Khi đang chờ nhập học đại học tại một tỉnh ở biên giới phía bắc của Việt Nam, một người bạn mà Lan quen qua mạng Internet mời cô tới một cuộc liên hoan tối. Khi Lan thấy mệt và muốn về nhà, mọi người đề nghị cô ở lại để nói chuyện và uống thêm.
Điều tiếp theo mà Lan biết đó là cô bị bán qua biên giới sang Trung Quốc.
"Những cô gái khác cũng ở trong xe. Tôi muốn rời khỏi nhưng những gã bảo vệ đã ngăn chúng tôi lại", Lan kể.
Tại một phiên chợ ở phía bắc của Việt Nam, các cô gái đọc tờ rơi tuyên truyền về mối đe dọa của nạn buôn người. Ảnh: CNN |
Các ngôi làng dọc biên giới Việt - Trung là nơi mà những kẻ buôn người hoạt động mạnh nhất. Những bé gái mới chỉ 13 tuổi kể rằng các em bị lừa hoặc bị chuốc thuốc mê. Sau đó, chúng chuyển các em qua biên giới bằng thuyền, xe máy hoặc ôtô.
Phụ nữ trẻ người Việt là "mặt hàng" có giá trị tại Trung Quốc, nơi mà chính sách một con và xu hướng trọng nam khinh nữ tồn tại trong một thời gian dài gây ra tình trạng mất cân bằng giới tính. Điều này đồng nghĩa với việc đàn ông Trung Quốc "đói" cô dâu.
"Để kết hôn với một phụ nữ Trung Quốc, một người đàn ông Trung Quốc bình thường phải chi một khoản tiền khá lớn", Ha Thi Van Khanh, điều phối viên dự án quốc gia cho tổ chức chống buôn người của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, chia sẻ. Bà giải thích, theo truyền thống, đàn ông Trung Quốc khi kết hôn sẽ phải trả tiền cho một bữa tiệc linh đình và mua một ngôi nhà mới làm nơi sinh sống sau khi cưới.
“Đó là lý do tại sao họ cố gắng ‘nhập khẩu’ phụ nữ từ các quốc gia láng giềng, trong đó có Việt Nam”, Ha nói.
Diep Vuong là thành viên của Vòng Tay Thái Bình, một tổ chức phi chính phủ hoạt động với mục đích phòng chống tệ nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em qua biên giới. Bà cho biết, giá của một cô dâu Việt có thể lên đến 3.000 USD. Họ là "mặt hàng" hấp dẫn bởi sự tương đồng về văn hoá giữa hai quốc gia.
Nguyen mới 16 tuổi khi bị một người bạn của bạn trai đánh thuốc mê và đưa qua Trung Quốc. Cô cố chống lại một cuộc hôn nhân cưỡng ép. Nguyen làm vậy suốt 3 tháng, dù những kẻ buôn người ép cô lấy chồng bằng cách đánh đập, đe doạ và bỏ đói. Cuối cùng, Nguyen cũng phải đồng ý. Người chồng Trung Quốc đối xử với cô rất tốt nhưng cô luôn nhớ gia đình ở Việt Nam.
“Tôi mong được về nhà vô cùng. Tôi đã đồng ý lấy người đàn ông đó nhưng tôi không thể sống với một người lạ mà không có bất cứ cảm giác nào với anh ấy”, cô nói.
Nguyen cũng kể về Lan, người đồng hương cùng cảnh ngộ. Theo Nguyen, khi mẹ chồng của Lan nhận ra rằng cô sẽ không bao giờ “sưởi ấm” cuộc hôn nhân với con trai của bà, họ trả cô lại cho những kẻ buôn người và lấy lại tiền. Sau đó, cô bị buộc vào cuộc hôn nhân thứ hai.
Nơi nương tựa cho những nạn nhân trốn thoát
Hàng tháng, Vòng Tay Thái Bình tổ chức tuyên truyền về vấn nạn buôn người tại chợ Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Ảnh: CNN |
Tổ chức Vòng Tay Thái Bình thành lập một cơ sở cho những nạn nhân của vấn nạn buôn người tại thành phố Lào Cai, thuộc tỉnh cùng tên ở phía bắc Việt Nam. Các cô gái sẽ ở lại đây khoảng 2 đến 3 năm. Họ được đi học hoặc tham gia các lớp hướng nghiệp. Họ được trải nghiệm nghệ thuật trị liệu. Họ được học nấu ăn, may vá và làm vườn. Được sống cùng những người phụ nữ chung cảnh ngộ, các cô gái lấy lại cân bằng và sau đó tìm được việc để tự nuôi sống bản thân.
"Khi toàn bộ quá trình kể trên hoàn tất, những người phụ nữ trẻ sẽ dễ dàng hơn trong việc tự thiết lập cuộc sống của họ", Diep nói.
Tổ chức của Diep cũng cố gắng tiếp cận với cộng đồng nhằm tìm cách ngăn chặn tình trạng các bé gái rơi vào tay bọn buôn người. Khoảng một lần mỗi tháng, một nhóm nạn nhân của các vụ buôn người sẽ đến chợ Bắc Hà, nơi người ta mua bán đồ ăn, vải và vật nuôi.
Trên sân khấu, trước sự chứng kiến của hàng trăm người, họ tổ chức các trò chơi, kể về những câu chuyện của bản thân và đặt câu hỏi cho mọi người. Khi họ đề nghị mọi người chia sẻ kinh nghiệm bản thân liên quan tới nạn buôn người, hơn 20 người đã trả lời.
“Tôi nghĩ rằng, nhận thức là công cụ duy nhất”, Diep nói.
Cùng quan điểm với Diep, Ha đồng ý rằng ưu tiên hàng đầu là mở rộng nhận thức, đặc biệt là tại những vùng nông thôn nghèo dọc biên giới. Bà tin rằng xóa đòi giảm nghèo sẽ giúp hạn chế tình trạng phụ nữ sang Trung Quốc tìm việc, một cách mà bọn buôn người thường dùng để lừa các nạn nhân.
Những câu chuyện tại biên cương
Công an vừa giải cứu 5 bé gái khi các em sắp đi qua biên giới cùng một kẻ buôn người. Các em đều mới 14 tuổi. Các bé gái kể rằng một người trong làng hứa đưa các em sang Trung Quốc làm việc với mức lương cao. Các bé gái không cho bố mẹ biết việc rời nhà ra đi. Người cùng làng kể trên đã bị bắt.
Thỉnh thoảng, công an Việt Nam có thể giải cứu nạn nhân ngay cả khi bọn buôn người đã đưa họ vượt biên sang Trung Quốc nhờ sự giúp đỡ của chính quyền sở tại. Ông Nguyễn Tường Long, Chi cục trưởng Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh Lào Cai, cho biết họ đã giải cứu và đưa 109 nạn nhân người Việt của nạn buôn người trở về quê hương trong năm ngoái.
“Sự hợp tác giữa công an Việt Nam và Trung Quốc đã giúp chúng tôi tìm và triệt phá nhiều đường dây buôn người. Chúng tôi tìm thấy nạn nhân sâu trong lãnh thổ nước bạn, trong các nhà thổ, nơi họ bị ép làm gái mại dâm”, ông Long cho biết.
Những nạn nhân chưa được giải cứu trong các chiến dịch phải tự tìm cách để trở về. Một số có thể liên hệ với gia đình từ Trung Quốc nhưng công an không thể giúp gì bởi bản thân các nạn nhân cũng không biết chính xác họ đang ở đâu.
Cơn ác mộng của Lan và Nguyen kết thúc tại cùng một thị trấn ở Trung Quốc. Sau hai năm, họ cố gắng trốn ra khỏi nhà chồng và bắt taxi để đến một đồn công an địa phương. Suốt thời gian ở đây, họ luôn sợ nhà chồng sẽ tìm ra. Công an Trung Quốc đã điều tra và cuối cùng trả họ về Việt Nam.
Hai người phụ nữ đã thoát khỏi các cuộc hôn nhân ép buộc nhưng cũng phải trả giá đắt. Họ phải để các con của mình ở lại Trung Quốc.
Lan nói rằng nếu có thể gặp lại con gái, cô sẽ xin lỗi vì đã bỏ đứa trẻ lại. “Tôi hy vọng nó sẽ có một cuộc sống tốt hơn khi ở đó”, cô nói.
Lan và Nguyen đều nói rằng, khi còn đi học, họ đã được nghe các giáo viên nói về nạn buôn người. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, cả hai không tin rằng cơn ác mộng này có thể ập đến với họ.