Bất chấp sự bùng nổ của các hình thức phát trực tuyến, điện ảnh vẫn là một trải nghiệm giải trí không thể thay thế với nhiều khán giả. Song, thói quen của người xem, đặc biệt là thế hệ trẻ đã tác động không nhỏ tới xu hướng làm phim chung trên thế giới.
Gần đây, nhiều tác phẩm đình đám với số lượng cảnh nhạy cảm dày đặc hoặc gây sốc như Poor Things, Saltburn hay All of Us Strangers xuất hiện làm dấy lên câu hỏi liệu có phải sex đang trở lại xâm chiếm màn ảnh? Nhưng thực tế, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng số lượng cảnh sex trong các phim chiếu rạp đã giảm đáng kể so với thế kỷ trước.
Cảnh nóng không còn là chủ đề nóng
Cụ thể, nghiên cứu của nhà phân tích dữ liệu phim Stephen Follows theo dõi các cảnh tình dục và khoả thân trong phim live-action (người thật đóng) kể từ năm 2000. Mỗi trường hợp được xếp hạng theo thang đánh giá từ “Không” đến “Nghiêm trọng”.
Kết quả cho thấy mức độ nội dung liên quan đến tình dục trong điện ảnh đã giảm gần 40%. Số lượng phim không chứa nội dung khiêu dâm cũng tăng dần theo từng năm, từ 20% lên đến xấp xỉ 50%.
Ngoài ra, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các “cảnh giường chiếu” trong phim ngày nay có xu hướng sử dụng đồ họa nhiều hơn. Các ví dụ được trích dẫn bao gồm nhiều cái tên đình đám, ví như May December, Saltburn hay Fair Play...
Bên cạnh chủ đề tình dục, nghiên cứu này còn theo dõi số lượng cảnh ma túy, bạo lực và chửi thề trong phim. Những cảnh chửi thề hay ma túy đã giảm nhẹ kể từ những năm 2014, nhưng vẫn ở mức khá cao. Trong khi đó, cảnh bạo lực dù từng có khoảng thời gian giảm nhưng vài năm gần đây đã thịnh hành trở lại, thậm chí xuất hiện phổ biến hơn bao giờ hết.
Cảnh 18+ trong phim Hollywood có xu hướng giảm trong những thập kỷ gần đây. |
Kết quả nghiên cứu của Stephen Follows đi đến nhiều kết luận tương đồng với bài báo trước đó của BBC với tựa đề “Tại sao Hollywood lại trốn tránh tình dục”. Bài viết trích dẫn dữ liệu từ một nghiên cứu năm 2019 của Kate Hagen, cho thấy các dự án phim mới của Hollywood có ít cảnh sex hơn bất kỳ thời điểm nào trong suốt 5 thập kỷ qua.
Những nhà làm phim tại kinh đô điện ảnh đang có xu hướng loại bỏ nội dung khiêu dâm khỏi các sản phẩm của mình. “Chỉ 1,21% trong số 148.012 phim dài được phát hành kể từ năm 2010 (theo cơ sở dữ liệu IMDb) có mô tả về tình dục”, Hagen kết luận. Đây là tỷ lệ thấp nhất kể từ những năm 1960.
Việc các đạo diễn dần nói lời tạm biệt với cảnh sex là một hướng đi phù hợp với thói quen, sở thích của thượng đế, đặc biệt là đối tượng khán giả trẻ tuổi. Một khảo sát của UCLA vào cuối năm 2023 từng chỉ ra thế hệ Gen Z ngày càng không muốn chứng kiến cảnh sex trên phim ảnh và cả truyền hình.
Cụ thể, 47,5% số người được khảo sát ở độ tuổi 13-24 cảm thấy nội dung tình dục “không cần thiết”; 51,5% muốn phim tập trung nhiều hơn vào tình bạn và các mối quan hệ thuần khiết. Ngoài ra, gần một nửa số người khảo sát cảm thấy rằng sự lãng mạn đang bị lạm dụng quá đà trên các phương tiện truyền thông đại chúng (44,3%).
Thách thức với các nhà làm phim Việt
“Những cảnh hành động bạo lực có thể đẩy cốt truyện tiến triển rõ ràng hơn. Nhưng tình dục thì không mang lại hiệu quả như vậy. Nó lộn xộn và đầy rủi ro”, cây bút Newland của BBC nhận xét.
Một cảnh gây sốc trong Saltburn. |
Đó cũng là lý do mà nhiều nhà làm phim Hollywood hiện nay ngại mạo hiểm đưa cảnh nóng vào trong tác phẩm của họ. Những bộ phim đình đám gần đây có nhiều cảnh 18+ như Poor Things, Saltburn hay All of Us Strangers đều được thiết kế sản xuất rất kỹ càng. Cảnh nóng diễn ra một cách có tính toán, đóng vai trò quan trọng trong nội dung tác phẩm. Hơn nữa, nó được xử lý khôn khéo, mang giá trị nghệ thuật cao chứ không theo kiểu “nhét vào để gây shock”.
Còn tại Việt Nam, cảnh nóng lại thường xuyên được bày biện trong các tác phẩm chiếu rạp. Những năm gần đây, nhiều dự án nội địa với cảnh nóng táo bạo ra mắt, từ Người mặt trời, Người vợ cuối cùng, Chiếm đoạt cho tới Trà, Mai, B4S - Trước giờ “yêu” hay Cái giá của hạnh phúc... Tuy nhiên, không ít phim bị phản ứng.
Trong danh sách này, Người vợ cuối cùng và Mai là hai cái tên hiếm hoi có doanh thu tốt. Tuy nhiên, ngay cả cảnh nóng trong hai tác phẩm này cũng không thực sự được đánh giá cao.
Gần đây nhất, B4S - Trước giờ “yêu” là phim tiên phong tại Việt Nam khai thác chủ đề tình dục cũng không được người xem đón nhận. Cách tiếp cận chủ đề thiếu sáng tạo cùng nội dung rời rạc khiến khán giả thất vọng. Hay như Cái giá của hạnh phúc với cảnh 18+ giữa bố chồng và con dâu chưa được xử lý tốt cũng gây nhiều tranh luận.
Điểm chung của các dự án này là việc sử dụng cảnh nóng kém hiệu quả. Cá biệt, một số phim còn lạm dụng, hay chỉ coi chúng là công cụ để quảng bá cho phim. Điều này khiến khán giả hiện đại cảm thấy thiếu được tôn trọng.
Việc sử dụng cảnh nóng để câu kéo khán giả đã không còn hiệu quả. |
Trao đổi với Tri thức - Znews, chuyên gia Nguyễn Phong Việt, người có nhiều năm quan sát thị trường cho biết điện ảnh Việt Nam đang chậm chân về xu hướng so với các nền điện ảnh trong khu vực và quốc tế.
Do đó, khi các nước đã không còn xem việc sử dụng cảnh 18+ là cần thiết, hoặc đã có giải pháp khác về mặt kịch bản sao cho phù hợp hơn, thì một số nhà làm phim Việt vẫn tin rằng chúng là “món ăn lạ và hấp dẫn” với khán giả. Ngoài ra, việc nhiều chiến dịch truyền thông sử dụng cảnh nóng như mồi câu sự chú ý của đại chúng khiến tình trạng sử dụng cảnh nóng trong phim Việt vẫn tràn lan, bất chấp việc nó có phục vụ cho nội dung câu chuyện hay không.
Thách thức dành cho các nhà làm phim là việc làm thế nào để “sản phẩm của mình không có cảnh nóng mà vẫn nóng”. Theo ông Việt, với lớp khán giả mới, tư duy về các cảnh 18+ trong phim đã khác. Họ đòi hỏi nhiều hơn về sự tinh tế, tính thẩm mỹ cũng như mục đích của các cảnh quay một cách rõ ràng. Vậy nên, các nhà sản xuất, đạo diễn cần chọn giải pháp phù hợp hơn khi chưa tự tin làm các cảnh 18+ tốt, hay biết rõ chúng không có nhiều giá trị.
“Điểm đầu tiên cần thay đổi nằm ở khâu biên kịch, làm sao cho phim vẫn lột tả được những chi tiết gợi cảm nhưng không phản cảm. Sau đó, đạo diễn và nhà sản xuất hoàn toàn có thể khai thác thêm nhiều góc nhìn mới về cảnh nóng, mà không nhất thiết phải tập trung vào “sự táo bạo” khiến cho diễn viên chịu thêm áp lực”, ông Việt chia sẻ.
Tủ sách Điện ảnh - Truyền hình giới thiệu những cuốn sách hay và mới nhất về nền công nghiệp điện ảnh, công nghệ truyền hình của Việt Nam cũng như thế giới. Ngoài ra, tủ sách còn giới thiệu các tác phẩm đáng đọc về các bộ phim, diễn viên, MC... nổi tiếng ở Việt Nam và thế giới.