Theo CNBC, công ty nghiên cứu thị trường TrendForce cho biết 10 hãng sản xuất chip lớn nhất thế giới chứng kiến doanh thu tăng lên mức kỷ lục 22,75 tỷ USD trong quý I năm nay.
Chip được sử dụng trong mọi thứ, từ ôtô, máy chơi game, máy giặt đến bàn chải đánh răng điện. Chúng là một phần huyết mạch của nền kinh tế toàn cầu và rất quan trọng đối với các ngành công nghiệp lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt chip hiện nay có thể kéo dài đến năm 2023.
"Do nhu cầu đối với những thiết bị khác nhau tăng cao, các nhà sản xuất đã tăng cường mua linh kiện. Năng lực của những xưởng đúc chip do đó bị thiếu hụt kể từ năm 2020. Nhiều xưởng đúc phải tăng giá hoặc điều chỉnh hỗn hợp sản phẩm để đảm bảo lợi nhuận", nhà phân tích Joanne Chiao của TrendForce viết.
TSMC (có trụ sở tại Đài Bắc) chứng kiến doanh thu tăng lên 12,9 tỷ USD trong quý I/2021, tăng 2% so với một năm trước đó, theo TrendForce.
Mỹ và châu Âu muốn tự chủ hơn trong sản xuất chip khi phần lớn chip được sản xuất ở châu Á. Ảnh: Getty Images. |
Doanh thu quý của United Microelectronics Corporation (Đài Loan) cũng tăng tăng 5% so với quý trước lên 1,6 tỷ USD. Trong khi đó, doanh thu của SMIC của Trung Quốc đạt 1,1 tỷ USD, vọt lên 15%.
TrendForce cho rằng doanh thu của các nhà sản xuất chip sẽ tiếp tục gia tăng khi nhu cầu vẫn cao và giá tăng. Công ty dự báo tổng doanh thu hàng quý của 10 nhà sản xuất hàng đầu có thể phá kỷ lục trong quý II/2021 sau khi tăng khoảng 1-3%.
Ở một diễn biến khác, gã khổng lồ chip Hàn Quốc Samsung đã chứng kiến doanh thu giảm 2% trong quý I xuống còn 4,1 tỷ USD.
Chuyên gia Chiao nhận định một phần nguyên nhân là cơn bão tuyết hồi tháng 2 ở Texas đã gây ra tình trạng mất điện tại Austin, buộc Samsung phải tạm thời ngừng sản xuất chip ở một trong các nhà máy của tập đoàn tại bang này.