Các máy bay không người lái (UAV) của Mỹ, còn gọi là drone được trang bị những công nghệ tiên tiến, khiến chúng trở thành những sản phẩm đắt đỏ. Tuy vậy, sau nhiều năm tung hoành trên bầu trời, hoạt động của UAV đang trở nên nguy hiểm và khó kiểm soát.
Việc phòng không Iran bắn hạ máy bay do thám không người lái RQ-4 Global Hawk của Mỹ - có mức giá hơn 200 triệu USD, trên eo biển Hormuz vào ngày 20/6 là tín hiệu báo động. RQ-4 là UAV đắt nhất đang hoạt động của Mỹ, nó báo hiệu rằng Mỹ có thể cần có chiến lược mới để đối mặt với các đối thủ có sự chuẩn bị tốt, hay các nhóm vũ trang cực đoan được trang bị hệ thống phòng không hiện đại, Wall Street Journal cho biết.
Công nghệ Mỹ đã thống trị bầu trời trong nhiều thập niên qua, nhưng các cường quốc quân sự như Trung Quốc, Nga đang vận hành các đội máy bay không người lái riêng của họ. Theo các chuyên gia và quan chức quân sự, thậm chí các tổ chức không thuộc nhà nước như phiến quân IS, Houthi ở Yemen đã sử dụng các drone nhỏ, nhưng đáng gờm.
Tên lửa phòng không ngày càng tinh vi
Bên cạnh đó, các hệ thống phòng không đã phát triển mạnh mẽ ở nhiều quốc gia, bao gồm Iran. Điều đó khiến kỷ nguyên thống trị bầu trời của các drone Mỹ đã qua.
“Chúng ta đã chiếm ưu thế trên không trong nhiều thập niên, nhưng điều đó đang thay đổi. Iran mới chỉ thể hiện khả năng vươn ra không phận quốc tế để bắn rơi máy bay của chúng ta. Nga và Trung Quốc có năng lực còn mạnh hơn thế rất nhiều”, Thomas Karako, thành viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế nói với Wall Street Journal.
Tên lửa phòng không Khordad 3, vũ khí đã bắn rơi chiếc máy bay do thám của Mỹ. Ảnh: Fars News. |
Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ xác nhận máy bay không người lái RQ-4 bị bắn hạ bởi tên lửa đất đối không Khordad 3 do Iran tự phát triển. Đây là máy bay không người lái đầu tiên của Mỹ bị bắn hạ trên eo biển Hormuz.
Đầu tháng 6, phiến quân Houthi ở Yemen đã bắn rơi máy bay trinh sát tấn công không người lái MQ-9 Reaper bằng tên lửa đất đối không SA-6. Theo Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ, cuộc tấn công có sự hậu thuẫn của Iran.
Ngoài Khordad 3, Iran đang vận hành nhiều loại tên lửa khác, bao gồm S-300 của Nga có khả năng bắn rơi máy phản lực siêu thanh. Iran thậm chí còn tìm cách mua hệ thống phòng không tối tân S-400 của Nga, theo Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội.
Mỹ đang phụ thuộc quá nhiều vào drone
Quân đội Mỹ đang vận hành rất nhiều máy bay không người lái, từ những loại nhỏ, rẻ tiền đến những UAV cỡ lớn cần đường băng để cất cánh. Theo một phân tích của Trung tâm nghiên cứu Drone tại Đại học Bard ở New York, năm 2019, Lầu Năm Góc đã yêu cầu khoản ngân sách 9 tỷ USD để phát triển và mua sắm hơn 30 loại drone khác nhau.
Ngân sách cho drone quân sự đã tăng từ 5,4 tỷ USD vào năm 2013, Dan Gettinger giám đốc trung tâm cho biết. Loại drone nổi tiếng nhất của Lầu Năm Góc là Predator và Reaper. Chúng được chế tạo cho nhiệm vụ trinh sát và tấn công trong gần 20 năm qua.
Sát thủ lang thang MQ-9 Reaper là vũ khí chủ lực của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố. Ảnh: Military Today. |
Predator và Reaper đại diện cho mối đe dọa chưa từng có đối với phiến quân ở Trung Đông và nhiều khu vực khác trên thế giới. Trong khi đó, RQ-4 bị bắn hạ thuộc loại máy bay giám sát hàng hải khu vực rộng (BAMS-D) được trang bị hệ thống cảm biến, camera để cung cấp giám sát và trinh sát theo thời gian thực.
RQ-4 được xếp vào loại tài sản chiến lược, trong khi Predator và Reaper phục vụ cho mục đích chiến dịch, chiến thuật. RQ-4 có chiều dài hơn 12 m, sải cánh hơn 35 m, tương đương với máy bay vận tải hành khách Boeing 737.
Nó có thể bay ở độ cao hơn 18 km và hoạt động liên tục trong 30 giờ đồng hồ, phạm vi hoạt động tới 22.000 km. Nó có thể bay lảng vảng gần mục tiêu để thu thập hình ảnh hồng ngoại hoặc radar.
Ý tưởng về máy bay không người lái hình thành từ những năm cuối Thế chiến I. Đến những năm Chiến tranh Lạnh, công nghệ máy bay không người lái của Mỹ trở nên đáng tin cậy và hiệu quả hơn.
Mỹ không có khả năng để bảo vệ các drone giá trị cao hoạt động ở những không phận nhạy cảm. Ảnh: DVIDS. |
Đến năm 1988, Quốc hội Mỹ chỉ thị cho Lầu Năm Góc thống nhất các kế hoạch phát triển máy bay không người lái và tạo ra một kế hoạch tổng thể. Điều đó đã dẫn đến sự ra đời của UAV MQ-1 Predator.
Predator đã thực hiện các nhiệm vụ giám sát ở Bosnia giữa những năm 1990, sau đó đến Afghanistan vào đầu những năm 2000. Quân đội Mỹ bắt đầu vũ trang các UAV trong khoảng thời gian al Qeada tấn công Trung tâm Thương mại Thế giới vào ngày 11/9/2001.
“Thời điểm năm 2001, chỉ có một lượng nhỏ UAV được sử dụng bởi quân đội Mỹ, nhưng yêu cầu từ các chỉ huy quân đội ở Iraq và Afghanistan đã khiến tốc độ mua sắm UAV tăng mạnh”, Paul Scharre, thành viên cao cấp tại Trung tâm An ninh mới của Mỹ nói.
Ngày nay, phần lớn các UAV được sử dụng cho mục đích giám sát, dù UAV vũ trang được chú ý nhiều hơn, ông Scharre nhận xét. Trong cuộc chiến chống lại các tổ chức phiến quân, những drone của Mỹ trở thành kẻ thống trị, vì phiến quân không có hệ thống phòng không có thể với tới trần bay của các drone.
Tuy nhiên, vụ Iran bắn hạ RQ-4 minh họa cho sự khác biệt trong việc thu thập thông tin tình báo ở quốc gia đối thủ có hệ thống phòng không tiên tiến, điều mà những quốc gia khác như Nga, Trung Quốc và Triều Tiên đang duy trì.
Ông Scharre cho biết thêm điều quan trọng cần lưu ý là RQ-4 bị bắn hạ trên không phận quốc tế và không phải đang ở trong tình huống chiến đấu. Điều đó cho thấy Mỹ gần như không có khả năng bảo vệ các UAV trên không phận có tranh chấp.
Lầu Năm Góc nói rằng RQ-4 không có hệ thống phòng thủ, nhưng vụ việc cho thấy ngay cả những máy bay tiên tiến nhất cũng có thể bị bắn hạ bởi hệ thống phòng không lạc hậu.
“Lời cảnh báo ở đây là có rất nhiều hệ thống phòng không ngoài kia. Iran chưa phải là quốc gia có hệ thống phòng không tốt nhất thế giới”, ông Karako nói. Vụ RQ-4 bị bắn hạ là một lời cảnh tỉnh đối với Mỹ về chiến lược sử dụng UAV của họ.