Mỹ, Anh, các quốc gia EU, và nhiều nước khác có thể đáp ứng nhu cầu tiêm chủng khoảng 80% dân số trên 12 tuổi trong nước và tiêm tăng cường mà vẫn còn lại một lượng lớn vaccine để tái phân bổ cho thế giới, Bloomberg ngày 5/9 dẫn kết quả từ hãng phân tích Airfinity (Anh) đưa tin.
Chính phủ các nước này đến nay mới chuyển đi một lượng nhỏ trong số vaccine mà họ đã cam kết chia sẽ với các nước nghèo. Một số quốc gia thu nhập cao thậm chí đã hoặc dự định tiêm tăng cường để chống lại biến chủng Delta.
Vaccine ngừa Covid-19 của hãng Pfizer chiếm khoảng 45% số vaccine trong tay các nước phương Tây có thể được tái phân bổ cho thế giới, theo phân tích mới của Airfinity. Ảnh: Bloomberg. |
Các nhà hoạt động y tế lo lắng rằng tiến độ chậm chạp của việc chia sẻ vaccine sẽ kéo dài đại dịch và làm tăng rủi ro biến chủng đáng lo ngại xuất hiện.
Trong hơn 1 tỷ liều vaccine mà các nước G7 và Liên minh châu Âu cam kết chia sẻ, chưa đầy 15% đã được chuyển đi, Airfnity kết luận.
Chia sẻ vaccine thường bị coi là việc phải lựa chọn giữa tổ chức chiến dịch tiêm tăng cường trong nước hay tái phân bổ vaccine ra nước ngoài, Rasmus Bech Hansen, CEO của Airfinity, nói trong một cuộc phỏng vấn.
“Dữ liệu của chúng tôi cho thấy đây là lựa chọn giả tạo. Bạn có thể làm cả hai”, ông Hansen nói.
Sản lượng vaccine toàn cầu đang tăng đều, trong khi khả năng sản xuất bị gián đoạn là rất thấp, ông Hansen nhận định.
Đến cuối năm nay, sản lượng vaccine toàn cầu có thể vượt mốc 12 tỷ liều, bao gồm vaccine Trung Quốc, Airfinity ước tính. Con số này lớn hơn khoảng 11 tỷ liều cần thiết để tiêm chủng cho cả thế giới.
Theo phân tích của Airfinity, các quốc gia phương Tây có sẵn khoảng 500 triệu liều vaccine có thể chia sẻ ngay. Con số này có thể tăng lên khoảng 2,2 tỷ liều cho tới giữa năm 2022.
Vaccine ngừa Covid-19 của hãng Pfizer chiếm khoảng 45% số vaccine có thể được tái phân bổ. Trong khi đó, vaccine của Moderna chiếm xấp xỉ 25%, theo Airfinity.