Theo AFP, cuộc gặp kết thúc với tuyên bố chung cam kết đưa ra "lộ trình hòa bình" dựa trên việc mở ra tiến trình hòa bình được giám sát, sự trở lại quê nhà của những người đã phải thay đổi nơi sinh sống do chiến tranh, và không bị can thiệp bởi các cường quốc khu vực.
"Việc đảm bảo quyền phụ nữ trong các vấn đề chính trị, xã hội, kinh tế, giáo dục, văn hóa theo khuôn khổ Hồi giáo về các giá trị đạo Hồi" cũng được nêu ra trong văn bản chung.
"Đây không phải một thỏa thuận, đó là nền tảng để bắt đầu cuộc thảo luận", đại biểu Mary Akrami, Giám đốc điều hành Mạng lưới Phụ nữ Afghanistan, chia sẻ với AFP.
"Điều quan trọng là cả hai bên đã có sự đồng thuận", bà Akrami nhận định.
Lãnh đạo các phe phái chính trị ở Afghanistan bên trong khách sạn hạng sang tại Doha, Qatar, để đàm phán với lực lượng Taliban. Ảnh: AFP. |
Khoảng 70 đại biểu đã tham dự cuộc gặp tại một khách sạn sang trọng ở Doha và những tiếng vỗ tay vang lên trong phòng họp lớn khi tuyên bố chung được công bố.
Ông Mutlaq al-Qahtani, đặc phái viên chống khủng bố của Qatar, nói: "Sự khác biệt gần như là rất ít... chúng tôi khá ngạc nhiên khi thấy cả hai bên nghiêm túc đến mức nào và họ cam kết chấm dứt cuộc xung đột này".
Cuộc gặp diễn ra sau 6 ngày đàm phán trực tiếp giữa Taliban và phái đoàn Mỹ, vốn được tạm hoãn để chờ kết quả cuộc gặp hai ngày giữa các lãnh đạo phe phái ở Afghanistan.
Các cuộc đàm phán giữa Taliban và Mỹ sẽ tiếp tục vào ngày 9/7. Cả hai bên sẽ hướng đến giải pháp để chấm dứt cuộc xung đột đẫm máu đã kéo dài 18 năm.
Washington cho biết họ muốn ký thỏa thuận chính trị với Taliban trước cuộc bầu cử tổng thống Afghanistan vào tháng 9 tới, cho phép các lực lượng nước ngoài rút quân khỏi quốc gia này.
Người dẫn đầu đàm phán của phái đoàn Mỹ, ông Zalmay Khalilzad, cho biết vòng đàm phán mới nhất giữa Mỹ và Taliban "là vòng đàm phán hiệu quả nhất mà chúng tôi từng có với những người Taliban".
"Chúng tôi muốn một Afghanistan ổn định", ông nói với các phóng viên bên lề cuộc đối thoại hôm 8/7. Taliban cũng cho biết họ "hạnh phúc với tiến triển".