Lực lượng phòng không Iran đã chứng minh sức mạnh khi bắn hạ máy bay do thám không người lái RQ-4A Global Hawk của Mỹ. Hai bên đều đổ lỗi cho nhau về vụ việc, nhưng Tehran cho thấy họ có khả năng trừng phạt và Washington cũng nhận thấy họ có thể chịu thiệt hại nặng nếu tấn công Iran. |
Bỏ qua vấn đề ai đúng, ai sai trong vụ bắn rơi RQ-4, nhưng có một điều chắc chắn là Mỹ vừa tổn thất hơn 130 triệu USD. Theo New York Post, RQ-4 có đơn giá tới 131,4 triệu USD, lên đến 227 triệu USD nếu tính cả chi phí phát triển, đưa nó trở thành máy bay không người lái đắt nhất thế giới đang hoạt động. |
Đơn giá của RQ-4 đắt hơn khoảng 34 triệu so với tiêm kích tàng hình F-35. Sở dĩ RQ-4 trở nên đắt đỏ là vì những thiết bị điện tử mà nó được trang bị cho nhiệm vụ trinh sát tầm xa. |
Bên cạnh thiết bị, phần mềm của RQ-4 cũng rất phức tạp. Để giám sát từ xa hoạt động của Global Hawk trong thời gian dài, người ta trang bị cho nó hệ thống kiểm soát nhiệm vụ độc đáo. Hệ thống gồm phần tử khởi động và thu hồi (LRE) và phần tử giám sát nhiệm vụ (MCE). |
Trong đó LRE được sử dụng để truyền tải dữ liệu chuyến bay, dẫn hướng quán tính và GPS, kiểm soát quá trình cất và hạ cánh, giám sát hoạt động chuyến bay. MCE được sử dụng để kiểm soát các hệ thống cảm biến của RQ-4. |
Phần lớn quá trình làm nhiệm vụ của RQ-4 diễn ra tự động. Global Hawk là máy bay do thám nên phần lớn đường bay của nó đã được lập trình sẵn. Tại trung tâm điều khiển cách máy bay hàng nghìn kilomet, phi công chủ yếu giám sát mà ít can thiệp vào đường bay, trừ các tình huống đặc biệt. |
Do thời gian hoạt động liên tục trên không rất lâu, RQ-4 đòi hỏi công tác bảo trì rất kỹ lưỡng, nhằm loại bỏ mọi lỗi kỹ thuật, hoặc hỏng hóc tiềm năng. Theo sUAS News, một trang web chuyên về tin tức máy bay không người lái, chi phí hậu cần và bảo trì cho RQ-4 khoảng 11.000 USD/giờ bay. |
Cũng theo sUAS News, chi phí vận hành Global Hawk năm 2013 là 18.900 USD/giờ bay. Chi phí vận hành của RQ-4 tương đương với F-35, khoảng 18.500 USD/giờ. Máy bay do thám U-2 có chi phí vận hành chỉ 12.496 USD/giờ, nhưng khả năng trinh sát của máy bay này hạn chế hơn so với RQ-4. |
Theo Không quân Mỹ, tính đến năm 2017, họ đang vận hành 33 chiếc RQ-4, trừ đi chiếc vừa bị Iran bắn rơi còn 32 chiếc. Ban đầu, Không quân Mỹ dự định mua 63 máy bay RQ-4, nhưng sau đó giảm xuống còn 45. |
RQ-4 cũng được phép xuất khẩu cho Hàn Quốc, Nhật Bản. Đức cũng đặt mua phiên bản RQ-4B và chỉ định là Eurohawk, nhưng chương trình sau đó đã bị hủy bỏ, vì chi phí quá cao. |
RQ-4 bị bắn rơi là tổn thất lớn nhất của Không quân Mỹ trong những năm gần đây, lần đầu tiên một máy bay của họ bị phòng không đối phương bắn rơi trong tình huống không có chiến tranh. Lần gần nhất mà máy bay do thám của Mỹ bị bắn rơi trong trường hợp tương tự diễn ra vào năm 1962, trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba. |