Ngày 15/9/2020, cựu Tổng thống Donald Trump công bố Hiệp định Abraham, thành tựu đối ngoại đáng tự hào nhất của ông. Hiệp định mở ra mối quan hệ chính thức giữa Israel với Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất và Bahrain.
“Sau nhiều thập kỷ chia rẽ và xung đột, ngày hôm nay, chúng ta đánh dấu buổi bình minh của một Trung Đông mới. Thỏa thuận này sẽ là nền tảng cho hòa bình toàn diện của toàn bộ khu vực”, ông Trump phát biểu trong một buổi lễ tại Nhà Trắng.
Tám tháng sau, các cuộc đụng độ giữa quân đội Israel và phong trào Hamas ở Gaza cho thấy “hòa bình” hay “Trung Đông mới” như lời của ông Trump vẫn chưa tới. Hiệp định Abraham tốt đẹp về hình thức, nhưng không thể giải quyết các xung đột tiềm ẩn tại khu vực Trung Đông.
Xung đột ở Gaza còn đặt ra cho Tổng thống đương nhiệm Joe Biden một bài toán khó khác: chia rẽ nội bộ đảng Dân chủ. Sau khi giao tranh ở Gaza bùng nổ, các thành viên cấp tiến của đảng đang đặt câu hỏi về cam kết của tổng thống với thảm cảnh của người dân ở Gaza. Họ yêu cầu ông phải làm nhiều hơn để tạo áp lực lên chính quyền Israel.
Quan điểm quen thuộc
Trong các tuyên bố công khai, cả Tổng thống Biden và Ngoại trưởng Antony Blinken đều lặp lại các công thức quen thuộc của Mỹ về quyền tự vệ của Israel khi phải đối mặt với tên lửa của phong trào Hamas.
Khi bày tỏ lo ngại về số người Palestine thiệt mạng trong các cuộc không kích của Israel, ông Blinken không quên đưa ra “sự phân biệt rõ ràng và tuyệt đối” giữa “một tổ chức khủng bố (Hamas) nhắm vào dân thường và Israel nhắm vào những kẻ khủng bố”. Ông tuyên bố rằng Israel “có quyền tự vệ” trước tên lửa bắn từ Gaza, theo Al Jazeera.
Tổng thống Joe Biden cũng cho rằng không có “phản ứng thái quá đáng kể” nào của Israel trước các vụ tấn công tên lửa Hamas. Ông Biden không đưa ra trước công chúng bất kì dấu hiệu nào về kế hoạch tăng cường sức ép đối với Israel. Thay vào đó, ông cũng liên tục nhấn mạnh quyền tự vệ của Israel.
Động thái này được một số nhà phân tích coi là một tín hiệu ngầm cho phép chiến dịch tiếp tục, bất chấp lời kêu gọi công khai bình tĩnh cũng đến từ tổng thống Mỹ, theo BBC.
Trong một cuộc điện thoại với Thủ tướng Netanyahu hôm 15/5, ông Biden tập trung vào những cái chết của dân thường Israel do tên lửa của Hamas. Bản tin của Nhà Trắng cũng không đề cập đến việc Mỹ thúc giục Israel tham gia lệnh ngừng bắn.
Bên cạnh đó, đại diện Mỹ sử dụng quyền phủ quyết nhằm ngăn chặn hành động của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (UNSC) về vấn đề xung đột giữa Israel và Palestine.
Mỹ thường xuyên đứng một mình bảo vệ Israel trước những lời chỉ trích của các thành viên còn lại trong hội đồng. Washington luôn sử dụng lập luận rằng một tuyên bố chung sẽ cản trở những nỗ lực ngoại giao hòa giải giữa hai phía.
Ngày 16/5, cuộc họp của Hội đồng Bảo an một lần nữa kết thúc mà không có kết quả cụ thể. Đây là lần thứ ba Mỹ phủ quyết một tuyên bố chung kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức giữa Israel và Hamas, theo Al Jazeera.
Trung Quốc đã gọi Mỹ là tiếng nói bất đồng duy nhất về vấn đề Israel và Palestine, theo Reuters.
Trên BBC, Hussein Ibish, một nhà nghiên cứu tại Viện các quốc gia vùng vịnh Arab, cho rằng: “Washington thường cho Israel một khoảng thời gian để đáp trả các cuộc tấn công tên lửa. Sau đó, đến khi chính quyền Mỹ nghĩ rằng Israel có đủ cơ hội làm những gì cần làm, họ sẽ yêu cầu Israel ngừng lại”.
Xung đột nhận thức
Kể từ sau khi phong trào Black Lives Matter nở rộ tại Mỹ, ngày càng nhiều người Mỹ muốn áp dụng quan niệm công bằng tương tự vào chính sách đối ngoại của đất nước. Họ cho rằng có tồn tại sự phân biệt chủng tộc trong cách đối xử của Israel với người Palestine.
Nhiều người theo chủ nghĩa cấp tiến đã chỉ trích Nhà Trắng vì phớt lờ vấn đề bạo lực. Ông Biden cũng không công khai phản đối kế hoạch trục xuất các gia đình Palestine khỏi khu phố Sheikh Jarrah.
Mặc dù ông Biden có kinh nghiệm đối mặt với khủng hoảng khi đảm nhận vị trí lãnh đạo Ủy ban Đối ngoại Thượng viện và sau đó là phó tổng thống, ông cũng nhận phải vô số sự chỉ trích đến từ một loạt chính trị gia đảng Dân chủ.
Đây không hẳn là vấn đề chính sách đối ngoại mà Biden muốn đối mặt trong những tháng đầu nhiệm kỳ tổng thống. Ông chỉ công khai nói về vụ bạo lực khi được phóng viên đặt câu hỏi.
Khi ông Biden lặp đi lặp lại câu nói rằng Israel có quyền tự bảo vệ mình, nhiều nghị sĩ đả kích ông ngay ở Hạ viện Mỹ.
“Người Palestine có quyền tồn tại không?”, Hạ nghị sĩ New York Alexandria Ocasio-Cortez đã đặt câu hỏi trong bài phát biểu vào ngày 13/5. Sau đó, nghị sĩ đảng Dân chủ tiếp tục công kích ông Biden khi lên tiếng trên Twitter rằng: “Nếu chính quyền Biden không thể chống lại một đồng minh thì họ có thể chống lại ai?”.
“Nếu chính quyền Biden đặt pháp quyền và nhân quyền làm trọng tâm trong chính sách đối ngoại của mình thì đây không phải là thời điểm của những tuyên bố tẻ nhạt”, Thượng nghị sĩ Chris Van Hollen, một đảng viên Dân chủ phục vụ trong Ủy ban Đối ngoại, trả lời tweet của Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc.
Adam Schiff, chủ tịch Ủy ban tình báo Hạ viện, hôm 17/5 cũng kêu gọi ông Biden tăng cường áp lực lên cả hai bên để chấm dứt cuộc giao tranh hiện tại.
Hội đồng Quan hệ Mỹ - Hồi giáo tẩy chay lễ kỉ niệm Eid (diễn ra trực tuyến) của Nhà Trắng. Người đứng đầu hội đồng cảnh báo rằng hành vi của tổng thống Mỹ có nguy cơ phá hỏng mối quan hệ với người Hồi giáo tại Mỹ.
“Chúng tôi không muốn kỉ niệm lễ Eid với chính quyền Biden khi họ hỗ trợ, tiếp tay và biện minh cho chính phủ phân biệt chủng tộc Israel. Israel đã ném bom bừa bãi vào những người đàn ông, phụ nữ và trẻ em vô tội ở Gaza”, hội đồng tuyên bố.
Thượng nghị sĩ Bernie Sanders cũng viết một bài đăng trên tờ New York Times với tựa đề rằng: “Mỹ phải ngừng xin lỗi giúp chính phủ Netanyahu”.
Ông Sanders cho rằng: "Mỹ cung cấp gần 4 tỷ USD viện trợ mỗi năm cho Israel. Tuy nhiên, Washington không thể là những người biện hộ cho chính phủ cánh hữu Netanyahu cũng như hành vi phi dân chủ và phân biệt chủng tộc. Nước Mỹ phải thay đổi hướng đi, cách tiếp cận và đề cao luật pháp quốc tế”.
Mỹ đòi Israel giải thích vụ không kích trụ sở báo chí ở Gaza
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói ông chưa nhận được lời giải thích từ phía Israel về cuộc không kích đánh sập tòa nhà ở Gaza, nơi đặt văn phòng của các hãng thông tấn quốc tế.
Các quan chức Palestine ở Dải Gaza cho biết 16/5 là ngày đẫm máu nhất kể từ khi cuộc giao tranh hiện tại với Israel nổ ra.
Công bố mới về thảm kịch Jeju Air
Cơ quan điều tra vụ tai nạn máy bay Jeju Air đã đệ trình báo cáo sơ bộ lên cơ quan hàng không của Liên Hợp Quốc cùng Mỹ, Pháp và Thái Lan vào ngày 27/1.