Ngày càng có nhiều trường hợp lãnh đạo các nước cắt ngắn những quy trình ngoại giao truyền thống và tiếp xúc cấp chính phủ khi giải mã chính sách đối ngoại của Mỹ.
Dẫn tiết lộ của nhiều quan chức đương nhiệm hoặc đã về hưu cùng các nước đồng minh và chuyên gia đối ngoại Mỹ, Wall Street Journal cho biết những nhà lãnh đạo thường chọn tiếp cận trực tiếp Tổng thống Donald Trump.
Gọi thẳng cho ông Trump là xong việc
Chiến thuật này được sử dụng bởi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đến người đồng cấp Nga Vladimir Putin.
Lãnh đạo nhiều nước dần nhận ra những lớp trung gian như các cố vấn và quan chức chính phủ là không cần thiết. Con đường hiệu quả là đối thoại trực tiếp với ông Trump, nhà lãnh đạo nổi tiếng với những quyết định chính sách khó đoán trước. Bản thân tổng thống Mỹ dường như cũng hoan nghênh cách tiếp cận này.
Nhiều trợ lý của Tổng thống Trump còn không biết ông đã gọi điện với ai và đồng ý những vấn đề gì. Ảnh: Getty. |
Căng thẳng giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ từng được giảm nhiệt nhanh chóng vào tháng một cũng chỉ nhờ một cú điện thoại của Thủ tướng Erdogan cho Tổng thống Trump.
Trước đó, Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton đã tranh cãi với các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ xoay quanh kế hoạch rút hết quân nhân Mỹ khỏi Syria. Thủ tướng Erdogan muốn nghe Tổng thống Trump trực tiếp trình bày về những vấn đề này. Ông "qua mặt tất cả mọi người" bằng cách gọi thẳng cho tổng thống Mỹ, một quan quan chức tiết lộ.
"Có cảm giác rằng tốt hơn chúng tôi nên chờ đợi và nghe xem Tổng thống Trump nói gì về vấn đề này trước khi tiến hành bất kỳ hành động nào khác", một quan chức giấu tên của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết.
Tổng thống Trump từng khẳng định bản thân ông là người phát ngôn tốt nhất cho chính sách của Mỹ. "Dường như ông Trump không muốn những người khác phát biểu thay mặt ông ấy, trừ trường hợp là họ dẫn lại chính xác những gì ông ấy nói", Robert Danin, cựu quan chức ngoại giao Mỹ và hiện làm việc tại Hội đồng Quan hệ Quốc tế, nhận định.
Ông Trump còn gửi số điện thoại cá nhân của mình cho nhiều đồng minh như Thủ tướng Canada Justin Trudeau và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, theo tiết lộ của nhiều quan chức ngoại giao Mỹ. Ông Trump muốn trao đổi dễ dàng hơn với các nhà lãnh đạo mà không phải thông qua hệ thống hành chính và các biện pháp an ninh rườm rà trong các cuộc điện đàm chính thức.
Theo tiết lộ của một quan chức am hiểu nội tình Nhà Trắng, các cố vấn nghi Tổng thống Trump thường nói chuyện riêng với lãnh đạo các nước qua điện thoại cá nhân.
"Chúng tôi không bao giờ biết ông ấy nói chuyện với ai và ông ấy đã đồng ý những gì", người này cho biết.
Tổng thống Trump luôn khẳng định có mối quan hệ cá nhân vô cùng tốt đẹp với nhà lãnh đạo Triều Tiên. Ảnh: Getty. |
Nội bộ bối rối, bên ngoài không biết nghe ai
Một số trợ lý của ông Trump lo sợ kiểu đối thoại riêng gieo hoài nghi trong nội bộ chính phủ. Có thời điểm, ngay cả những quan chức cao nhất trong nội các của ông Trump bị giấu nhẹm thông tin hoặc phải giải thích lại một số phát ngôn của nhà lãnh đạo Mỹ.
"Những nhà lãnh đạo nước ngoài sẽ hiểu rằng không ai có thể phát biểu quyền uy hơn ông Trump", chuyên gia Danin nhận định. "Bên cạnh đó, phát ngôn của bất kỳ quan chức trung gian nào trong tương lai cũng có thể không thể hiện đúng lập trường của tổng thống trong cuộc đối thoại".
Lập trường của Tổng thống Trump về đối ngoại cũng có lúc khiến chính những trợ lý của ông ấy rơi vào thế bị động. Hồi tháng 12/2018, tuyên bố rút quân khỏi Syria của Tổng thống Trump khiến chính sách của Mỹ tại khu vực chuyển hướng đột ngột.
Các quan chức Mỹ phải từng bước đảo ngược tuyên bố của tổng thống, thuyết phục ông cho phép một lực lượng vài trăm quân nhân Mỹ tiếp tục đồn trú ở Syria.
Tháng 7/2018, Tổng thống Trump gặp riêng với người đồng cấp Nga Putin mà không cho ghi chép theo đúng quy chuẩn. Những ghi chép này thường được luân chuyển mật giữa các cơ quan chính phủ để đảm bảo mọi người đều nắm được diễn biến. Tuy nhiên, Tổng thống Trump lo ngại tình trạng rò rỉ thông tin trong nội bộ Nhà Trắng. Trước đó, nhiều cuộc đối thoại giữa ông và các lãnh đạo nước ngoài đã bị tuồn ra ngoài.
Một số cố vấn chính phủ cũng lo ngại ông Trump, vốn là một người còn non kinh nghiệm về đối ngoại, sẽ nhân nhượng trong một số vấn đề mà nước Mỹ chưa sẵn sàng, hoặc thiếu quyết liệt trong các vấn đề tác động đến an ninh quốc gia.
Tổng thống Trump từng bị chỉ trích là thiếu sự ủng hộ cho cộng đồng tình báo Mỹ liên quan đến kết luận Nga can thiệp bầu cử năm 2016 khi thiếu quyết liệt buộc Tổng thống Putin nhận trách nhiệm.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo các nước G7 tại hội nghị thượng đỉnh ở Canada tháng 6/2018. Ảnh: AFP. |
Tháng 6/2018, nhà lãnh đạo 72 tuổi bất ngờ không chấp nhận tuyên bố chung tại hội nghị thượng đỉnh Nhóm bảy nước công nghiệp phát triển (G7), tổ chức ở Canada.
Tuyên bố được ông Trump đưa ra chỉ vài giờ sau khi một quan chức Nhà Trắng gửi thông cáo cho báo chí rằng tổng thống Mỹ ủng hộ tuyên bố chung. Ông Trump bỏ ngang hội nghị sau một cuộc tranh cãi với Thủ tướng Trudeau về thương mại.
"Tôi sẽ giàu to nếu nhận tiền cho mỗi lần một ngoại trưởng nào đó nhờ tôi giải mã và phân tích chính phủ của ông Trump", Richard Hass, cựu quan chức ngoại giao Mỹ trong hai đời tổng thống, chia sẻ.
"Thật sự là họ không thể nào đọc vị được chính phủ này. Nó như một cơn ác mộng đối với đại sứ và ngoại trưởng các nước", ông nói.
Theo tiết lộ của một cựu thành viên chính phủ Trump, nhiều quan chức nước ngoài thậm chí phải thắc mắc liệu những lần đối thoại với thành viên nội các của tổng thống Mỹ có phản ánh đúng thực tế chính sách hay không.
"Họ thường nói: 'Chúng tôi không biết phải tin vào điều gì, những gì được phát trên TV hay những dòng tweet mà ông ấy viết' hay những trao đổi từ các cố vấn hàng đầu của tổng thống", cựu quan chức chính phủ Trump cho biết.
Loại bỏ trung gian, "chỉ cần trực giác"
Nhiều tổng thống Mỹ tiền nhiệm cũng sử dụng mô hình gặp mặt trực tiếp để xây dựng mối quan hệ, thậm chí là với những quốc gia đối thủ của Mỹ. Tổng thống Ronald Reagan từng gặp nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev đến bốn lần trong giai đoạn 1985 - 1988.
"Tôi cho rằng nếu chúng ta muốn phá vỡ những rào cản của sự thiếu tin tưởng đang chia rẽ hai nước, chúng ta cần bắt đầu bằng cách xây dựng một mối quan hệ cá nhân giữa lãnh đạo của hai nước hùng mạnh nhất thế giới", cố tổng thống Mỹ viết trong hồi ký.
Cựu tổng thống George W. Bush từng tiếp Tổng thống Putin tại điền trang của mình ở Texas vào tháng 11/2001. Hai nhà lãnh đạo còn gặp riêng một lần khác tại tư gia của ông Bush ở Maine vào năm 2007.
Tổng thống Mỹ khi đó còn mời ông Putin đi chung ca nô cùng cha mình là cựu tổng thống George H.W. Bush. Những cuộc gặp cho phép lãnh đạo hai nước nói chuyện thẳng thắn khi những nhân vật phụ không góp mặt.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Trump cùng các quan chức hai nước gặp nhau sau hội nghị thượng đỉnh G20 tháng 12/2018 tại Argentina. Ảnh: AFP. |
Những người ủng hộ Tổng thống Trump vẫn tin tưởng vào phong cách đàm phán của nhà lãnh đạo. Ông nhiều lần tuyên bố sẵn sàng gặp gỡ bất kỳ ai, kể cả những lãnh đạo của Triều Tiên và Iran, nếu ông cảm thấy có khả năng đạt được một thỏa thuận, hay thậm chí chỉ là cam kết rằng sẽ có thỏa thuận, có lợi cho nước Mỹ.
Theo một số nhân vật am hiểu về Tổng thống Trump, ông ưu tiên kiểu thảo luận một đối một có thể nhằm cắt ngắn thủ tục hành chính rườm rà, vốn đôi khi trở thành lực cản cho các đàm phán quốc tế.
Trước cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên năm 2018, ông Trump từng khẳng định với phóng viên "chỉ cần phút giây đầu tiên" là ông có thể cảm nhận đàm phán thành công hay không.
"Chỉ cần một cái chạm, chỉ cần trực giác thôi. Đó là cách tôi làm việc"
Tổng thống Mỹ Donald Trump
Nhà lãnh đạo Kim Jong Un cũng làm ngơ trước hàng loạt quan chức ngoại giao cấp cao của Washington, trong đó gồm cả Ngoại trưởng Mike Pompeo, và chọn gửi thư trực tiếp cho Tổng thống Trump để tạo mối quan hệ cá nhân.
Trong một lá thư, ông Kim cho rằng chỉ hai nhà lãnh đạo mới có thể giải quyết mối xung đột dai dẳng giữa hai nước.
"Ông Kim Jong Un kết luận rằng ông Trump là người phù hợp để nói chuyện. Những cuộc đối thoại ở cấp độ thấp hơn chỉ phung phí thời gian của các bên", cựu quan chức ngoại giao Hàn Quốc Wi Sung Lac nhận định.
Kỳ vọng về tiến triển trong vấn đề Triều Tiên tăng cao trong cuộc gặp giữa ông Trump và ông Kim tại Hà Nội vào cuối tháng 2. Một ngày trước ngày họp chính thức, Nhà Trắng thậm chí đã tuyên bố sẽ tổ chức một lễ ký kết thỏa thuận. Cuộc gặp cuối cùng đã kết thúc sớm hơn dự kiến. Hai nhà lãnh đạo rời khách sạn Sofitel Legend Metropole mà không có thỏa thuận nào trong tay.
Gần đây, trong chuyến thăm của Thủ tướng Đức Angela Merkel đến Nhà Trắng vào tháng 8/2018, các cố vấn đã được lệnh rời phòng họp để bà Merkel và ông Trump có thể thảo luận riêng. Cuộc trò chuyện kéo dài đến 20 phút.
Một nguồn tin tiết lộ tổng thống Mỹ đã dắt bà Merkel đi dạo một vòng quanh Nhà Trắng.
Quay lại với cách truyền thống sau thượng đỉnh Mỹ - Triều?
Tổng thống Trump từng ca ngợi hết lời "mối quan hệ cá nhân rất tốt đẹp" với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tháng 12/2018, ông từng khẳng định mình và ông Tập "là hai người duy nhất có thể tạo ra sự thay đổi tích cực to lớn, trong lĩnh vực thương mại và nhiều vấn đề khác" cho Mỹ và Trung Quốc.
Tuy nhiên, sau hội nghị thượng đỉnh lần hai với nhà lãnh đạo Triều Tiên mà không đạt được thỏa thuận mới, các đàm phán thương mại Mỹ - Trung lại trở về với phương pháp "truyền thống". Cả Bắc Kinh và Washington giờ đây ý thức được rủi ro cuộc gặp mặt đối mặt giữa ông Tập và ông Trump xảy ra sai sót và phản tác dụng.
Trong tuần qua, những quan chức hàng đầu của Bắc Kinh lẫn Washington đang bàn thảo cực kỳ chi tiết những nội dung sẽ được hai nhà lãnh đạo thảo luận trong cuộc gặp tới đây, lẽ ra dự kiến diễn ra trong tháng 3 nhưng nay đã được hoãn lại ít nhất là tới tháng 4, theo Bloomberg.