Hãng gọi xe công nghệ Uber mới đây chính thức cho ra mắt mảng kinh doanh quảng cáo với mục tiêu xây dựng một doanh nghiệp trị giá 1 tỷ USD trong vòng 2 năm tới. Việc bước vào lĩnh vực mới dự kiến giúp Uber thúc đẩy sự hiện diện, chương trình khuyến mãi trong ứng dụng hoặc phương tiện của đối tác.
Bộ phận mới được thành lập vào đầu năm nay nhằm phát triển hoạt động kinh doanh quảng cáo hiện tại của Uber, chủ yếu gồm quảng cáo trong ứng dụng Uber Eats cũng như trên biển hiệu quảng cáo của phương tiện. Ông Mark Grether - cựu Giám đốc Quảng cáo của Amazon - sẽ phụ trách mảng này.
Tự kiểm soát hoạt động quảng cáo
CEO Uber Dara Khosrowshahi cho biết công ty đặt mục tiêu thu về 1 tỷ USD/năm tổng giá trị hợp đồng quảng cáo vào năm 2024. Tháng trước, vị lãnh đạo tiết lộ mảng kinh doanh quảng cáo của Uber thu về 350 triệu USD tổng giá trị hợp đồng quảng cáo vào quý II.
Uber tuyên bố nền tảng quảng cáo đã có mặt ở hàng chục quốc gia và sẽ mở rộng phạm vi hoạt động quốc tế trong năm tới.
Các định dạng quảng cáo mới đã được thử nghiệm tại một số thị trường, bao gồm hiển thị chương trình khuyến mãi trong ứng dụng Uber cho khách hàng khi đặt đơn hoặc hoàn thành một hành trình. Các thương hiệu có nhu cầu cũng có thể gửi email tới 122 triệu người dùng đang hoạt động của Uber trên toàn cầu hoặc đặt quảng cáo trên trang chủ của ứng dụng Uber Eats.
Uber sẽ sớm triển khai quảng cáo trên các kênh như ứng dụng, phương tiện của tài xế. Ảnh: Quora. |
Công ty đang thử nghiệm một số chương trình ở thị trường Los Angeles và San Francisco. Tại đây, các máy tính bảng gắn sau ghế ôtô được sử dụng để hiển thị thông tin chuyến đi và quảng cáo. Uber cho biết người lái có toàn quyền kiểm soát đối với quảng cáo có âm thanh.
“Thông qua mảng quảng cáo, chúng tôi có thể giúp các thương hiệu hàng đầu phát triển mối quan hệ với người tiêu dùng bằng cách kết nối vào thời điểm mà khách hàng chú ý đến”, Grether nhấn mạnh.
Động thái của Uber xuất hiện sau khi các đối thủ như DoorDash và Lyft cũng nhảy vào thị trường quảng cáo và coi đây là nguồn thu mang lại lợi nhuận khổng lồ. Các công ty tiếp thị cũng có nhu cầu tìm kiếm địa điểm mới để tiếp cận khách hàng sau những thay đổi về quyền riêng tư gần đây của Apple.
Andrew Lipsman - nhóm nghiên cứu quảng cáo Insider Intelligence - cho biết Uber đã tụt hậu so với DoorDash và Instacart về doanh thu từ quảng cáo tìm kiếm. Tuy nhiên, việc đẩy mạnh quảng cáo trong trải nghiệm chuyến đi có thể gây phản tác dụng.
“Quảng cáo trên máy tính bảng lắp ở ghế sau là một đề xuất mạo hiểm. Quảng cáo video tự động phát là định dạng quảng cáo mà hầu hết người dùng ghét và là lý do chính khiến họ từ bỏ taxi để ủng hộ Uber”, Lipsman nhận định.
Tránh phụ thuộc vào bên thứ 3
Uber vốn triển khai các chương trình quảng cáo trên phương tiện từ năm 2019 tại một số thành phố. Tài xế được thanh toán dựa trên thời lượng Uber chạy quảng cáo. Tuy nhiên, công ty từ chối tiết lộ liệu tài xế có được trả tiền nếu triển khai quảng cáo trong xe hay không.
Chia sẻ với Financial Times đầu tháng 10, Andrew McDonald - người đứng đầu mảng vận chuyển của Uber - đề xuất doanh thu quảng cáo được sử dụng để trợ cấp chi phí cho chuyến đi mà không ảnh hưởng đến thu nhập của tài xế.
"Nếu tài xế kiếm được nhiều tiền hơn từ chiếc xe thì chúng tôi có thể để giá cước chuyến đi cho người dùng thấp hơn. Đây là một trong số ít giải pháp mà chúng tôi có thể giúp tài xế kiếm nhiều tiền hơn mà không tính thêm phí người dùng", ông nói.
Grab cũng nhảy vào thị trường bản đồ để tối ưu hóa hoạt động và doanh thu. Ảnh: Grab. |
Trên thực tế, các ứng dụng gọi xe có xu hướng mở rộng lĩnh vực kinh doanh nhằm giảm thiểu chi phí, đồng thời đẩy mạnh doanh thu. Ngoài mở rộng hạng mục dịch vụ như giao hàng, giao đồ ăn, đi chợ hộ, các ứng dụng còn lấn sân sang mảng phụ trợ.
Hồi giữa năm, ứng dụng gọi xe Grab lấn sân vào thị trường bản đồ thông qua dịch vụ GrabMaps. Nền tảng tin rằng thị trường bản đồ ở Đông Nam Á sẽ có giá trị 1 tỷ USD vào năm 2025. Do vậy, việc tìm kiếm thị phần ở đây có thể giúp ứng dụng này thúc đẩy lợi nhuận, đặc biệt trong bối cảnh thua lỗ triền miên.
Công nghệ mới cho phép hệ thống phân bổ tài xế hoặc shipper tới khách hàng, đồng thời tính toán thời gian của chuyến đi, lên kế hoạch và tối ưu hóa tuyến đường.
Theo bà Tan Hooi Ling - đồng sáng lập Grab - các dịch vụ bản đồ của bên thứ 3 không hiển thị đẩy đủ hệ thống ngõ ngách nhỏ, một trong những nét quy hoạch truyền thống tại khu vực Đông Nam Á. Do đó, việc cung cấp dịch vụ của hãng tới khách hàng thường bị gián đoạn hoặc không chính xác.
Song song, quá trình cập nhật bản đồ của bên thứ 3 thường tốn nhiều tháng. Đây là một trong những lý do thúc đẩy Grab triển khai dịch vụ bản đồ mới và biến đây thành lợi thế cạnh tranh.
Tại Việt Nam, Grab cũng tung chương trình “Lập bản đồ thành phố” cho các tài xế để bổ sung dữ liệu vào hệ thống bản đồ.