Một số quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã cáo buộc Israel kích động bạo lực tại thánh đường Al Aqsa và sau đó tiến hành tàn sát ở Dải Gaza. Đây là hai nước muốn mở rộng ảnh hưởng trong thế giới Hồi giáo, theo Guardian.
Trong khi đó, những nước Arab khác theo đuổi lập trường ôn hòa hơn, tránh công khai lên tiếng mạnh mẽ nhắm vào Israel như UAE, Bahrain, Morroco và Sudan. Đây là những nước đã ký thỏa thuận hòa bình với Israel hồi năm ngoái dưới sự bảo trợ của chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump.
Truyền thông tại UAE đưa tin hết sức mờ nhạt về cuộc xung đột ở Dải Gaza. Tin tức về giao tranh giữa Israel và Hamas thậm chí hoàn toàn không được đăng tải ở Bahrain.
Người biểu tình phản đối Israel ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AP. |
Trong khi đó, Saudi Arabia cũng không đưa tin rộng rãi về xung đột. Dù chưa ký thỏa thuận hòa bình chính thức, quan hệ giữa Saudi Arabia và Israel được miêu tả là "sâu sắc hơn bao giờ hết". Đầu năm nay, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã tới thăm Thái tử kế vị Mohammed bin Salman.
Đây là lần đầu tiên các quốc gia thuộc khối Arab chia rẽ sâu sắc trước cuộc xung đột giữa Israel và Palestine. Trong quá khứ, khối này thường cùng lên án Israel mỗi khi xung đột nổ ra.
"Việc họ hầu như không đưa ra bất cứ chỉ trích nào đối với những gì đang xảy ra ở Israel và các lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng là điều cực kỳ bất thường", Chris Doyle, chuyên gia nghiên cứu về quan hệ của các nước Arab, cho biết.
Đây là tín hiệu cho thấy một số nước Arab sẽ không từ bỏ quan hệ mới cải thiện với Israel, vốn được coi là có nhiều giá trị trong các kế hoạch tương lai, như chống lại sự bành trướng ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và các tổ chức Hồi giáo cực đoan.