"Nơi này hẻo lánh, đi lại vô cùng khó khăn", Xiong Jigen nói, sau lưng anh là khoảnh đất trống được rào chắn để nuôi gà.
Anh sống ở Lão Áp, một ngôi làng nằm ở vùng rừng núi cách trở của tỉnh An Huy, miền đông Trung Quốc.
Cách duy nhất để tiếp cận ngôi làng là đi xe hơn một giờ với tốc độ "rùa bò" trên con đường lầy lội, nhiều đoạn dốc phải xuống đi bộ.
Anh Xiong Jigen, 43 tuổi, sống tại An Huy, Trung Quốc. Ảnh chụp từ clip. |
Nhà anh nằm trên một ngọn đồi, một trong bảy ngôi nhà ở khu này. Cạnh nhà là nương ngô trồng theo kiểu ruộng bậc thang, xung quanh là những cánh rừng tre trúc tạo nên khung cảnh rất đẹp.
Ở tuổi 43, anh Xiong vẫn đang độc thân. Người ta gọi những người như anh là "guang gun", nghĩa đen tức là "cành cây không nhánh", ám chỉ việc anh chưa có vợ và vì thế cũng chưa thể sinh con đẻ cháu cho gia tộc.
Ngôi làng của đàn ông "ế vợ"
Lão Áp, trong tiếng Trung có nghĩa là "con vịt già". Thế nhưng giờ đây, dân địa phương gọi nó là "làng ế vợ".
Theo một cuộc điều tra vào năm 2014, trong số 1.600 cư dân của làng Lão Áp, có 112 người đàn ông tuổi từ 30 đến 55 vẫn đang độc thân. Tỷ lệ đó được cho là "cao bất thường".
Anh Xiong nói anh biết hơn 100 nam giới địa phương chưa có gia đình. "Tôi không thể tìm được vợ. Họ đã đến nơi khác làm ăn. Tôi có thể tìm được ai để cưới đây?", anh chia sẻ.
Việc đi lại ở làng Lão Áp rất khó khăn. Ảnh: BBC. |
"Việc đi lại ở đây vất vả lắm. Chúng tôi không thể qua sông khi trời mưa. Đàn bà không muốn sống ở đây".
Câu chuyện của anh Xiong không hiếm tại Trung Quốc, nơi đang chứng kiến tình trạng mất cân bằng giới tính nghiêm trọng với tỷ lệ 115 nam trên 100 nữ. Nguyên nhân được cho là chính sách một con kéo dài trong nhiều thập kỷ ở quốc gia này.
Chính sách một con, cùng với tư tưởng trọng nam khinh nữ hình thành từ thời phong kiến, đã làm gia tăng đột biến số lượng bé trai chào đời từ những năm 1980. Trung Quốc giờ đây phải đối diện với bài toán hôn nhân vô cùng nan giải.
Ông mai cũng bỏ cuộc
Theo truyền thống Trung Quốc, cha mẹ vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc con cái thành gia lập thất. Chuyện ông mai bà mối cũng còn rất phổ biến ở những ngôi làng như Lão Áp.
Xiong Jigen cho biết anh cũng từng nhờ làm mai. "Có vài cô đến rồi đấy nhưng rồi cũng bỏ đi. Họ thấy đường xá đi lại kinh khủng quá", Xiong nói.
Anh cũng kể mình từng trải qua một mối tình nhờ mai mối: "Cô ấy cũng cao cỡ ngang tôi, không quá béo không quá gầy. Cô ấy khá hoạt bát".
"Nhưng chuyện không thành. Cô ấy bảo rằng làng tôi không phải nơi tốt để sống, nhất là chuyện đường xá".
Ngôi nhà của anh Xiong Jigen được xây cách đây 3 năm. Ảnh: BBC. |
Thậm chí, ngôi nhà khang trang mà Xiong xây cách đây 3 năm cũng không đủ thuyết phục để họ quyết định trở thành vợ anh.
Phụ nữ của làng Lão Áp, như mọi ngôi làng ở Trung Quốc, đa số đều bỏ đi nơi khác để làm ăn sinh sống. Thường họ sẽ tìm đến những thành phố lớn.
Nếu ở An Huy, lựa chọn tốt nhất của nhiều người là Thượng Hải. Ở đó, họ kiếm được nhiều tiền hơn và vài người còn lấy chồng, sinh con. Một vài người trở về quê nhưng khi đó, tất nhiên, họ đã có chồng.
Lựa chọn của người ở lại
Không chỉ phụ nữ, đàn ông ở Lão Áp cũng có người bỏ xứ nhưng thường là chỉ để làm ăn. Xiong quyết định ở lại vì anh còn một người chú phải chăm sóc.
"Nếu tôi bỏ đi, ông sẽ không có cái ăn. Ông ấy không thể đến ở viện dưỡng lão".
Anh Xiong Jigen (phải) quyết định ở lại Lão Áp để chăm sóc người chú của mình. Ảnh: BBC. |
Phụ nữ cũng có người lựa chọn ở lại. Hàng xóm của Xiong là chị Wang Caifeng hiện sống cùng với chồng và hai con.
"Ở quê là tốt nhất. Tôi chả muốn đi đâu", chị Wang nói.
Hai con gái của chị mỗi ngày đều phải đi bộ hơn một tiếng mới tới trường. Chị Wang hy vọng chúng cũng sẽ ở lại. Thế nhưng cô bé 14 tuổi Fujin muốn trở thành một thầy thuốc như cha mình.
Và Fujin tin rằng việc đó tốt nhất phải làm ở "nơi khác".