Giai đoạn cuối năm 2020 chứng kiến nhiều loại vaccine Covid-19 được phê duyệt và triển khai phân phối.
Tuy nhiên, cơn khát vaccine toàn cầu cho thấy thành tựu của ngành dịch tễ chưa thể lập tức chấm dứt đại dịch đã cướp đi sinh mạng của 1,77 triệu người này.
Tính đến ngày 29/12/2020, tổng số người mắc Covid-19 trên toàn thế giới đã xấp xỉ ngưỡng 81 triệu. Mỹ vẫn là ổ dịch lớn nhất với 19,2 triệu ca nhiễm, trong đó có 333.000 trường hợp tử vong.
Trong bối cảnh đại dịch tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường, nhiều nền kinh tế lớn đang đẩy mạnh việc tích trữ vaccine. Theo ước tính của New York Times, các quốc gia phát triển đã đặt mua hơn một nửa số vaccine có thể được sản xuất trong năm 2021.
Nước giàu vơ sạch kệ hàng
Số liều vaccine các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) sở hữu trong năm tới nhiều gấp đôi dân số của họ. Trong khi đó, Anh và Mỹ sẽ tích trữ đủ vaccine để tiêm chủng 4 lần cho người dân. Canada thậm chí đã đặt mua số vaccine nhiều gấp 6 lần dân số nước này.
Ở thái cực ngược lại, nhiều quốc gia đang phát triển chỉ có thể mua đủ vaccine để tiêm chủng cho khoảng 20% dân số trong năm 2021.
“Những nước có nền kinh tế lớn mạnh đã đi trước một bước và vơ sạch kệ hàng”, học giả Andrea Taylor tại Đại học Duke nhận xét.
Bà Andrea Taylor, nhà nghiên cứu dịch tễ học tại Đại học Duke. Ảnh: Đại học Duke. |
Tiến sĩ Suerie Moon thuộc Viện Phát triển Quốc tế Geneva dự đoán: “Những quốc gia phát triển sẽ đủ khả năng tiêm chủng toàn dân trước khi các nước thu nhập trung bình và thấp có đủ vaccine cho những người có nguy cơ lây nhiễm cao”.
Kể từ khi đại dịch bùng phát, Mỹ đã chi 5 tỷ USD để hỗ trợ nghiên cứu và điều chế 5 loại vaccine ngừa Covid-19 tiềm năng nhất thế giới.
Tuy nhiên, khoản đầu tư này đi kèm với điều kiện rằng người Mỹ sẽ được ưu tiên tiếp cận những liều vaccine sản xuất tại đất nước của họ.
Theo New York Times, Mỹ hiện có khả năng được các hãng dược Pfizer, Moderna, AstraZeneca, Johnson & Johnson, Novavax và Sanofi cung cấp khoảng 1,5 tỷ liều vaccine Covid-19 trong năm 2021.
Tiếp bước Mỹ, Anh cũng đã đặt hàng khoảng 357 triệu liều vaccine từ các công ty nói trên. Nước này cũng được ưu tiên lựa chọn mua thêm 152 triệu liều từ Valneva.
Tự lực cánh sinh
Những giao dịch chóng vánh với số vaccine khổng lồ nói trên khiến các nước nghèo hơn đối mặt với nguy cơ không thể tiêm chủng cho toàn bộ người dân.
Dẫu vậy, không phải quốc gia đang phát triển nào cũng lâm vào tình trạng thiếu hụt trầm trọng. Một số nước đã tận dụng khả năng sản xuất dược phẩm của họ để đảm bảo nguồn cung.
Vaccine Covid-19 sản xuất bởi liên doanh Pfizer và BioNTech được vận chuyển ra sân bay Mariano Escobedo, Mexico. Ảnh: Reuters. |
Ấn Độ được dự đoán là nước sản xuất nhiều vaccine nhất trong năm 2021. Viện Huyết thanh Ấn Độ là đối tác điều chế lượng lớn vaccine cho AstraZeneca và Novavax. Công ty này đã cam kết sẽ cung cấp một nửa lượng vaccine cho chính phủ Ấn Độ.
“Ấn Độ được ưu tiên vì đây là quê nhà của tôi”, Giám đốc Adar Poonawalla của Viện Huyết thanh Ấn Độ nói trong một cuộc phỏng vấn.
Chủ tịch K. Srinath Reddy của Tổ chức Y tế công Ấn Độ nhận xét: “Trong bối cảnh đại dịch toàn cầu, năng lực sản xuất vaccine của Ấn Độ là điểm tựa vững chắc mà thế giới có thể dựa vào”.
Viện Huyết thanh Ấn Độ được đánh giá cao về khả năng điều chế vaccine. Ảnh: Reuters. |
Hai nước Mỹ Latin là Argentina và Mexico cũng được đảm bảo khoảng 150 triệu liều vaccine từ hãng AstraZeneca với sự hậu thuẫn của Carlos Slim - tỷ phú người Mexico.
Vaccine của AstraZeneca phù hợp với các nước đang phát triển vì giá thành rẻ và dễ bảo quản. Hãng này dự kiến sản xuất khoảng 3,21 tỷ liều, hơn một nửa trong số đó sẽ được phân phối tại những nước có thu nhập trung bình và thấp.
Johnson & Johnson cũng được dự đoán sẽ phù hợp với các quốc gia đang phát triển bởi vaccine hãng này chỉ yêu cầu một lần tiêm, không cần mũi nhắc lại. Công ty này cam kết sẽ cung cấp 500 triệu liều vaccine Covid-19 cho các nước thu nhập thấp nhưng không nói rõ là nước nào.
Vaccine Covid-19 do Johnson & Johnson phát triển đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 và được dự đoán sẽ phù hợp với các nước đang phát triển. Ảnh: Johnson & Johnson. |
Trung Quốc hiện là quốc gia có khả năng sản xuất vaccine đứng thứ ba trên thế giới. Nước này đang có ý định phân phối lượng vaccine điều chế được cho các quốc gia đang phát triển, theo New York Times.
Vào cuối tháng 12, chính phủ Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất phê duyệt vaccine Covid-19 của hãng Sinopharm với tỷ lệ hiệu quả vào khoảng 86%.
Để giải quyết tình trạng bất bình đẳng về khả năng tiếp cận vaccine, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cùng hai tổ chức phi lợi nhuận hậu thuẫn bởi tỷ phủ Bill Gates đã khởi động chương trình Covax.
Theo đó, các tổ chức nói trên cam kết sẽ đem về một tỷ liều vaccine Covid-19 cho 92 nước nghèo và một tỷ liều cho những quốc gia có thu nhập trung bình và cao.
Tuy nhiên, chiến dịch này đang gặp khó khăn trong việc huy động quỹ. Ngay cả khi quyên đủ tiền, con số một tỷ liều cho vẫn khá ít so với tương quan dân số của 92 quốc gia.
Cuộc giành giật vaccine
Dù đã đặt trước một lượng lớn vaccine Covid-19, các nước phát triển vẫn phải kiên nhẫn chờ đợi. Nhiều hãng dược cần thời gian để tăng cường sản xuất và xin phê duyệt của cơ quan quản lý ở nước sở tại.
“Đặt trước 100 triệu liều không đồng nghĩa rằng bạn sẽ nhận được toàn bộ lượng vaccine ấy trong 12 tháng”, phó giáo sư y khoa Kendall Hoyt tại Đại học Darmouth nói với New York Times.
Trong hợp đồng, các hãng dược cam kết cung cấp vaccine dựa trên nhiều khung thời gian khác nhau, đa phần rơi vào khoảng thời gian đầu và cuối năm 2021.
Vẫn còn nhiều rào cản trong quá trình sản xuất vaccine Covid-19 trên khắp thế giới. Ảnh: Reuters. |
Thời điểm số vaccine đặt trước được phân phối phụ thuộc vào kế hoạch và năng suất sản xuất của các hãng dược. Nhiều doanh nghiệp có thể không đảm bảo cung ứng đủ lượng vaccine cam kết vì những khó khăn trong quy trình sản xuất, tờ New York Times nhận định.
“Khi chúng tôi hoàn tất thử nghiệm lâm sang giai đoạn 3 để chứng minh vaccine an toàn và hiệu quả, nhiều người nghĩ mọi thứ đã ổn thỏa”, tiến sĩ Richard Hatchett thuộc Liên minh Phòng ngừa Dịch bệnh chia sẻ. “Tuy nhiên, những thách thức trong quá trình mở rộng quy mô sản xuất là rất lớn và khó khăn”.
Một số hãng dược phải điều chỉnh lượng vaccine dự kiến do những vấn đề trong khâu sản xuất. Pfizer ban đầu cho biết sẽ cung ứng 100 triệu liều trong năm 2021, sau đó giảm xuống còn một nửa. Novavax đã tạm ngưng thử nghiệm lâm sàng vì không thể đảm bảo đủ số liều vaccine.
Nỗ lực thu hẹp bất bình đẳng vaccine
Khoảng cách giữa các quốc gia phát triển và những nước thu nhập thấp trong việc tiếp cận vaccine đang ngày một gia tăng. Tình trạng này khiến các nền kinh tế lớn đối mặt với áp lực phải điều chỉnh cách tiếp cận của họ.
Australia, Anh, Canada và khối EU đã cam kết hỗ trợ tài chính cho chiến dịch Covax. Giờ đây, các nước này được khuyến khích chia sẻ vaccine để những quốc gia đang phát triển không bị bỏ lại phía sau trong nỗ lực đẩy lùi đại dịch Covid-19.
“Viễn cảnh xấu nhất là một số nước có thể tiêm chủng toàn dân trước khi chúng tôi có đủ vaccine cho những người có nguy cơ mắc Covid-19 cao ở các nước đang phát triển”, cố vấn cấp cao Bruce Aylward của WHO nhận định.
Tiến sĩ Bruce Aylward thuộc WHO. Ảnh: AFP. |
Mỹ hiện vẫn chưa tham gia vào nỗ lực giải quyết tình trạng bất bình đẳng vaccine toàn cầu. Chính phủ nước này không hỗ trợ chương trình Covax, trong khi Tổng thống Donald Trump liên tục đẩy mạnh ưu tiên tiêm vaccine cho người Mỹ trước.
Tuy nhiên, người đứng đầu Nhà Trắng gần đây đã ký một lệnh hành pháp quy định về việc hỗ trợ vaccine “cho các đồng minh, đối tác và những nước khác” sau khi chính phủ liên bang xác định nguồn cung cho người Mỹ đã được đảm bảo.
Tổng thống đắc cử Joe Biden được kỳ vọng sẽ hành động quyết liệt và tích cực hơn. Ông cũng cam kết sẽ tái gia nhập WHO sau khi nhậm chức vào tháng 1/2021.
“Nếu chúng ta không can thiệp, ngay cả đến cuối năm 2022 - đầu năm 2023, sẽ chỉ khoảng một nửa dân số của các quốc gia có thu nhập thấp được tiêm chủng”, tiến sĩ Niko Lusiani của tổ chức y tế từ thiện Oxfam America lo ngại.
Ông Lusiani nói thêm: “Chúng ta đều biết vius không quan tâm đến biên giới quốc gia. Khi mọi người di chuyển từ nơi này sang nơi khác, dịch bệnh có thể tái bùng phát nếu người dân thuộc các quốc gia trên thế giới không được tiêm chủng một cách đồng đều”.