U23 Việt Nam vừa tạo nên cơn địa chấn trong làng bóng đá châu Á với thắng lợi trước “người khổng lồ” Iraq. Ảnh: FOX Sport. |
“Chúng tôi đã chuẩn bị rất kỹ cho trận đấu với U23 Iraq nhưng U23 Việt Nam sẽ không chỉ tập trung phòng ngự mà còn tìm cách để tấn công”, đó là tuyên bố của HLV Park Hang-seo trong cuộc họp báo trước trận U23 Việt Nam và U23 Iraq diễn ra tối qua (20/1).
Nhiều người đã cười khẩy khi nghe tuyên bố của ông Park. Số khác nghĩ rằng đó chỉ là những lời xã giao thường thấy trong mọi cuộc họp báo.
Bởi đối thủ của U23 Việt Nam ở tứ kết là siêu cường châu Á U23 Iraq - một trong những ứng cử viên vô địch và đang sở hữu hàng thủ mạnh nhất giải. Ở chiều ngược lại, chiến thuật “xe bus” đang giúp U23 Việt Nam thăng hoa tại vòng bảng. Lựa chọn tấn công trước U23 Iraq có thể sẽ là quyết định tự sát.
Ấy vậy mà ông Park đã làm thật. Chỉ có điều ông không tự sát, lựa chọn táo bạo của cựu trợ lý Guus Hiddink đã đưa U23 Việt Nam từ cửa tử đến cửa sinh và tạo nên một trong những chiến công lớn nhất lịch sử bóng đá Việt Nam.
Không cần “xe bus” vẫn chiến thắng
Trước U23 Iraq, HLV Park Hang-seo đã mạnh dạn cất chiếc “xe bus” hai tầng và cho phép U23 Việt Nam chủ động đôi công với đối thủ. 120 phút trước Iraq là trận đấu có tỷ lệ kiểm soát bóng cao nhất của U23 Việt Nam (46,7 %) từ đầu giải. Công Phượng và đồng đội tung ra tới 11 cú dứt điểm và có nhiều thời điểm áp đảo đại diện Tây Á.
Quyết định táo bạo của ông Park khiến người hâm mộ và cả đối thủ ngỡ ngàng. Hiệu quả đến ngay tức thì khi Công Phượng mở tỷ số cho U23 Việt Nam ở phút 12. Chúng ta thấy rõ người Iraq đã bối rối đến thế nào sau bàn thua này. Pha lập công ấy đã khiến Iraq “sập bẫy” và giúp tuyển U23 được chủ động điều phối trận đấu theo ý mình. Nếu không có quả phạt đền đầy tranh cãi của trọng tài Chris Beath, U23 Việt Nam có thể đã thắng ngay trong 90 phút.
Một số thống kê quan trọng của U23 Việt Nam trước Iraq. Đồ họa: Quý Sáng. |
Bàn thắng của Công Phượng cũng là lần thứ 3 tại VCK U23 châu Á 2018, đội tuyển mở tỷ số trước (hai lần đầu với Hàn Quốc và Australia). Một tình huống lặp lại tới 3 lần thì không thể là may mắn nữa. “Phép màu” của ông Park Hang-seo là có thật.
Hệ thống 3 trung vệ và khối rubik của ông Park
Tài năng của ông Park còn được thể hiện qua những sắp xếp chiến thuật tinh quái cho U23 Việt Nam trước Iraq. Sau 10 trận, ông Park Hang-seo đã sử dụng 3 sơ đồ chiến thuật khác nhau cho U23 Việt Nam. Đội tuyển mở màn bằng 3-4-3 tại M-150 Cup, nâng cấp lên 5-4-1 tại vòng bảng U23 châu Á trước khi hoán đổi thành 5-3-2 ở tứ kết.
Thứ duy nhất được giữ nguyên trong hệ thống ấy là sự xuất hiện của 3 trung vệ và 2 tiền vệ phòng ngự. Họ là nền tảng cho khối rubik muôn màu và luôn chuyển động không ngừng của cựu trợ lý Guus Hiddink. Mỗi trận, ông Park lại có một phát kiến mới. Tất cả đều cực kỳ chính xác, hiệu quả và khiến các đối thủ ngỡ ngàng.
Trước U23 Iraq, HLV Park Hang-seo kéo Công Phượng về vị trí đá cắm và giúp tiền đạo này có bàn thắng mở hàng. Ông đưa Văn Thanh sang cánh trái để vô hiệu hóa ngôi sao Alaa Mhawi của Iraq, kéo Xuân Mạnh, Văn Đức từ ghế dự bị lên thẳng đội hình chính. Người đầu tiên chơi tròn vai, người thứ hai sắm vai người hùng giúp Việt Nam vào bán kết.
Suốt 120 phút, ông Park thay ai là người ấy lập chiến công. Thành Chung chỉ vào sân từ phút 80 nhưng rời sân với 14 lần cản phá, nhiều hơn tất cả các trung vệ U23 Việt Nam khác. Văn Toàn kiến tạo cho Văn Đức ở bàn thứ hai, còn Đức Chinh là chủ nhân của bàn thứ ba.
Như Vua Midas trong thần thoại Hy Lạp, ông Park chạm tay vào đâu là ở đó biến thành “vàng”.
Phan Văn Đức trở thành người hùng của bóng đá Việt Nam chỉ sau một đêm. Đồ họa: Quý Sáng. |
Phát hiện Phan Văn Đức
Cú volley tuyệt đẹp cho Công Phượng trong bàn thắng mở tỷ số là khoảnh khắc thăng hoa của Phan Văn Đức trước U23 Iraq. Nhưng đó chỉ là điểm bắt đầu cho 120 phút kỳ diệu của chàng trai xứ Nghệ.
Khi hậu vệ Iraq dành hết sự quan tâm cho Quang Hải, Văn Đức đã có cơ hội tỏa sáng. Anh ghi thêm một bàn cho U23 Việt Nam ở hiệp phụ, là người sở hữu nhiều cú dứt điểm nhất (4 cú sút), tắc bóng nhiều nhất (4 lần), có nhiều đường chuyền quyết định thứ hai trong đội (2 so với 4 của Xuân Trường).
Văn Đức đóng góp cực lớn cho cả khâu tấn công và phòng ngự. Anh chơi xông xáo, quyết đoán và không sợ hãi. Những pha cầm bóng đâm thẳng vào trung lộ của Văn Đức khiến các hậu vệ U23 Iraq nhiều phen bối rối.
Nếu chấm điểm sau trận, Văn Đức chắc chắn là cầu thủ nhận điểm cao nhất. Nói về anh, HLV Nguyễn Thành Vinh hết lời khen ngợi: “Những người như Văn Đức, Xuân Mạnh dù chỉ là kẻ đóng thế nhưng đã để lại ấn tượng rất tốt. Họ là bằng chứng khẳng định tài năng trẻ SLNA vẫn là tiềm năng mà bóng đá Việt Nam cần tôn trọng”.
Văn Đức cũng giúp xứ Nghệ tiếp nối truyền thống đặc biệt đã được lưu lại suốt nhiều năm qua. Trong những thời khắc lịch sử của bóng đá Việt Nam, luôn có một cầu thủ xứ Nghệ đứng lên gánh vác. Đó là Văn Quyến trước tuyển Hàn Quốc năm 2002, Công Vinh trước Thái Lan năm 2008, Công Phượng trước Australia năm 2013. Và bây giờ là Văn Đức trước Iraq 2018.
Một lần nữa, thể lực là điểm yếu chí tử
Ca ngợi U23 Việt Nam là điều cần làm. Nhưng như thế không có nghĩa là đội tuyển đã chơi một trận cầu hoàn hảo. Sự vắng mặt của Đoàn Văn Hậu vì chấn thương đã báo trước một đêm giông bão cho hàng thủ U23 Việt Nam.
Sau 120 phút, Tiến Dũng phải vào lưới nhặt bóng 3 lần. Số bàn thua anh nhận trước Iraq bằng tổng số bàn thua phải nhận sau 3 trận vòng bảng. 4 trung vệ của U23 Việt Nam chỉ có đúng 3 lần tắc bóng suốt cả trận. Thành Chung để tiền đạo Iraq đè mặt dễ dàng trong bàn thua thứ 2, nhiều cầu thủ đứng sai vị trí trong bàn thua thứ 3. Rất nhiều lỗi lầm đã xảy ra.
Thống kê của các trung vệ U23 Việt Nam trong trận gặp U23 Iraq. Ảnh: AFC. |
Những sai sót ấy cũng là điều dễ hiểu khi các hậu vệ U23 Việt Nam đã phải làm việc quá vất vả ở 3 trận vòng bảng. 2 trong số 3 quyền thay người của ông Park cũng được dành cho hàng thủ. Các trung vệ liên tiếp chuột rút, biểu hiện kiệt sức được nhìn thấy rõ ở từng người. Mọi thông số kỹ thuật của những Duy Mạnh, Đình Trọng đều giảm xuống so với những trận trước.
Phân tích thế để thấy ông Park đã sáng suốt như thế nào khi không chọn lối chơi phòng ngự tử thủ cho U23 Việt Nam. Nếu đội tuyển đá theo cách ấy, hàng thủ áo đỏ sẽ sớm vỡ vụn trước sức ép khủng khiếp của đối thủ.
Quyết định tấn công để giải tỏa áp lực cho phòng ngự là lựa chọn chìa khóa giúp U23 Việt Nam thắng trận vừa qua.
Đẳng cấp châu Á có xa không?
Không cần phải quá tinh ý, người hâm mộ vẫn sẽ nhận ra U23 Việt Nam đang tiến bộ qua từng trận đấu. Ba trận đã qua, tỷ lệ kiểm soát bóng của đội tăng dần từ 24,7% lên 41,8% và chốt lại ở mốc 46,7% vào đêm qua.
11 lần dứt điểm trước U23 Iraq cũng là thống kê tốt nhất của hàng công áo đỏ. Bộ đôi Đức Huy - Xuân Trường có tổng cộng 147 đường chuyền với tỷ lệ chính xác hơn 84%. Riêng Xuân Trường có 4 đường chuyền quyết định - gấp đôi tổng thành tích của anh ở 3 trận trước đấy.
Những thống kê ấy cho thấy U23 Việt Nam vẫn ở đẳng cấp thấp hơn các đối thủ nhưng phong độ hiện tại không có nhiều sự chênh lệch. Như HLV Phan Thanh Hùng đã nói: “Chiến thắng của U23 Việt Nam là không thể bàn cãi và không ai có thể cãi được. Bây giờ, chúng ta đã vào bán kết. Nếu chúng ta tiếp tục tiến xa hơn thì cũng không còn là điều bất ngờ nữa”.
Càng đối mặt với cường địch, U23 Việt Nam càng cho thấy nhiều tiến bộ. Thắng lợi trước Australia và Iraq đều là những kết quả bất ngờ, vượt ngoài dự tính của người hâm mộ và giới chuyên môn.
Với U23 Việt Nam lúc này, mọi giấc mơ đều là có thể.