Khi bắt đầu hội nghị tại Bavarian Alps, Đức, 4 trong số 7 nước tham dự hội nghị đã đề nghị cấm nhập khẩu vàng của Nga nhằm thắt chặt các biện pháp trừng phạt đối với Moscow. Đồng thời, các nước cũng xem đây là cách cắt đứt các phương tiện tài trợ cho "chiến dịch" của Nga tại Ukraine, theo Reuters.
Hiện vẫn chưa rõ liệu các nước G7 có đồng thuận về đề nghị trên hay không. Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho rằng vấn đề này sẽ cần được giải quyết cẩn thận và thảo luận thêm.
Hôm 26/6, chính phủ Anh cho biết nước này cùng Mỹ, Nhật Bản và Canada đã đồng ý áp lệnh cấm mới về nhập khẩu vàng của Nga.
Lãnh đạo các nước G7 và Liên minh châu Âu tại hội nghị thượng đỉnh G7. Ảnh: Reuters. |
Anh cho biết lệnh cấm này nhằm vào giới nhà giàu Nga đang mua vàng để biến nó thành kênh trú ẩn an toàn và giảm tác động tài chính của các lệnh trừng phạt từ phương Tây. Trong năm 2021, xuất khẩu vàng của Nga đạt 15,5 tỷ USD.
Bên cạnh đó, một nguồn tin của chính phủ Đức cho biết các nhà lãnh đạo G7 cũng đang có các cuộc đàm phán "thực sự mang tính xây dựng" về mức giá có thể áp dụng đối với dầu của Nga.
Tại hội nghị lần này, các nhà lãnh đạo G7 cũng đã cam kết huy động 600 tỷ USD cho các nước đang phát triển để chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc và làm dịu tác động của việc tăng giá thực phẩm và năng lượng.
Ngoài các nước thành viên G7, hội nghị năm nay còn có sự tham dự của Nam Phi, Senegal, Argentina, Indonesia, Ấn Độ với tư cách là các quốc gia đối tác. Nhiều nước đang phát triển lo ngại hội nghị lần này và các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga sẽ làm tăng thêm tác động đến nền kinh tế toàn cầu.