Chưa đầy nửa năm trước, U23 Việt Nam của HLV Nguyễn Hữu Thắng khép lại SEA Games 2017 với thành tích đáng thất vọng. Đoàn quân được tạo nên để tranh ngôi vô địch dừng bước ngay tại vòng bảng sau trận thua vỡ mặt trước Thái Lan.
Vẫn lứa Công Phượng nhưng U23 Việt Nam của ông Park Hang-seo thành công rực rỡ còn người tiền nhiệm Hữu Thắng thảm bại bẽ bàng. Ảnh: AFC. |
Nửa năm sau, vẫn những con người ấy, vẫn là Công Phượng, Xuân Trường, Quang Hải, U23 Việt Nam của tân HLV trưởng Park Hang-seo làm cả châu Á phải ngả mũ với những chiến công oanh liệt trước Australia và Iraq.
HLV Park Hang-seo có gì khác Hữu Thắng? Điều gì đã mang tới câu chuyện thần tiên cho U23 Việt Nam?
Chiến thuật là sự khác biệt
Sáu tháng trước, U23 Việt Nam hành quân tới Malaysia với hệ thống 4-2-3-1. HLV Hữu Thắng theo đuổi phong cách “sexy”, lấy kiểm soát và chuyền ngắn làm nền tảng. Hệ thống của ông Thắng đã giúp U23 Việt Nam toàn thắng 3 trận đầu, ghi 12 bàn, để lọt lưới đúng 1 lần trước Timor-Leste, Campuchia và Philippines.
Nhưng đến trận gặp Indonesia và Thái Lan, hệ thống ấy vỡ vụn. U23 VN bị cầm hòa không bàn thắng bởi Indonesia, thua 3 bàn trắng trước Thái Lan. HLV Hữu Thắng đã ngửa bài từ quá sớm. Chiến thuật của ông được duy trì suốt 5 trận nên dễ dàng bị đối thủ “đọc vị”. U23 Việt Nam chỉ bắt nạt được những đội yếu nhưng bất lực trước cường địch.
Ngược lại với ông Thắng, HLV Park Hang-seo bắt đầu hành trình cùng U23 Việt Nam bằng sơ đồ 3-4-3 tại M-150 Cup và 5-4-1 ở vòng bảng U23 châu Á. Khi U23 Iraq tưởng họ đã bắt bài được Việt Nam, đội bóng bất ngờ đổi sang 5-3-2. Đoàn quân áo đỏ chỉ ghi 2 bàn tại vòng bảng nhưng nã 3 bàn vào lưới Iraq sau 120 phút.
Lúc Iraq tưởng họ sẽ gặp phòng ngự tử thủ thì U23 Việt Nam lại đôi công sòng phẳng. Khi người Tây Á tưởng bắt Quang Hải là đủ thì Phan Văn Đức bất ngờ từ cánh gà bước ra.
Ông Park Hang-seo luôn có những phương án chiến thuật đa dạng cho các đối thủ khác nhau. Ảnh: AFC. |
Ông Park Hang-seo chỉ có một cái nền duy nhất là hệ thống 3 trung vệ. Từ đó, ông liên tục thay đổi chiến thuật, liên tục phô diễn bài vở. Ông khiến đối thủ đi từ bất ngờ này tới ngỡ ngàng khác. Chẳng ai đoán được ông sẽ mang gì vào sân trước khi tiếng còi khai cuộc nổi lên.
Cũng bởi ông Park có nhiều phương án chiến thuật, ông dễ dàng ứng phó với các đột biến trên sân. Khi tất cả nghĩ rằng quả phạt đền cho U23 Iraq sẽ khiến Việt Nam sụp đổ, các cầu thủ áo đỏ vẫn không nao núng. Ngược lại, sai lầm của Phí Minh Long là không thể tha thứ, nhưng việc Công Phượng, Văn Toàn bất lực trước khung thành Thái Lan chính là từ sự bế tắc về chiến thuật của Hữu Thắng.
Khả năng đọc trận đấu, năng lực đối phó với bất ngờ, sự quyết đoán trong việc dùng và thay người của HLV Park Hang-seo với Hữu Thắng là hoàn toàn chênh lệch. Những sự thể hiện của ông Park tại Giải U23 châu Á và Hữu Thắng tại SEA Games cho thấy các HLV Việt Nam vẫn còn một khoảng cách rất xa so với đẳng cấp châu lục.
Dám thay đổi, dám thử nghiệm
Vì Hữu Thắng không có nhiều phương án chiến thuật, ông cũng không tận dụng được hết những con người vốn có.
SEA Games 2017 chứng kiến U23 Việt Nam dễ đoán bậc nhất trong lịch sử. Nhắm mắt, nhiều người cũng có thể đọc vanh vách tên tuổi, vị trí từng cái tên trong đội hình xuất phát U23 Việt Nam. Với HLV Hữu Thắng, tiền đạo phải ở trên cùng, tiền vệ phải đá giữa sân, cầu thủ thuận chân phải sẽ đá cánh phải, người nào thuận chân trái chỉ chơi bên trái.
U23 Việt Nam chưa vào sân, đối thủ đã biết Công Phượng sẽ đá cắm, Văn Toàn đứng biên phải, Duy Mạnh án ngữ ở trung tâm. HLV Hữu Thắng gần như không có sáng tạo nào về chiến thuật, không khai phá được tiềm năng mới từ cầu thủ. Cách dùng người của ông chỉ là sự kế thừa những phát hiện của Guillaume Graechen, Toshiya Miura, và Hoàng Anh Tuấn trong quá khứ.
Sự khác biệt trong cách dùng người của HLV Park Hang-seo và HLV Hữu Thắng. Đồ họa: Quý Sáng. |
HLV Park Hang-seo thì hoàn toàn ngược lại. Ông ném chân sút hay nhất, người đang có phong độ cao nhất Nguyễn Công Phượng xuống hàng tiền vệ suốt 2 trận đầu. Ông đưa Quang Hải - một người thuận chân trái, sang cánh phải. Ông kéo chuyên gia chạy cánh Đức Huy vào tuyến giữa, đưa tiền vệ phòng ngự Duy Mạnh xuống trước mặt thủ môn.
Đó đều là những vị trí không phải sở trường nhưng ông Park vẫn khéo léo sử dụng họ, giúp họ phát huy những phẩm chất đặc biệt mà ông đang tìm kiếm. Công Phượng xuống biên để tận dụng thể lực hỗ trợ phòng ngự. Quang Hải sang trái để ngoặt vào trong sút xa, Đức Huy được trọng dụng vì sự nhiệt tình và ăn ý với Xuân Trường, còn Duy Mạnh có vũ khí chiều cao.
Những sự thay đổi ấy hiệu quả như thế nào, chúng ta đều biết rồi.
Dự bị đơn thuần hay phương án chiến thuật?
“Mỗi cầu thủ dự bị đều là một thành viên không thể thiếu của đội bóng” là câu nói quen thuộc mà các HLV dành cho những cầu thủ dự bị. Nhưng không phải HLV nào cũng thực sự nghĩ thế. Với nhiều người, đó chỉ là lời động viên xã giao trước truyền thông. Với số khác, đó là sự thật.
Nhìn vào danh sách dự bị của U23 Việt Nam tại SEA Games, ấn tượng về sự “an toàn” hiện lên khá rõ ràng. HLV Hữu Thắng gần như không có một phát hiện nào mới. Những Tuấn Tài, Thanh Bình, Ti Phông đều đã quen mặt, đều đã được kiểm nghiệm tài năng. Rất khó để tìm ra một gương mặt “vô danh” trong danh sách của Hữu Thắng.
Cựu HLV trưởng tuyển Việt Nam Phan Thanh Hùng hết lời khen thầy trò Park Hang-seo. Đồ họa: Quý Sáng. |
Ở chiều ngược lại, đội hình của ông Park Hang-seo tràn ngập những cái tên mới. Không nhiều người biết Nguyễn Thành Chung, Phan Văn Đức là người của CLB nào trước khi vòng chung kết U23 châu Á bắt đầu. Thành Chung thậm chí còn không có tên trong danh sách U23 Việt Nam ở từ điển mở Wikipedia. Vậy mà chính họ đã làm nên chuyện dưới trướng Park Hang-seo. Thành Chung là hậu vệ có nhiều pha cản pha nhất trước Iraq (14 lần), trong khi Văn Đức sắm vai người hùng với 1 bàn thắng, 1 kiến tạo.
Với HLV Hữu Thắng, cầu thủ dự bị chỉ là những lựa chọn thay thế, dùng trước các đối thủ yếu để trụ cột nghỉ ngơi. Với thầy Park, tất cả đều là những phương án chiến thuật. Mỗi người có điểm mạnh riêng và có thể dùng cho mọi trận đấu.
Tâm lý chiến và năng lực xử lý các đối thủ lớn
Ba trận trước Australia, Syria, Iraq, U23 Việt Nam của ông Park bất bại. 2 trận trước Indonesia, Thái Lan, U23 của Hữu Thắng bất thắng.
Sáu tháng trước, những Công Phượng, Xuân Trường, Văn Hậu run sợ, cuống quýt, bất lực trước người Thái. Sáu tháng sau, vẫn là họ, hiên ngang đối đầu với những địch thủ hàng đầu châu lục. Chúng ta chưa biết rõ phương pháp tâm lý của ông Park là gì nhưng nó chắc chắn phải cực kỳ hiệu quả.
Điểm yếu tâm lý, sự sợ hãi trước các cường địch đã không còn hiện diện ở U23 Việt Nam tại VCK U23 châu Á. Các cầu thủ chơi tự tin, bình tĩnh. Họ thích nghi tốt với những phong cách khác nhau của từng đối thủ, xử lý hiệu quả mỗi đường bóng, có những ý đồ phá bóng, lên bóng rõ ràng.
Người hâm mộ vừa là nguồn cổ vũ, vừa là áp lực lớn của đội tuyển. Ảnh: AFC. |
So với Hữu Thắng, lợi thế của ông Park là hơn 10 năm kinh nghiệm K.League, trải nghiệm cùng Guus Hiddink tại bán kết World Cup và tấm HCĐ ở ASIAD 2002. Đấu trường U23 châu Á có thể quá tầm với U23 Việt Nam nhưng nó chỉ là một giải đấu nhỏ trong sự nghiệp hiển hách của thầy Park.
Uy thế của vị trợ lý tới từ đội tuyển từng giành hạng 4 thế giới đã lan tỏa tới từng cầu thủ. Nên nhớ, chưa có HLV nào trong lịch sử bóng đá Việt Nam từng trải qua không khí của vòng knock-out World Cup.
Một lợi thế khác của U23 Việt Nam ở VCK U23 châu Á là sự thoải mái về tâm lý. Quang Hải và đồng đội không dự giải với áp lực phải thắng. Ngược lại, U23 Việt Nam của HLV Hữu Thắng đến SEA Games với chỉ tiêu chung kết, gánh trên vai kỳ vọng của cả dân tộc.
Nói như trưởng đoàn Thái Lan Watanya Wongopasi tại SEA Games: “Cầu thủ của chúng tôi chưa khi nào cảm thấy lo lắng. Trong khi đó, cầu thủ Việt Nam thi đấu với tâm lý nặng nề. Họ quá quyết tâm chiến thắng chúng tôi”.
Thứ quyết tâm đến mức cực đoan ấy chính là con dao hai lưỡi làm hại đoàn quân của HLV Hữu Thắng ở SEA Games.