Nhà lãnh đạo Philippines đang đối diện nhiều chỉ trích trong nước vì bế tắc trong đàm phán mua vaccine Covid-19 từ Mỹ. Trước sức ép, ông Duterte tìm cách biến Thỏa thuận Các lực lượng Thăm viếng (VFA) với quân đội Mỹ làm lá bài mặc cả đẩy nhanh tốc độ chuyển giao vaccine, theo Nikkei Asia.
"Nếu họ không giao được tối thiểu 20 triệu liều vaccine, tốt nhất là họ nên cuốn gói. Không có vaccine thì đừng ở lại đây", Tổng thống Rodrigo Duterte ngày 26/12 tuyên bố trên truyền hình quốc gia.
Thông điệp được ông Duterte đưa ra trong một cuộc họp với nội các chính phủ và ủy ban quốc gia về ứng phó đại dịch Covid-19. Chính phủ của Tổng thống Duterte đã không đạt được thỏa thuận mua vaccine từ Pfizer, trong khi một số láng giềng như Singapore và Indonesia đàm phán thành công.
Tổng thống Rodrigo Duterte phát biểu trong cuộc họp chính phủ ngày 26/12. Ảnh: Văn phòng Tổng thống Philippines. |
Ngoại trưởng Teodoro Locsin Jr. đầu tháng 12 cho biết nỗ lực đàm phán mua 10 triệu liều từ Pfizer, với sự hỗ trợ của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, đã thất bại. Ông đổ lỗi cho cơ quan y tế Philippines. Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Francisco Duque nói rằng Manila chưa từng nhận được cam kết từ hãng được Mỹ.
Nhà lãnh đạo Philippines từng trấn an người dân rằng tình hình đất nước sẽ "trở lại bình thường" vào tháng 12 khi có vaccine Covid-19. Đến nay, Philippines đã ghi nhận hơn 460.000 ca dương tính virus corona, trong đó có hơn 9.000 ca tử vong.
Trong thời gian qua, ông nhiều lần phát biểu ưu ái vaccine từ Trung Quốc và Nga, chỉ trích phương Tây chỉ nghĩ đến lợi nhuận.
Philippines mới đạt được cam kết bán 2,6 triệu liều vaccine từ hãng AstraZeneca của Anh. Hợp đồng này không thể giao sớm hơn tháng 5/2021. Đơn hàng được đặt bởi các công ty Philippines với hứa hẹn sẽ quyên tặng 1/2 cho chính phủ.
VFA được ký vào năm 1998 cho phép Mỹ duy trì lực lượng quân sự thay đổi luân phiên ở Philippines. Thỏa thuận còn có vai trò quan trọng đối với hiệp ước phòng thủ chung giữa Manila và Washington.
Vào tháng 11, tổng thống Philippines đã chấp nhận gia hạn VFA thêm 6 tháng sau nhiều lần đe dọa xé bỏ thỏa thuận.