Sau khi từ chức, cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson vẫn can thiệp vào nhiều công việc chính trường, gây ra nhiều tranh cãi. Ảnh: Reuters. |
Mặc dù bị buộc phải từ chức, dẫn đến sự sụt giảm nghiêm trọng về sự ủng hộ dành cho bản thân và đảng Bảo thủ, ông Johnson vẫn đang cố gắng tác động đến chính sách của nước Anh, theo CNN.
Những người ủng hộ nói rằng sự can thiệp của ông Johnson là hy vọng cuối cùng của đảng Bảo thủ để cứu đảng này khỏi thất bại trong cuộc bầu cử tiếp theo.
Những người chỉ trích thì cho rằng ông không chỉ đang làm suy yếu Thủ tướng đương nhiệm Rishi Sunak, mà còn làm tổn hại triển vọng bầu cử của đảng mình.
Sửa đổi Brexit
Tháng 7/2022, ông Johnson bị buộc phải từ chức sau nhiều bê bối về đạo đức. Trong đó, lớn nhất là bê bối tiệc tùng “Partygate”, khi ông Johnson tổ chức các cuộc tụ tập bất hợp pháp trong thời gian phong tỏa vì đại dịch. Ông đã trở thành thủ tướng đầu tiên của Anh vi phạm pháp luật khi còn đương nhiệm.
Những ngày này, ông Johnson có vẻ đang cố gắng đàm phán một thỏa thuận với Liên minh châu Âu (EU) để sửa chữa một phần của thỏa thuận Brexit. Chính ông là người đã đàm phán và ký kết Brexit vào năm 2019.
Những dự đoán về sự can thiệp của ông Johnson khiến nhiều người đặt câu hỏi về sức mạnh của ông Rishi Sunak với tư cách là thủ tướng đương nhiệm của Anh.
Ông Boris Johnson đã bổ nhiệm ông Rishi Sunak làm bộ trưởng Tài chính Anh vào năm 2019, nhưng các nhà phê bình cho rằng ông đang làm suy yếu người kế nhiệm mình với tư cách là thủ tướng. Ảnh: Reuters. |
Giúp hay hại đảng?
Đại đa số nghị sĩ trả lời phỏng vấn CNN đều nói rằng họ cảm thấy chán ngán việc ông Johnson “tìm kiếm sự chú ý”. Trước đó, ngày 22/1, ông Johnson đã bất ngờ đến Kyiv gặp Tổng thống Zelensky và cam kết Anh sẽ gắn bó với Ukraine.
Một cựu bộ trưởng từng phục vụ trong chính quyền ông Johnson nói: “Tôi chỉ ước ông ấy nhận ra rằng những nỗ lực của ông ấy tốt nhất nên dành để hỗ trợ Rishi. Ông Boris vẫn còn được yêu thích ở một số vùng của đất nước mà đảng chúng tôi có thể mất ghế. Vì vậy, ông ấy nên ở đó để vận động, chứ không phải là quay trở lại chính trường”.
Một bộ trưởng khác cũng từng phục vụ dưới thời ông Johnson tỏ ra kém lạc quan hơn về khả năng giúp đỡ của ông.
“Thật ra thì ông Johnson không được ưu ái cho lắm nên viễn cảnh ông ấy quay lại chính quyền sẽ trở thành động lực lớn nhất để người dân bỏ phiếu chống lại chúng tôi”, vị bộ trưởng nói.
Các cuộc thăm dò củng cố lập luận này. Một cuộc khảo sát gần đây của Ipsos MORI cho thấy ông Johnson vẫn ít được tin tưởng hơn ông Sunak hoặc lãnh đạo phe đối lập Keir Starmer.
Hết cuộc thăm dò này đến cuộc thăm dò khác về kết quả của cuộc tổng tuyển cử tiếp theo đều dự đoán đảng Bảo thủ sẽ chịu tổn thất nặng nề. Vận may đi xuống của đảng Bảo thủ có thể bắt nguồn trực tiếp từ thời điểm bắt đầu vụ bê bối Partygate.
Ông Boris Johnson đã giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử thủ tướng Anh năm 2019 nhờ tuyên bố "Đã hoàn thành Brexit". Tuy nhiên, một số đồng nghiệp cũ của ông cho rằng phần lớn công chúng hiện nay hối tiếc về việc Anh rời khỏi EU. Ảnh: Reuters. |
Can thiệp từ băng ghế dự bị
Những người ủng hộ ông Johnson không hoàn toàn tin vào các cuộc thăm dò. Họ cũng phản bác lập luận cho rằng ông Johnson phải chịu trách nhiệm cho sự sụt giảm uy tín trầm trọng của đảng Đảng bảo thủ, thay vào đó tuyên bố nguyên nhân là nỗi ám ảnh của giới truyền thông đối với vụ Partygate.
Một người trung thành với ông Johnson nói với CNN rằng “mọi người quên rằng ông Johnson đã giành được đa số ghế lớn nhất cho chúng tôi kể từ thời Margaret Thatcher” và tin rằng ông ấy vẫn là “người khổng lồ” trong mắt công chúng.
Những người ủng hộ ông trong đảng hoan nghênh sự can thiệp của ông. Những đảng viên Bảo thủ khác thì nghĩ rằng người ủng hộ ông Johnson rồi sẽ thấy nhận định của họ là sai.
“Hầu hết người ủng hộ ông Johnson trong quốc hội hoặc đã quyết định từ chức trong cuộc bầu cử tiếp theo, có thể vì họ biết kết quả đã rõ ràng, hoặc có khả năng rất cao là mất ghế”, vị cựu bộ trưởng cho biết.
Theo CNN, có vẻ như ông Johnson sẽ không dừng can thiệp vào chính trường Anh từ băng ghế dự bị, đặc biệt là đối với các chính sách mà ông tin rằng có thể làm hỏng di sản của mình.