Theo CNBC, các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc đang tìm cách thay đổi mô hình kinh doanh và phương thức làm việc để đón đầu cuộc trấn áp của giới chức trách Bắc Kinh.
Trong năm qua, các nhà quản lý Trung Quốc đã đưa ra loạt quy định mới từ bảo mật dữ liệu đến chống độc quyền nhắm vào những công ty công nghệ lớn.
Bắc Kinh cũng đưa ra các hình phạt mạnh tay. Hồi tháng 11/2020, chính quyền Trung Quốc đã hoãn đợt IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) trị giá 35 tỷ USD của Ant Group Co. - công ty công nghệ tài chính thuộc Alibaba - tại Thượng Hải và Hong Kong.
Công ty công nghệ tài chính Ant Group của tỷ phú Jack Ma là mục tiêu của chính quyền Bắc Kinh. Ảnh: CNN. |
Đón đầu cuộc trấn áp
Sau đó, Ant Group buộc phải thay đổi mô hình kinh doanh sinh lời và đến nay, triển vọng IPO trở lại vẫn còn mờ mịt. Bắc Kinh cũng phạt gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba khoản tiền kỷ lục vì các cáo buộc liên quan đến chống độc quyền.
Hôm 4/7, Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc yêu cầu các kho ứng dụng trên điện thoại thông minh gỡ bỏ ứng dụng của Didi - gã khổng lồ gọi xe tại đất nước 1,4 tỷ dân - sau khi phát hiện công ty thu thập dữ liệu cá nhân của người dùng bất hợp pháp.
Với sự trấn áp mạnh tay của các cơ quan quản lý, nhiều tập đoàn tìm cách xoa dịu giới chức trách. Trong tháng 9, Tencent đã siết chặt kiểm soát việc trẻ vị thành niên chơi game.
Theo quy định của Trung Quốc, trẻ vị thành niên bị cấm chơi trò chơi trực tuyến trong khoảng thời gian từ 10h tối đến 8h sáng hôm sau. Tencent - một trong những công ty game lớn nhất thế giới - cho biết có nhiều trường hợp trẻ em sử dụng tài khoản người lớn để chơi game.
Với sự trấn áp mạnh tay của các cơ quan quản lý, Tencent và nhiều tập đoàn khác đã tìm cách xoa dịu giới chức trách. Ảnh: Reuters. |
Để ngăn tình trạng này, công ty sẽ yêu cầu người chơi thực hiện quét nhận dạng khuôn mặt trên điện thoại để xác minh xem họ có phải người trưởng thành hay không.
Trong vài năm qua, chính phủ Trung Quốc đã lo ngại về tình trạng nghiện trò chơi điện tử và ảnh hưởng của chúng đến sức khỏe của trẻ em.
Hồi năm 2018, các cơ quan quản lý đã ngừng việc phê duyệt trò chơi điện tử ở Trung Quốc do lo ngại về bạo lực trong một số tựa game, cũng như khả năng gây nghiện và gia tăng số trẻ em cận thị. Trò chơi tại Trung Quốc cần nhận sự chấp thuận của nhà kiểm duyệt để được phát hành và thu tiền.
Với các động thái mới nhất, Tencent dường như đang muốn đi trước giới chức trách Bắc Kinh một bước.
Hồi tháng 2, các nhà quản lý đã đưa ra hệ thống quy tắc chống độc quyền cho những nền tảng Internet. Bắc Kinh lo ngại về quy mô và sức mạnh của các công ty công nghệ nước này. Trong thập kỷ qua, họ đã phát triển thành những tập đoàn hàng đầu thế giới mà không bị quy định cản trở.
Văn hóa 996
Sau cuộc điều tra hồi tháng 4, Alibaba phải nộp khoản phạt kỷ lục 2,8 tỷ USD. Cả Tencent và Alibaba đều đang tìm cách để đón đầu những động thái chống độc quyền khác của chính quyền Bắc Kinh.
Hiện tại, người dùng không thể sử dụng dịch vụ WeChat Pay của Tencent trên trang thương mại điện tử Taobao của Alibaba. Tuy nhiên, theo nguồn tin của Wall Street Journal, cả hai đang tìm cách nới lỏng một số hạn chế trên những sản phẩm của đối phương.
"Những biện pháp tự điều chỉnh như vậy sẽ đi trước làn sóng quy định", ông Neil Campling - Trưởng bộ phận Nghiên cứu Công nghệ, Truyền thông và Viễn thông tại Mirabaud Securities Limited - bình luận.
Các công ty công nghệ cũng đang cố gắng thay đổi văn hóa 996. Theo đó, nhân viên phải làm việc từ 9h sáng đến 21h, 6 ngày mỗi tuần. Tỷ phú Jack Ma - nhà sáng lập Alibaba - từng mô tả văn hóa 996 là "phước lành lớn". Nhưng bình luận của ông vấp phải sự chỉ trích dữ dội.
Hôm 13/7, một bài xã luận trên trang báo của cơ quan cố vấn chính trị hàng đầu Trung Quốc đã kêu gọi các ông lớn công nghệ nghe theo tư tưởng Karl Marx và từ bỏ văn hóa làm việc 996.
Chúng ta phải nhận thức rõ ràng rằng bất cứ nỗ lực nào coi đôi chân con người như bánh xe, bàn tay con người là robot, đều không phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế thị trường với những nét đặc trưng của Trung Quốc
- Ông Ling Zhenguo, thành viên Hội nghị Hiệp thương Chính trị của Nhân dân Trung Quốc
“Chúng ta phải nhận thức rõ ràng rằng bất cứ nỗ lực nào coi đôi chân con người như bánh xe, bàn tay con người là robot, đều không phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế thị trường với những nét đặc trưng của Trung Quốc”, ông Ling Zhenguo, thành viên Hội nghị Hiệp thương Chính trị của Nhân dân Trung Quốc, nhấn mạnh.
Ông Ling cho rằng các công ty Internet Trung Quốc phải đặt con người “ở trung tâm”. Điều này sẽ giúp đóng góp vào “thịnh vượng chung” và sự phân phối tài sản công bằng trên khắp cả nước.
Bài viết của ông Ling gửi đi tín hiệu rằng văn hóa 996 có thể là mục tiêu sắp tới của Bắc Kinh. Tuy nhiên, những công ty công nghệ lớn cũng đã bắt đầu điều chỉnh hoạt động.
Hồi tuần trước, ByteDance - chủ sở hữu của TikTok - cho biết từ ngày 1/8, công ty sẽ dừng thực hiện "tuần lễ lớn, tuần lễ nhỏ". Theo chính sách này, nhân viên phải làm việc vào chủ nhật cách tuần và được trả lương.
Theo truyền thông Trung Quốc, ứng dụng video ngắn Kuaishou cũng đã hủy bỏ chính sách này hồi tháng trước.