Tại TP.HCM, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh tại TP.HCM (VCCI TP.HCM) phối hợp với Công ty Cổ phần Giải pháp Dệt may Bền vững (STS) và Tengda Exhibition tổ chức Triển lãm quốc tế vải cao cấp - Texfuture Việt Nam Xuân Hè 2023 với chủ đề “Dệt may Việt Nam: Mạnh hơn - Thông minh hơn - Xanh hơn”. Sự kiện thu hút hơn 200 đơn vị tham gia triển lãm với hơn 1.500 mẫu vải được trưng bày và 5.000 lượt khách tham quan. |
Các doanh nghiệp Việt Nam và thế giới đặt gian hàng tại Texfuture Việt Nam Xuân Hè 2023 đến từ 7 nhóm lĩnh vực chính: Vải thời trang bền vững; vải thời trang các loại; vải chức năng; khu công nghiệp và kinh tế tuần hoàn; kỹ thuật, thông tin và giải pháp dệt may; nguyên liệu bông xơ; hàng gia dụng, phụ kiện và phụ liệu dệt may. Ngoài không gian triển lãm chính, sự kiện còn có các chuỗi hoạt động triển lãm xu hướng vải, xu hướng sắc màu, không gian sáng tạo và kết nối giao thương. |
Mở đầu buổi triển lãm là màn trình diễn BST áo dài "Sông quê" của nhà thiết kế Vũ Việt Hà, lấy ý tưởng từ tranh của họa sĩ Đặng Can. BST sử dụng chất liệu tự nhiên làm từ sợi cây gai xanh của Tập đoàn gai Thiên Phước Ramie, truyền tải mạnh mẽ thông điệp dệt may hướng đến phát triển xanh, thân thiện với môi trường theo xu hướng phát triển bền vững của thế giới. |
Khai mạc triển lãm, ông Nguyễn Hữu Nam - Phó giám đốc VCCI TP.HCM - nhận định dệt may trong năm qua mang lại kim ngạch xuất khẩu lớn 44 tỷ USD, thu hút 2,5 triệu lao động với thu nhập bình quân 3.800 USD/năm/đầu người, góp phần giải quyết công ăn việc làm, an sinh xã hội cho người dân. |
“Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, ngành dệt may cũng đối mặt nhiều thách thức toàn cầu như ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu. Các đối tác, bạn hàng ngày nay không chỉ yêu cầu sản phẩm dệt may đạt chất lượng cao, giá thành phù hợp, mà còn nâng lên tầm mới là đảm bảo trách nhiệm xã hội, thân thiện với môi trường, sử dụng tài nguyên thấp và thành phẩm phải bền vững”, ông Nam cho hay. |
Ông Nam kỳ vọng Texfuture Việt Nam Xuân Hè 2023 sẽ là hoạt động kết nối giao thương hiệu quả của ngành dệt may Việt Nam, hướng đến mục tiêu xây dựng ngành dệt may xanh hơn, mạnh hơn, thông minh hơn. Triển lãm hứa hẹn góp phần tạo nên sợi dây liên lạc chặt chẽ giữa cộng đồng doanh nghiệp dệt may trong nước và quốc tế, các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt là vùng nguyên liệu của ngành để hình thành hệ sinh thái liên kết có trách nhiệm, phát triển dệt may Việt Nam theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh và chuyển đổi số. |
Texfuture Việt Nam Xuân Hè 2023 chính thức bắt đầu sau khi đại diện lãnh đạo các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp thực hiện nghi thức khai mạc trên sân khấu. Trong 3 ngày, triển lãm sẽ liên tục diễn ra các phiên tọa đàm của hơn 30 nhà sáng lập, diễn giả và chuyên gia chia sẻ về 3 thông điệp nổi bật: Các xu hướng xuân hè 2024 (Trending On 2024SS), Kỷ nguyên mới trong thiết kế thời trang (New Age of Design), Tương lai là hôm nay (The Future is Now). |
Triển lãm có sự góp mặt của nhiều thương hiệu trong nước như Hanhsilk, mang đến câu chuyện khởi nghiệp bắt đầu từ tình yêu với làng lụa Nam Cao của nhà sáng lập và điều hành Lương Thanh Hạnh. Trong khi đó, mô hình “Reshare” của các startup trẻ cho thấy khát vọng thay thế thời trang nhanh bằng tủ đồ second-hand online lớn hàng đầu Việt Nam. |
Chị Huỳnh Ngọc Như - nhà sáng lập Lụa sen Đồng Tháp - mang đến buổi triển lãm nhiều trải nghiệm chân thật, thú vị về cách thức khai thác sợi tơ sen thuần tự nhiên dệt lụa. Sợi tơ sen được khai thác từ thân cây sen, ngắt ra kéo sợi, nhờ đó có thuộc tính mảnh, bông, nhẹ và thơm tự nhiên. Lụa tơ sen làm thủ công hoàn toàn, tôn vinh giá trị thuần tự nhiên và tài nguyên bản địa của tơ sen, từ đó giúp Huỳnh Như và Lụa sen Đồng Tháp vừa giữ gìn nghề truyền thống dệt lụa của địa phương, vừa đảm bảo yếu tố môi trường và phát triển bền vững. |
Nhiều gian hàng quảng bá đến từ các thương hiệu quốc tế cũng làm đa dạng hóa hoạt động và trải nghiệm tại triển lãm. Đơn cử, Shanghai Sinotex Eco giới thiệu đến khách tham quan nhiều loại vải chuyên nghiệp trong các lĩnh vực đổi mới và bảo vệ môi trường, giảm phát thải, tái sử dụng và tái chế. Thương hiệu Naturoot mở ra phương pháp nhuộm thực vật, tiên phong trong quá trình thúc đẩy và phát triển bền vững trong tất cả giai đoạn của chuỗi cung ứng. |
Ngoài các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực dệt may, da giày và thời trang, nhiều đại diện đến từ làng nghề truyền thống, Texfuture Việt Nam Xuân Hè 2023 còn có sự tham gia của một số doanh nghiệp cung cấp giải pháp chuyển đổi kỹ thuật theo hướng ứng dụng công nghệ số. |
Trong đó, Haravan - startup công nghệ Việt - mang tới triển lãm những giải pháp bán hàng đa kênh, hỗ trợ kỹ thuật công nghệ và tài chính cho startup thời trang trẻ trong nước. Thương hiệu quốc tế Frontier lại cung cấp nền tảng vải kỹ thuật số, sử dụng AI xây dựng hệ thống trao đổi hình ảnh về nguồn nguyên liệu vải cho ngành công nghiệp may mặc và thời trang trên thế giới. |
Triển lãm quốc tế vải cao cấp - Texfuture Việt Nam 2023 diễn ra trong 3 ngày từ 22/3 đến 24/3 tại Gem Center (số 8 Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, TP.HCM). Độc giả có thể trực tiếp đến tham quan, trải nghiệm triển lãm hoặc theo dõi thêm thông tin tại địa chỉ texfuture.vn, texfuture.com.