang Hải, Công Phượng, Anh Đức, Văn Đức, Toàn không có nhiều cơ hội.
Cảm giác ấy được cấp số nhân qua từng giải đấu, từ Thái Lan tới Thường Châu, từ Mỹ Đình tới Cikarang. Bốn giải đấu lớn đã qua kể từ khi HLV Park Hang-seo tiếp quản U23/Olympic Việt Nam, Văn Toàn chưa để lại bất kỳ dấu ấn.
Anh vẫn đều đặn lên tuyển, vẫn có mặt trong danh sách đăng ký, vẫn cần mẫn tập luyện. Anh chạy hàng cây số mỗi ngày, tăng tốc hàng chục lần mỗi buổi tập. Nhưng cái khoảng cách ngắn ngủi qua vạch sơn trắng tới thảm cỏ xanh, anh mãi chẳng vượt qua được.
HLV Park Hang-seo luôn thích những cầu thủ tấn công kỹ thuật và khéo léo kiểu “số 10” như Văn Quyết, Công Phượng, Quang Hải chứ không phải mẫu bám biên như Văn Toàn. Ảnh: Việt Hùng. |
Đối đầu Syria là trận thứ 5 của Olympic Việt Nam tại ASIAD 18, hơn 2/3 chặng đường đã qua. Rất nhiều cầu thủ dự bị đã chứng tỏ được khả năng của mình. Đức Huy trở thành không thể thay thế khi Hùng Dũng chấn thương, Văn Đức chơi cực hay mỗi khi được ra sân. Chỉ có Văn Toàn tiếp tục ngồi ngoài.
Ai cũng biết rằng Toàn sẽ được vào sân. Cơ hội của anh sẽ càng rõ ràng hơn khi Olympic Việt Nam tiến sâu, khi đội bóng phải đối mặt với những vấn đề về thể lực và chấn thương. Toàn cũng biết thế.
Nhìn từng khoảnh khắc trôi qua dài như cuốn băng quay chậm, Văn Toàn vẫn chờ.
Bàn thắng của khát vọng
Hai trận mở màn trước Pakistan và Nepal, Văn Toàn không đá dù chỉ một phút. Tại sao phải thay đổi cỗ máy chiến thắng?
Tranh ngôi đầu bảng với Olympic Nhật Bản, Toàn chơi 57 phút nhưng không để lại dấu ấn.
13 phút nữa trước Bahrain, lại được trao cơ hội, vẫn không có điểm nhấn.
2 trận, 1 lần đá chính, 70 phút thi đấu, từng ấy là quá nhiều với một cầu thủ dự bị trong một giải đấu ngắn ngày. Nếu không thể đóng góp nhiều hơn, Văn Toàn sẽ mài mòn niềm tin của HLV Park Hang-seo đồng thời tự đẩy mình về lại ghế dự bị. Nên nhớ, nơi ấy vẫn còn Minh Vương - người đã chơi thứ bóng đá cực kỳ chất lượng tại V.League mùa này.
May cho Toàn vì anh không bỏ lỡ cơ hội. Cỗ máy càng mạnh mẽ thì càng cần nhiều thời gian khởi động, con thú ngủ Đông phải bỏ công mài nanh dũa vuốt.
Trước Olympic Syria, tại tứ kết ASIAD, Văn Toàn ghi bàn.
Đó là pha lập công duy nhất đưa Olympic Việt Nam vào bán kết ASIAD lần đầu tiên trong lịch sử, bàn thắng đầu tiên của Văn Toàn ở Á vận hội, bàn thắng đầu tiên của anh dưới triều đại Park Hang-seo. Như cơn mưa rào cuối mùa nắng hạn, như bình minh xua tan bóng tối.
Bàn thắng của Văn Toàn không phải là một pha lập công đẹp mắt. Nhưng nó thể hiện sự nhạy cảm và khát khao mãnh liệt hơn bất kỳ ai. Khi trái bóng chạm chân Anh Đức đập xà ngang bật ra, vòng cấm còn 4 cầu thủ Syria khác. Cả 4 người họ hoặc không nhanh bằng Văn Toàn, hoặc không đủ khát khao như anh. 4 người không ngăn được Toàn một mình băng lên, chạm bóng, đưa Olympic Việt Nam tới chiến thắng.
Thống kê tuyệt vời của Văn Toàn trước Olympic Syria. Đồ họa: Minh Phúc. |
Nhưng không phải tới pha bóng ấy, Văn Toàn mới chứng minh được giá trị. Toàn mới vào sân khoảng 20 phút trước. Nhưng chỉ với từng ấy thời gian, anh đã có 3 cú dứt điểm trúng khung thành, đạt tỷ lệ chính xác 100 %. Xin lưu ý, 120 phút trước người Syria, toàn bộ phần còn lại của Olympic Việt Nam chỉ có đúng 4 cú sút với 1 lần trúng đích từ Công Phượng.
Những tiền đạo hàng đầu thường ghi bàn sau khoảng 3 lần sút trúng đích, hiệu suất dứt điểm trúng gôn của họ thường đạt 30 - 40 %. Những thống kê khô khan ấy khẳng định: Văn Toàn ghi bàn chỉ là chuyện sớm hay muộn.
Chưa phải điểm kết thúc
Văn Toàn có một thói quen “xấu”. Anh không ghi bàn thì thôi chứ đã bắt đầu là sẽ “nổ súng” liên tục. Anh có thể đá tệ thời gian dài nhưng đã chơi hay thì trội hơn tất cả.
Mái tóc bạch kim, thân hình mảnh dẻ, chuyên đóng vai phụ và nhanh như ánh chớp, Toàn là dị nhân Quicksilver trong vũ trụ của Olympic Việt Nam. Anh không đóng vai chính nhưng luôn để lại ấn tượng đặc biệt, luôn khiến người xem phải nhớ tên mình.
Như mũi tên vừa rời ná bắn, tia chớp Văn Toàn đã xuất phát là không dừng lại.
Mùa giải 2016, chàng trai Hải Dương trải qua chuỗi 17 trận tịt ngòi trước khi bùng nổ dữ dội với 8 pha lập công liên tiếp. V.League mùa này, anh cũng tịt ngòi 7 trận trước khi ghi liền 7 bàn nữa.
Thống kê ấy là đặc điểm nổi bật xuyên suốt sự nghiệp của Văn Toàn. Sử dụng Toàn vì thế vừa dễ lại vừa khó. Người làm công tác huấn luyện phải hiểu được thể trạng đặc biệt và tốc độ hơn người của Văn Toàn, tận dụng nó, đưa nó vào đúng thời điểm. Hiệu quả khi ấy sẽ rất khủng khiếp.
HLV Phan Yên - người đã dạy “vỡ lòng” cho Văn Toàn ngày còn ở U11 Hải Dương chia sẻ với Zing.vn: “Điều quan trọng khi sử dụng Văn Toàn là ông thầy đừng đặt nó quá tầm, phải để nó đúng vị trí, dành sức cho nó hợp thời điểm. Như thằng Toàn, phải giữ nó chơi chậm ở giữa trận, đến cuối trận nó sẽ bứt nhanh. Đừng vì thấy nó nhanh là thích, là cứ dùng nó liên tục. Thầy giỏi phải biết bảo cho nó điều đó”.
Hàng công của Olympic Việt Nam hiện khá chật chội với nhiều cầu thủ chất lượng và đều có phong độ cao. Ảnh: Việt Hùng. |
Giữ sức, chọn thời điểm, bung đoạn cuối, đó có lẽ cũng là cách HLV Park Hang-seo đang sử dụng Văn Toàn. Đến thời điểm này, cách làm ấy đã mang lại hiệu quả.
Đương nhiên, một pha lập công là không đủ để Toàn lấy suất đá chính. Nhưng bàn thắng ấy là bằng chứng cho thấy Văn Toàn vẫn hữu dụng, là liều thuốc giúp anh lấy lại sự tự tin. Nó cho thấy HLV Park Hang-seo cần và nên tin Văn Toàn. Bàn thắng ấy có thể là khởi đầu cho những pha lập công khác dù từ băng ghế dự bị hay trên sân đấu chính.
Bởi không ai có thể ngăn được một trái tim đầy nhẫn nại và giàu niềm tin.