Theo nguồn tin của Bloomberg, trong một cuộc họp tại Bắc Kinh, các quan chức của Ủy ban Ổn định và Phát triển Tài chính (FSDC) đã thúc giục ông Hứa Gia Ấn - nhà sáng lập China Evergrande Group - giải quyết vấn đề nợ của tập đoàn càng nhanh càng tốt.
Giới chức trách Bắc Kinh lo ngại rằng Evergrande sẽ gây ra những rủi ro hệ thống cho nền kinh tế thứ hai thế giới. Họ buộc phải đưa ra những giải pháp mạnh tay trong khi tình hình tài chính của tập đoàn ngày càng căng thẳng. Giá trái phiếu và cổ phiếu của Evergrande đã lao dốc trong vài tuần qua.
Theo nguồn tin của Bloomberg, các quan chức FSDC đã yêu cầu ông Hứa tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược. Mục đích là ổn định tài chính cho gã khổng lồ bất động sản. Bắc Kinh muốn tránh những cú sốc lớn đối với nền kinh tế.
Ông Hứa cho biết đang thảo luận với các chính quyền địa phương để tìm giải pháp, theo nguồn tin.
Tỷ phú Hứa Gia Ấn, Chủ tịch China Evergrande Group - tập đoàn bất động sản lớn nhất Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg. |
Núi nợ trăm tỷ USD
Evergrande - công ty bất động sản vay nợ nhiều nhất thế giới - đã phải giảm tài sản và đẩy mạnh bán bất động sản để hạ tỷ lệ đòn bẩy. Tuy nhiên, đế chế của ông Hứa vẫn không thể vực dậy niềm tin của các chủ nợ, nhà cung cấp và người mua nhà. Họ lo ngại công ty sẽ phải chật vật kiếm lời trên núi nợ 302 tỷ USD.
Năm nay, giá cổ phiếu của Evergrande đã lao dốc 36% xuống mức thấp nhất trong vòng 4 năm.
Chính phủ Trung Quốc đến nay vẫn im hơi lặng tiếng về các biện pháp hỗ trợ tài chính đối với Evergrande. Giới đầu tư lo ngại rằng công ty sẽ trở thành nạn nhân tiếp theo của chiến dịch của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm ngăn chặn rủi ro đạo đức và thắt chặt kiểm soát những lĩnh vực then chốt của nền kinh tế.
Theo Bloomberg, dù Evergrande và giới chức trách Trung Quốc đưa ra giải pháp nào đi chăng nữa, chúng cũng sẽ được cân nhắc kỹ lưỡng. Bất cứ động thái nào gây ảnh hưởng đến các chủ nợ đều có thể làm suy yếu niềm tin đối với những công ty khác trên khắp Trung Quốc.
Evergrande - công ty bất động sản vay nợ nhiều nhất thế giới - đã phải giảm tài sản để hạ đòn bẩy. Ảnh: Reuters. |
Ngược lại, việc rót vốn từ các nhà đầu tư tư nhân và quỹ liên kết với chính phủ có thể cứu trợ đáng kể.
Nguồn tin của Bloomberg tiết lộ cuộc gặp giữa ông Hứa và FSDC diễn ra một tháng sau cuộc họp của tỷ phú bất động sản và các cơ quan quản lý, bao gồm ngân hàng trung ương.
Trong cuộc họp trước đó, các quan chức đã thúc giục ông Hứa tăng tốc bán tài sản, cắt giảm nợ và đảm bảo rằng Evergrande thanh toán nợ đúng hạn. Hồi cuối tháng 6, tập đoàn bất động sản thông báo đã cắt giảm 20% các khoản nợ chịu lãi xuống 88 tỷ USD trong nửa đầu năm.
Điều đó giúp công ty đáp ứng một trong ba lằn ranh đỏ - bộ ba chỉ số mà các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã đưa ra nhằm khuyến khích ngành bất động sản tháo gỡ đòn bẩy tài chính.
Mất niềm tin
Tuy nhiên, những nỗ lực giảm nợ của Evergrande đã không thuyết phục được các nhà đầu tư. Họ lo ngại rằng công ty chỉ chuyển những khoản nợ sang các mục khác trong bảng cân đối kế toán.
Tổng nợ phải trả của nhà phát triển bất động sản - bao gồm các khoản phải trả ngắn hạn như thương phiếu - đã tăng lên mức kỷ lục 1.950 tỷ NDT hồi năm ngoái.
Sang năm 2021, một số đơn vị của Evergrande đã không thể chi trả thương phiếu đúng hạn. Điều đó đè nặng lên giá trái phiếu và cổ phiếu của tập đoàn. Tháng trước, Evergrande đã cam kết sẽ xử lý tốt các thương phiếu quá hạn. Tập đoàn nhấn mạnh rằng họ chưa bao giờ chậm thanh toán trái phiếu công.
Câu hỏi quan trọng đặt ra cho Evergrande là liệu các ngân hàng quốc doanh Trung Quốc có tiếp tục cấp vốn cho tập đoàn hay không. Theo nguồn tin của Bloomberg, trong những tháng qua, một số nhà băng đã quyết định dừng cho vay tuần hoàn đối với tập đoàn.
Dù Evergrande và giới chức trách Trung Quốc đưa ra giải pháp nào đi chăng nữa, chúng cũng sẽ được cân nhắc kỹ lưỡng
Bloomberg
Một số ngân hàng khác đã cho phép Evergrande mở rộng một phần hạn mức tín dụng, do lo ngại về việc cắt giảm nhiều khoản vay có thể làm mất ổn định hệ thống tài chính của Trung Quốc.
FSDC cũng yêu cầu các chủ nợ lớn của Evergrande thực hiện nhiều đợt kiểm tra nghiêm ngặt về mức độ ảnh hưởng của họ, theo nguồn tin.
Giá cổ phiếu Evergrande lao dốc khiến tài sản của ông Hứa giảm 28% trong năm nay, tương đương khoảng 6,6 tỷ USD, xuống 16,7 tỷ USD.
Ông Hứa - tỷ phú giàu thứ 20 Trung Quốc - đã xây dựng một đế chế từ phát triển chung cư, câu lạc bộ bóng đá đến xe điện. Tập đoàn của ông cũng từng gây xôn xao khi tìm cách tấn công thị trường ôtô điện.
Mục tiêu của vị tỷ phú là vượt qua Tesla và các tên tuổi khác để trở thành nhà sản xuất xe điện "lớn mạnh nhất thế giới" vào năm 2025. Tuy nhiên, China Evergrande New Energy Vehicle Group Ltd. cũng gây lo ngại về việc được định giá quá cao ngay cả khi chưa bán bất cứ chiếc xe nào.