Huyện Đài Tiền ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, vừa ban hành bộ quy chuẩn chỉ dẫn các chú rể không nên trả quá 60.000 nhân dân tệ (khoảng 8.600 USD) cho sính lễ.
Theo Henan Business Daily, sính lễ ở nông thôn Trung Quốc tăng lên trong những năm gần đây do thiếu "nguồn cung" đã khiến chính quyền địa phương phải hành động.
Giá của tình yêu
Ở Trung Quốc, theo truyền thống, gia đình nhà trai sẽ chi tiền cho gia đình nhà gái để đảm bảo cho đám cưới của họ. Tờ báo này nhận định sính lễ tăng cao cho thấy khoảng cách ngày càng lớn giữa người giàu và người nghèo ở Trung Quốc.
Một quan chức địa phương cho biết sính lễ cao đồng nghĩa gia đình chú rể sẽ tiêu tốn nhiều tiền tiết kiệm hoặc đôi khi phải vay tiền với lãi suất cắt cổ."Nhiều gia đình rơi vào cảnh nghèo túng vì không thể chi trả cho sính lễ", quan chức này nói.
Văn bản hướng dẫn của địa phương có hiệu lực từ ngày 1/1 kêu gọi người dân tổ chức đám cưới đơn giản, tiệc cưới không quá 10 bàn và đoàn rước không quá 6 xe. Các quan chức cho biết một số đám cưới ở huyện Đài Tiền có chi phí lên tới 400.000 nhân dân tệ (gần 58.000 USD).
Các cặp đôi người Trung Quốc chụp ảnh trước một tòa lâu đài tại Đức. Ảnh: Reuters. |
Bộ quy chuẩn này là không bắt buộc. Tuy nhiên, những ai vi phạm có thể sẽ bị chính quyền chỉ trích và các quan chức cấp cao của địa phương sẽ không tham dự đám cưới của họ.
Đầu năm ngoái, một cô dâu ở tỉnh Phúc Kiến tiết lộ trên mạng rằng chồng tương lai đã gửi cha mẹ cô 6 triệu nhân dân tệ (gần 900.000 USD) trước khi kết hôn. Sau đó, cha mẹ cô đã trao cho cô 10 triệu nhân dân tệ (khoảng 1,4 triệu USD) và một máy bay riêng để đem về nhà chồng làm của hồi môn.
Hình ảnh về đám cưới của họ nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội. Nhiều người nói họ bị sốc khi biết về số tiền chi trả cho đám cưới này.
Một cô dâu khác ở Phúc Kiến cũng trở nên nổi tiếng trên mạng sau khi tiết lộ sính lễ trong đám cưới của cô là 3,8 triệu nhân dân tệ (gần 550.000 USD).
Theo truyền thống, chú rể ở Trung Quốc phải gửi quà cho cha mẹ của cô dâu, thường là dưới dạng tiền mặt, để được họ đồng ý cho kết hôn với con gái.
Khảo sát của một nhóm công ty bất động sản và truyền thông năm 2013 cho thấy mức sính lễ mà chú rể trả cho cha mẹ vợ thường là vài chục nghìn nhân dân tệ. Thượng Hải đứng đầu danh sách với mức sính lễ lên tới 1 triệu nhân dân tệ (khoảng 144.000 USD).
Nhiều người trẻ phàn nàn rằng truyền thống thách cưới này khiến họ gặp khó khăn khi xây dựng gia đình riêng.
Trả lời trên Dahe Daily, giáo sư xã hội học Zhang Mingsuo của Đại học Trịnh Châu cho biết sính lễ được cha mẹ ở vùng nông thôn đề ra làm tiền an hưởng tuổi già bởi họ đã bỏ nhiều tiền bạc nuôi nấng con gái.
Tuy nhiên, khi vật chất được coi trọng quá mức, số tiền phải trả cho các cô dâu tăng vọt và truyền thống đã bị lệch khỏi mục đích ban đầu.
Những ngôi làng ế vợ
Đối với các gia đình có con trai, đặc biệt ở những vùng nông thôn nghèo khó, điều này làm cho cuộc sống của họ càng thêm chật vật.
Đầu năm ngoái, Zhang Hu, nông dân một làng miền núi ở Cam Túc, một trong những tỉnh nghèo nhất Trung Quốc, đã chi 170.000 nhân dân tệ cho đám cưới của con trai, trong đó có 130.000 nhân dân tệ trả cho con dâu làm tiền thách cưới.
Vì gia đình ông chỉ kiếm được khoảng 60.000 nhân dân tệ mỗi năm, ông đã phải vay 150.000 nhân dân tệ để trang trải cho đám cưới đắt đỏ này. “Ngôi làng này quá nghèo nên phụ nữ không muốn kết hôn với đàn ông ở đây. Anh càng nghèo thì sính lễ càng cao”, ông nói.
Theo truyền thông Trung Quốc, đầu năm ngoái, một chú rể ở tỉnh Phúc Kiến đã trả 6 triệu nhân dân tệ cho sính lễ trước đám cưới của mình. Ảnh: Qq.com. |
Ở các vùng nông thôn dư thừa đàn ông tại Trung Quốc, đàn ông độc thân được gọi là “quang côn” (nghĩa là cành trụi). Mức giá mà ông Zhang chi trả cho cuộc hôn nhân của con trai mình cũng chính là vấn đề hóc búa mà họ phải đối mặt.
Tình trạng nghèo khó cộng thêm sự mất cân bằng giới tính tại đại lục khiến các quang côn càng khó lấy vợ hơn bao giờ hết. Theo Cục Thống kê Quốc gia, năm 2014, Trung Quốc có hơn 700 triệu đàn ông so với gần 670 triệu phụ nữ.
Tại những miền quê nghèo, người ta có thể cảm nhận rõ sự mất cân bằng giới tính này khi ngày càng nhiều phụ nữ rời bỏ quê hương để tìm kiếm cơ hội kết hôn ở những khu vực phát triển hơn.
Trả lời trên South China Morning Post, Chen Weimin, nhà nghiên cứu dân số và phát triển tại Đại học Nam Khai, Thiên Tân, cho rằng chi phí cưới xin đắt đỏ ở vùng nông thôn là một hiện tượng kinh tế.
“Ở một số làng nghèo, người ta phải mua cô dâu. Đó là vì phụ nữ ở đó muốn được đổi đời bằng việc lấy chồng ở những nơi phát triển hơn”, ông nói. Chen cho biết thêm sự phát triển kinh tế của vùng nông thôn và các thói quen chi tiêu thay đổi của nông dân đã góp phần vào hiện tượng này.
Sính lễ chỉ là một phần trong chi phí đám cưới ở nông thôn Trung Quốc. Đôi khi, các cô dâu còn yêu cầu một căn hộ ở thành phố hoặc một chiếc xe hơi.
“Trước đây, dân làng thường tổ chức tiệc cưới tại nhà. Giờ họ cũng tổ chức tiệc cưới tại khách sạn và thuê xe đắt tiền cho đoàn rước”, ông nói.