Tại họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 15 vào sáng 19/5, báo chí đặt câu hỏi liên quan đến tác động của cải cách tiền lương đến cách tính lương hưu khi sửa Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH).
Dự Luật BHXH tác động đến đông đảo người lao động. Ảnh: Đức Thanh. |
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Lâm Văn Đoan cho rằng, dự Luật BHXH là luật khó và phức tạp, tác động đến đông đảo người lao động và người nghỉ hưu. Ủy ban Xã hội, lãnh đạo Quốc hội cùng Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành lấy ý kiến đối tượng tác động, đặc biệt là vấn đề rút bảo hiểm một lần.
Về thời điểm thông qua dự luật, ông Đoan thông tin, Ủy ban Xã hội đang phấn đấu trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp 7. Tuy nhiên, việc xem xét thông qua luật được căn cứ trên cơ sở thảo luận của đại biểu Quốc hội tại hội trường.
Hiện nay, các hồ sơ, tài liệu dự luật đã trình lãnh đạo Quốc hội ký để trình Quốc hội.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nhấn mạnh, căn cứ để đóng BHXH, bình quân tiền đóng BHXH liên quan trực tiếp đến cải cách tiền lương. Hiện nay, Chính phủ đã có báo cáo gửi sang Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
“Chúng tôi căn cứ theo đề xuất của Chính phủ điều chỉnh mức đóng BHXH làm sao bảo đảm quyền lợi tối ưu cho người lao động trước và sau cải cách tiền lương không có sự chênh lệch quá xa giữa những người đang hưởng mức tiền lương mới với những người nghỉ hưu trước 1/7/2024”, ông Đoan nói.
Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cũng lưu ý, đây là vấn đề rất khó, đòi hỏi phải nghiên cứu thận trọng. Ủy ban đang phối hợp với các cơ quan để tiếp tục nghiên cứu trình Quốc hội phương án tối ưu nhất để đảm bảo quyền lợi người lao động.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Lâm Văn Đoan. Ảnh: Quốc hội. |
Bỏ lương cơ sở thay bằng mức lương tham chiếu
Về mức lương tham chiếu, ông Đoan cho biết, theo Nghị quyết 28, Trung ương khóa 12 về Chính sách cải cách BHXH quy định khi thực hiện cải cách tiền lương thì bãi bỏ mức lương cơ sở. Trong khi đây là căn cứ để tính lương hưu, chính sách xã hội cho người lao động và nhiều chính sách khác.
Vì vậy, đến 1/7 tới đây, theo Nghị quyết 28, bỏ lương cơ sở thay bằng một mức lương điều chỉnh mới là mức lương tham chiếu.
“Hiện nay, các cơ quan Chính phủ đang tính toán mức lương tham chiếu phù hợp để làm sao không thấp hơn mức lương cơ sở đang áp dụng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nói. Ông cho biết thêm, hiện nay các cơ quan của Quốc hội đang tiến hành xem xét đánh giá liên quan vấn đề này.
“Việc tính mức lương tham chiếu, hệ số nhân cụ thể như thế nào cùng với cải cách tiền lương để áp dụng vào những năm tiếp theo cần tính toán chặt chẽ, khoa học, làm sao cho người nghỉ hưu và người đang làm việc hưởng mức lương tối ưu sau khi luật ban hành”, ông Đoan khẳng định.
Tại báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật BHXH sửa đổi, Chính phủ đề xuất sử dụng “mức tham chiếu” để thay thế cho mức lương cơ sở tại các nội dung của các chế độ BHXH trong Luật BHXH năm 2014 đang gắn với mức lương cơ sở.
Theo Chính phủ, đề xuất này nhằm tiếp tục thực hiện được các chế độ BHXH đang gắn với mức lương cơ sở; đồng thời tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội về việc không nên quy định thành số tiền tuyệt đối mà nên sử dụng một căn cứ khác thay thế.
Chính phủ cũng đề xuất bổ sung một khoản tại điều về quy định chuyển tiếp của Dự thảo Luật BHXH sửa đổi về mức tham chiếu tính BHXH.
Cụ thể: “Mức tham chiếu tính BHXH được tính bằng 1,8 triệu đồng từ ngày 1/7/2024 thay thế cho mức lương cơ sở để thực hiện BHXH theo quy định tại Luật BHXH năm 2014 và để thực hiện BHXH theo quy định của luật này.
Mức tham chiếu tính BHXH được điều chỉnh theo quy định của Chính phủ trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước và quỹ BHXH”.
Sách hay về xã hội
Văn minh Việt Nam - nhà dân tộc học Georges Condominas từng nhận xét tác phẩm này là “Cửa sổ để thế giới hiểu về Việt Nam”.
Sách Bàn về Quốc hội - những thách thức của những khái niệm là kết quả của cả một quá trình tích lũy và suy ngẫm của tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.