Hôm 4/7, Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc yêu cầu các kho ứng dụng trên điện thoại thông minh gỡ bỏ ứng dụng của Didi - gã khổng lồ gọi xe của Trung Quốc, sau khi phát hiện công ty thu thập dữ liệu cá nhân của người dùng bất hợp pháp.
Theo Bloomberg, yêu cầu được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Didi IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) thành công trên sàn New York và thu về 4,4 tỷ USD. Công ty bán được 317 triệu cổ phiếu, nhiều hơn khoảng 10% kế hoạch ban đầu.
Didi không phải gã khổng lồ công nghệ duy nhất gặp rắc rối với các cơ quan quản lý Trung Quốc. Hồi tháng 11, Trung Quốc đã yêu cầu công ty fintech (công nghệ tài chính) Ant Group của tỷ phú Jack Ma hoãn IPO.
Didi gặp rắc rối với chính quyền Trung Quốc ngay sau khi IPO thành công trên sàn New York. Ảnh: Reuters. |
Cơ hội mua vào?
Đến tháng 4, Trung Quốc phạt Alibaba Group Holding Ltd. khoản tiền kỷ lục. Theo nguồn tin của Bloomberg, Bắc Kinh hiện tìm cách thắt chặt kiểm soát đối với những công ty Trung Quốc muốn IPO trên sàn nước ngoài. Điều đó có thể cản đường các tập đoàn như ByteDance Ltd. bán cổ phiếu bên ngoài Trung Quốc.
Kể từ mức đỉnh hồi tháng 2, vốn hóa của các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc đã bốc hơi 823 tỷ USD.
Sau khi mua lại hoạt động của Uber tại Trung Quốc năm 2016, Didi đã thống trị thị trường gọi xe của đất nước tỷ dân. Chỉ riêng trong quý IV/2020, công ty đã chiếm 88% tổng số chuyến đi được thực hiện ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, Didi không miễn nhiễm với đại dịch. Công ty lỗ ròng 1,6 tỷ USD vào năm ngoái. Trong quý I/2021, hãng gọi xe báo cáo thu nhập ròng 837 triệu USD.
Theo Bloomberg, các nhà đầu tư có thể mua cổ phiếu của Didi nếu đặt niềm tin vào những tên tuổi hàng đầu Phố Wall. Goldman Sachs Group Inc., Morgan Stanley và JPMorgan Chase & Co. đã dẫn đầu đợt IPO của Didi hồi tuần trước.
Didi thống trị thị trường gọi xe Trung Quốc với khối lượng dữ liệu người dùng khổng lồ. Ảnh: Reuters. |
SoftBank Group Corp. của Nhật Bản là cổ đông lớn nhất của Didi. Tencent Holdings Ltd cũng rót vốn vào hãng gọi xe này.
Một số nhà đầu tư cũng mua cổ phiếu của Didi để đa dạng hóa. Chứng khoán Mỹ đã tăng phi mã sau khi dịch Covid-19 bùng phát. Chỉ số S&P tăng hơn 90% so với mức đáy hồi tháng 3/2020. Nhưng không ai biết đà tăng sẽ kéo dài bao lâu.
Một số nhà đầu tư đã tìm đến các thị trường nước ngoài để phân tán rủi ro. "Trung Quốc có mức tăng trưởng GDP lớn và khá thu hút đối với giới đầu tư", ông Kim Forrest, Giám đốc đầu tư của Bokeh Capital Partners, nhận xét.
Nhiều nhà đầu tư cũng coi đợt sụt giá của Didi là cơ hội để mua vào. Một số khác đặt niềm tin vào triển vọng của dịch vụ gọi xe. Thành công của các công ty như Uber và Lyft ở Mỹ đã cho thấy tiềm năng lớn của ngành công nghiệp chia sẻ xe, nhất là khi nền kinh tế phục hồi từ đại dịch.
"Rất khó để có giấy đăng ký ôtô ở nhiều thành phố Trung Quốc. Các chính quyền địa phương cần kiểm soát tình trạng tắc nghẽn và ô nhiễm", chuyên gia Nick Colas và Jessica Rabe của DataTrek Research chia sẻ.
"Gọi xe là một cách giải quyết thích hợp. Khi đất nước ngày càng phát triển và giàu có, sẽ có nhiều khách hàng đủ tiền mua dịch vụ này hơn", họ nói thêm.
Vì sao cần lo ngại?
Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn có lý do để lo lắng. Hôm 6/7, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã cam kết sẽ tăng cường giám sát bảo mật dữ liệu và niêm yết nước ngoài. Bắc Kinh liên tục bày tỏ sự lo ngại về khối lượng thông tin mà các công ty công nghệ nắm giữ. Didi sở hữu dữ liệu của nửa tỷ người dùng hoạt động hàng năm.
"Tôi sẽ rất thận trọng nếu đầu tư vào Didi ở thời điểm này", ông Max Gokhman, Trưởng bộ phận Phân bổ tài sản của Pacific Life Fund Advisors, nhận xét.
Hồi tháng 11, chính quyền Bắc Kinh đã khiến thị trường chao đảo sau khi yêu cầu Ant Group dừng IPO. Ngoài ra, cuộc điều tra chống độc quyền đối với Alibaba cũng dẫn đến khoản phạt kỷ lục 2,8 tỷ USD.
"Tôi cho rằng rủi ro là quá lớn", ông Matt Maley, Giám đốc Chiến lược thị trường của Miller Tabak + Co., nhận định.
"Alibaba là một công ty tốt. Nhưng giá cổ phiếu đã lao dốc hơn 30% kể từ khi gặp vấn đề với chính quyền Trung Quốc, bất chấp thị trường chứng khoán Mỹ tăng mạnh vào năm ngoái", ông nói thêm.
Tôi sẽ rất thận trọng nếu đầu tư vào Didi ở thời điểm này
Max Gokhman, Trưởng bộ phận Phân bổ tài sản của Pacific Life Fund Advisors
Washington cũng có thể hành động mạnh tay. Cơ quan quản lý Mỹ đã yêu cầu các công ty niêm yết trên sàn giao dịch Mỹ phải tuân thủ đầy đủ quy định kiểm toán của nước này.
Trong khi đó, Didi là cái tên quá mới để có thể xuất hiện trong bất cứ quỹ hoán đổi danh mục (ETF) nào. Một loạt quỹ ETF theo dõi các công ty công nghệ Trung Quốc như CSI China Internet Fund (KWEB) và Invesco Golden Dragon China ETF. Nhưng chúng đều không có Didi.
KWEB đã lao dốc hơn 17% trong năm 2021. Đó là lý do ông Christian Fromhertz tại Tribeca Trade Group không đầu tư vào Didi. "Trung Quốc đã gia tăng mức độ rủi ro. Điều này khiến KWEB đang dần sụp đổ", ông cảnh báo.
Bloomberg nhận định các nhà đầu tư cũng không nên đầu tư vào Didi nếu không thích sự biến động. Trong ngày giao dịch đầu tiên, chứng chỉ lưu ký tại Mỹ của Didi đã tăng 29% từ ngưỡng giá IPO 14 USD/cổ phiếu, rồi giảm trở lại và đóng cửa với mức tăng chỉ 1%.
Hôm 6/7, sau động thái của chính quyền Trung Quốc, giá cổ phiếu Didi có thời điểm lao dốc 25% xuống còn 11,58 USD/cổ phiếu.